Theo sự phân tích của các chuyên gia thương mại điện tử, tên miền (domain name) sẽ gắn liền với thương hiệu của doanh nghiệp trên môi trường Internet, do đó các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này sẽ phải đầu tư nhiều hơn vào tên miền, nội dung trang web, hoạt động quảng bá thương hiệu…

Domain
Trên thực tế, các doanh nghiệp kinh doanh tên miền hiện tại cũng phải nỗ lực tạo ra các chương trình, các hoạt động nhằm gắn chặt sự tồn tại của tên miền với quyền lợi của doanh nghiệp thương mại điện tử – vốn là các khách hàng quen thuộc của mình.

Tên miền đặc thù cho thương mại điện tử

Ngay từ thời điểm được cho ra mắt cách đây ba tháng, tên miền .shop đã hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy ngành thương mại điện tử Việt Nam trong tương lai. Đã có một số doanh nghiệp lớn sử dụng tên miền .shop cho các trang web kinh doanh trực tuyến hoặc liên quan tới lĩnh vực thương mại điện tử ở thị trường trong nước. Những gương mặt đầu tiên có thể kể đến là VinaPhone, FPT Shop, Bizweb (trực thuộc Công ty cổ phần Công nghệ DKT)… và nhiều cá nhân, tổ chức đã đăng ký các tên miền có giá trị tiềm năng như dongho.shop, hoatuoi.shop, ruouvang.shop… nhằm phục vụ mục đích kinh doanh trong tương lai.

Gần đây nhất là sự xuất hiện của tên miền .shop trong chuỗi sự kiện Ngày mua sắm trực tuyến 2016 (Online Friday 2016) do Bộ Công Thương phối hợp cùng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức vừa diễn ra vào tuần qua. Sự kiện diễn ra vào ngày 2-12 song từ tháng 11, các doanh nghiệp tham gia sự kiện này đã truy cập vào trang OnlineFriday.shop để đăng ký thông tin.

Ông Trần Đức Tâm, Trưởng đại diện Z.com Việt Nam, nhà phân phối tên miền .shop ở thị trường trong nước, cho biết tên miền này đang được cung cấp rộng rãi cho tất cả các cá nhân, doanh nghiệp và không có sự phân biệt ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh.Tuy nhiên, theo sự ghi nhận của Z.com thì các khách hàng đăng ký tên miền .shop hiện nay đang tập trung ở nhóm doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm và dịch vụ trực tuyến và các cửa hàng bán lẻ truyền thống.

So với các tên miền phổ thông khác thì .shop được giới chuyên gia trong ngành đánh giá cao, trong tương lai sẽ đạt số lượt đăng ký sử dụng chỉ đứng sau .com, ông Tâm cho biết.

Tên miền .shop đã được bán ra trên thị trường từ cuối tháng 9 và theo Z.com, hiện tại số lượt đăng ký tên miền này đã vượt qua con số 100.000. Trong giai đoạn ưu tiên (trước khi mở bán rộng rãi) đã có rất nhiều doanh nghiệp đăng ký tên miền nhằm bảo vệ thương hiệu, một số ít trong đó có mục đích đầu tư với giá rao bán sau đó từ hàng triệu đồng đến hàng tỉ đồng một tên miền .shop.

Theo giới chuyên gia thương mại điện tử, .shop sẽ nhanh chóng trở thành tên miền đặc thù cho ngành dịch vụ không khói mang lại lợi nhuận cao này, do đó, các doanh nghiệp chuyên kinh doanh trực tuyến được khuyến nghị nên đăng ký để sở hữu tên miền đặc thù này.

Thị trường tên miền ngày nay có sự chuyển đổi mạnh mẽ về cơ cấu sử dụng tên miền; đã bắt đầu có sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp sử dụng tên miền Việt Nam (.vn) bên cạnh thói quen lâu nay sử dụng tên miền quốc tế (.com, .net). Các doanh nghiệp không chỉ đăng ký sở hữu tên miền, họ còn sử dụng các dịch vụ có liên quan như lưu trữ dữ liệu, thuê máy chủ, thuê chỗ đặt máy chủ…

Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch VECOM, cần phải thúc đẩy việc sử dụng tên miền Việt Nam nơi nhóm doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp nước ngoài có sự tích cực hơn khi đăng ký sử dụng .vn bên cạnh tên miền quốc tế, và điều này được giới chuyên gia đánh giá là lời cam kết của họ về việc kinh doanh lâu dài ở thị trường Việt Nam.

Tăng cường bảo vệ thương hiệu

Theo các cuộc nghiên cứu gần đây của VECOM, nhiều doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến hiện đã chú trọng việc bảo vệ thương hiệu, đầu tư cho tên miền của trang web bán hàng trực tuyến. Đây cũng là dấu hiệu tích cực cho việc doanh nghiệp trong nước hướng tới quá trình toàn cầu hóa, hội nhập thương mại… với các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Tại Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2016 diễn ra ở Hà Nội vào cuối tháng 8, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM, nhấn mạnh rằng cách thức hữu hiệu trong kinh doanh trực tuyến là sở hữu một trang web kết hợp với các công cụ truyền thông xã hội để phát đi các thông điệp của doanh nghiệp, thu hút sự quan tâm của đông đảo khách hàng. Như vậy, doanh nghiệp muốn tham gia vào thế giới kinh doanh trên mạng, đầu tiên phải chọn được tên miền phù hợp để thiết lập trang web.

Còn dưới góc nhìn của ông Lê Hải Bình, Phó chủ tịch VECOM và cũng là Giám đốc điều hành Công ty Mắt Bão, tầm quan trọng của tên miền cũng tương đương với máy chủ lưu trữ dữ liệu. Cụ thể, kế hoạch quảng bá tên miền là một trong những yếu tố mang tính quyết định đối với doanh nghiệp thương mại điện tử. Đặc biệt, doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến phải chú trọng và đầu tư cho khâu xây dựng nội dung trang web, quảng bá tên miền và trang web tới đông đảo người tiêu dùng…

Ông Huỳnh Trọng Văn, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ dữ liệu trực tuyến ODS, nhà cung cấp dịch vụ đăng ký tên miền của ICANN (Internet Corporation for Assigned Names and Numbers, tổ chức quản lý tên miền và địa chỉ Internet quốc tế) ở Việt Nam, nói rằng các sự cố liên quan đến việc tranh chấp tên miền luôn là sự thách thức đối với các doanh nghiệp trong nước. Trong vai trò của mình, ODS sẽ nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết các khó khăn trong việc tranh chấp, khiếu nại về đánh mất tên miền, cấp lại tên miền bị quá hạn... Đây cũng chính là cơ hội để ODS đón đầu “làn sóng” bảo vệ thương hiệu trên Internet khi Việt Nam chuẩn bị hội nhập quốc tế với những hiệp định thương mại song phương, đa phương… sẽ diễn ra trong thời gian tới. Và các doanh nghiệp sẽ phải chú ý nhiều hơn tới việc đăng ký, bảo vệ tên miền và thương hiệu của mình trên môi trường Internet.

Chí Thịnh
(Theo TheSaigonTimes)

Pin It
Walter Landor

"Sản phẩm được làm ra trong nhà máy, nhưng thương hiệu thì được tạo ra trong tâm trí"

User Menu