18001 by-cypheroz

Với 639 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế đạt được trong 6 tháng đầu năm, Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) coi như đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2013 vì đã đạt 98,5% kế hoạch.

Theo ước tính của Công ty Chứng khoán SSI, năm 2013, REE có thể đạt tới 894 tỉ đồng lợi nhuận, tương ứng với EPS (lợi nhuận mỗi cổ phiếu) 3.656 đồng.

Trong bối cảnh không ít doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn, làm ăn thua lỗ, thậm chí phá sản, kết quả trên rất đáng chú ý. REE hái được trái ngọt là nhờ sớm chuyển hướng đầu tư vào hạ tầng cơ sở, ngành có tiềm năng tăng trưởng cao.

REE tập trung đầu tư vào cổ phiếu của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện, than và nước chỉ vài năm trở lại đây. Giai đoạn năm 2007-2008, danh mục đầu tư của REE chủ yếu là tài chính - ngân hàng và bất động sản. Đây là những lĩnh vực khi đó đang phát triển nóng, giúp nhiều doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận đột biến.

Có lúc đỉnh điểm, REE đầu tư đến 21 loại cổ phiếu. Thời gian đầu, REE khá thành công khi cả hai thị trường này đều bùng nổ. Thế nhưng, Công ty bắt đầu nếm trái đắng khi kinh tế suy giảm. Việc đầu tư tài chính mạnh đã khiến Công ty lỗ 154 tỉ đồng trong năm 2008 do phải trích lập dự phòng tài chính. Theo báo cáo tài chính cuối năm 2008, REE có tổng vốn đầu tư 1.257 tỉ đồng. Trong đó, có 700 tỉ đồng đầu tư vào tài chính - ngân hàng (chiếm 55,6%) và 156 tỉ đồng vào bất động sản (chiếm 12,4%).

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị REE, đã thừa nhận sai lầm khi trả lời chất vấn nhà đầu tư về sự thua lỗ của Công ty lúc đó."Thua lỗ của REE trong năm 2008 là sai lầm lớn nhất của Ban Giám đốc và Hội đồng Quản trị. Chúng tôi đã lên kế hoạch cắt lỗ từ quý I/2008, nhưng không cương quyết làm ngay vì vẫn hy vọng thị trường sẽ phục hồi trở lại vào quý III hoặc quý IV/2008", bà nói.

Sau khi xác định lại chiến lược, REE đã tái cơ cấu danh mục đầu tư. Theo báo cáo tài chính cuối năm 2012, danh mục đầu tư của REE có đến 80% là vào điện, than và nước; 13% vào bất động sản; tài chính - ngân hàng chỉ còn 2% và các ngành khác là 5%.

REE đã nâng tỉ lệ sở hữu tại nhóm cổ phiếu điện, than và nước lên ít nhất 20% nhằm tạo thành các công ty liên kết. Tại Nhiệt điện Phả Lại, chẳng hạn, chỉ trong vòng 3 tháng cuối năm 2012, REE đã mua vào hơn 70,8 triệu cổ phiếu của công ty này, tăng tỉ lệ nắm giữ đến 22,26%.

Việc đẩy mạnh đầu tư vào ngành điện cho thấy tầm nhìn chiến lược của REE. Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, điện là ngành đóng vai trò quan trọng. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng như hiện nay và thực hiện được mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp thì nhu cầu điện sẽ phải tăng từ 15-17% mỗi năm.

Cách đầu tư của REE là đầu tư theo ngành dọc, tức liên kết theo nhóm ngành trong chuỗi hoạt động cốt lõi của Công ty, đầu tư xây dựng chuỗi giá trị trong những lĩnh vực liên quan đến một ngành nghề.

REE đã đầu tư liên kết thêm với một ngành có ảnh hưởng trực tiếp đến ngành điện là than. Tầm nhìn của REE cũng mang tính chiến lược khi mục tiêu phát triển của ngành điện là sẽ tập trung nhiều hơn cho nhiệt điện và giảm mạnh thủy điện. Cụ thể, theo kế hoạch phát triển ngành điện của EVN, đến năm 2020, nhiệt điện sẽ chiếm 60%, thủy điện chỉ còn 22,71%.

Cho đến nay, REE có 13 công ty liên kết, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực điện, than, nước như Nhiệt điện Phả Lại, Thủy điện Thác Mơ, Thủy điện Thác Bà, Nhiệt điện Ninh Bình, BOO Nước Thủ Đức, Đầu tư và Kinh doanh nước sạch Sài Gòn, Than Núi Béo.

Những công ty liên kết này đã góp phần đáng kể vào lợi nhuận 6 tháng đầu năm nay của REE. Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm, REE đã đạt 1.122 tỉ đồng doanh thu thuần và 697 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế. Trong đó, có 382 tỉ đồng lợi nhuận đến từ các công ty liên kết, chiếm gần 54,8% lợi nhuận của Công ty.

Sắp tới, có thể REE sẽ đẩy mạnh đầu tư vào nhóm cổ phiếu cơ sở hạ tầng. Tại Đại hội cổ đông thường niên của REE hồi cuối tháng 3, bà Thanh, Chủ tịch REE, cho biết: "Công ty sẽ tăng sở hữu tại các nhà máy điện nếu có thể".

Theo Nhịp cầu đầu tư.

Pin It
Charles M. Schwab (1862-1939)

"Khi một người đặt ra giới hạn về những gì mà anh ta sẽ làm, anh ta đã đặt ra giới hạn về khả năng của mình."

User Menu