phavothetran9a1-0259a

Trước việc các DN bán lẻ nước ngoài có mặt tại VN đang dàn hàng ngang để mở điểm bán, các DN trong nước vẫn đang nỗ lực hết mình để phá "thế trận", giành thị phần...

Tại thời điểm này, nhu cầu mua bán, sáp nhập DN đang diễn ra ở nhiều ngành hàng, nhiều lĩnh vực, trong đó tình trạng các DN nước ngoài mua lại các thương hiệu nổi tiếng trong nước khá phổ biến. Tuy nhiên, trong lĩnh vực bán lẻ đã và đang xuất hiện xu hướng ngược lại. Điển hình là trường hợp Cty Đông Hưng, chủ đầu tư chuỗi siêu thị Citimart đã mua đứt một thương hiệu nổi tiếng nước ngoài tại TPHCM.

Mua lại đối thủ ngoại

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Chủ tịch HĐQT Cty Đông Hưng, cho biết: "Năm 2007, chúng tôi cho Giant South Asia VN thuê một phần mặt bằng khu tự chọn tại 3 siêu thị Citimart ở TP HCM, Cần Thơ, Kiên Giang để họ kinh doanh. Tuy nhiên, sau khi xuất hiện họ loan tin trên báo chí rằng đã mua thương hiệu của chúng tôi. Biết rằng đây là cách để tập đoàn bán lẻ Dairy Farm bước chân vào thị trường VN nhưng thời điểm đó, chúng tôi muốn cho thuê để học hỏi kinh nghiệm quản lý, điều hành... của tập đoàn nước ngoài nên hợp tác với họ. Tuy nhiên, trong quá trình đó, chúng tôi không học được gì cả. Cách làm việc, điều hành khác nhau, không phải cái gì của nước ngoài cũng phù hợp, cũng thành công. Họ cũng như mình, cũng phải làm quen với mọi thứ và cũng phải chấp nhận những thách thức trong kinh doanh. Do vậy, khi hết hạn hợp đồng chúng tôi lấy lại mặt bằng, đồng thời mua luôn các cửa hàng của Dairy Farm, cốt để lấy mặt bằng kinh doanh ở một nơi tốt như Parkson. Hiện tại, những siêu thị chúng tôi lấy lại từ Wellcome có lượng khách tốt hơn nhiều so với lúc họ đang kinh doanh".

Gần đây nhất, một tên tuổi trong ngành bán lẻ của Nhật Bản là Family Mart cũng đã bán toàn bộ cổ phần liên doanh siêu thị với Tập đoàn Phú Thái (Hà Nội) trong bối cảnh bị lỗ tại thị trường VN. Trong khi đó, đến thời điểm này vẫn chưa có DN bán lẻ trong nước nào chịu đầu hàng trước khó khăn thách thức.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa khẳng định: "Sự xuất hiện của DN nước ngoài chính là động lực để DN VN phát triển và hoàn thiện hơn. Tôi chỉ ngán tiềm lực tài chính của họ. Đây cũng là điểm yếu, khó khắc phục của các DN trong nước".

Cảnh giác trước hệ lụy của cuộc chiến giảm giá

Theo các chuyên gia, trên thực tế, việc chạy đua mở siêu thị, TTTM tại thời điểm hiện nay chỉ là bề nổi, việc cạnh tranh khốc liệt để giành thị phần, khách hàng trong lĩnh vực bán lẻ mới là điều đáng lưu ý. Có thể dễ dàng nhận thấy điều này qua việc chưa có năm nào, cứ siêu thị này tung ra một chương trình khuyến mãi, ngay lập tức siêu thị khác cũng phải chạy theo.

Ngoài việc khuyến mãi, các nhà phân phối cũng không ngừng làm mới mình, bằng cách thay đổi bộ nhận diện thương hiệu, nâng cấp các siêu thị theo hướng ngày càng đẹp về hình thức, hàng hóa đa dạng và phong phú, đầu tư nhiều hơn cho các chương trình chăm sóc khách hàng,...

Giám đốc một chuỗi siêu thị tại TPHCM thừa nhận, kinh doanh bán lẻ ngày càng khốc liệt. Nếu trước đây, các chương trình khuyến mãi chủ yếu do các nhà cung cấp tự làm thì nay chính các chủ siêu thị phải hy sinh một phần đáng kể lợi nhuận để thực hiện chương trình xuyên suốt năm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại thời điểm này, lãi gộp của nhiều ngành hàng chỉ dừng ở mức từ 1% - 3%, thấp hơn rất nhiều mức 5% - 7% so trước đây. Thậm chí tại một số siêu thị còn công khai việc bán hàng giá gốc cho khách hàng.
Hệ lụy từ "cuộc chiến" giảm giá không chỉ làm cho các nhà kinh doanh bán lẻ bớt giàu mà còn góp phần đẩy các DN sản xuất ngày càng khó khăn do phải chịu mức chiết khấu ngày càng cao. Nếu trước đây chiết khấu cho các siêu thị đối với mặt hàng đông lạnh chỉ dừng ở mức 15% - 17% thì nay đã vượt mức 20% và ở những siêu thị có yếu tố đầu tư nước ngoài thì đòi hỏi mức chiết khấu càng cao.

Theo các chuyên gia, thực trạng này rất đáng lo ngại. Chính vì vậy, hơn lúc nào, các DN rất cần nhà nước hỗ trợ bằng những việc làm cụ thể, thiết thực về chính sách thuê đất, giá thuê đất; hỗ trợ đào tạo đội ngũ quản lý và kỹ năng bán hàng, phát triển hệ thống logistic; hỗ trợ xây dựng thương hiệu; hỗ trợ ứng dụng các phương pháp quản lý hiện đại; hỗ trợ thông tin thị trường, nguồn hàng; hỗ trợ tư vấn pháp lý trong việc liên kết nhà sản xuất - nhà phân phối...

Và hơn hết, trong tình hình hiện nay, bên cạnh việc DN phải có kế hoạch phát triển lâu dài, bền vững, các DN VN phải liên kết để có tiếng nói chung chứ không nên "mạnh ai nấy làm" như hiện nay mới có thể đương đầu và thắng được các đối thủ nước ngoài.

Theo Bộ Công thương, sau 5 năm gia nhập WTO, số lượng siêu thị thành lập mới trong thời gian này tăng hơn 20%, số trung tâm thương mại tăng hơn 72%. Ngoài ra, còn có hàng ngàn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi theo mô hình hiện đại phân bố rộng khắp cả nước.

Theo Quyên My

Diễn đàn doanh nghiệp.

Pin It
Franklin D. Roosevelt

"Định nghĩa của sự điên rồ: Lập đi lập lại một việc nhưng lại mong muốn có một kết quả khác đi."

User Menu