Nhật Bản có rất nhiều tập đoàn khổng lồ, danh tiếng khắp toàn cầu. Thế nhưng, Toyota có một vị thế khác hẳn đối với Nhật Bản, mà gần như không có tập đoàn nào khác có thể thay thế.
Sau Thế chiến 2, Nhật Bản phát triển một cách nhanh chóng như một câu chuyện thần kỳ. Trong suốt quá trình ấy, Toyota trở thành nhân vật chính của câu chuyện thần kỳ mang tên Nhật Bản, bởi sự lớn mạnh của Toyota gần như song hành cùng những bứt phá ngoạn mục của đất nước này.
Toyota còn là người hùng của ngành ô tô Nhật Bản khi xâm nhập thành công thị trường ô tô sang trọng, vốn là “lãnh địa” của Mỹ, Đức, Ý, Anh. Thương hiệu ô tô cao cấp Lexus của Toyota tuy ra đời sau Acura của Honda nhưng lại nhanh chóng trở thành gương mặt nổi tiếng của xứ mặt trời trong danh sách thương hiệu ô tô hạng sang. Từ đó, người ta lại quan tâm hơn đến các thương hiệu ô tô cao cấp khác của Nhật Bản là Acura và Infiniti. Lexus, trong tác phẩm lừng danh của Thomas Friedman là Chiếc Lexus và cây ô-liu, đại diện cho sự trỗi dậy của một số quốc gia giúp định hình một thế giới mới.
Vượt lên cả giá trị thương hiệu, doanh số, thị phần, lợi nhuận..., Toyota còn đi tiên phong trong việc định hình triết lý kinh doanh, khoa học quản trị của người Nhật, chẳng hạn như trong môn học Sản xuất đúng hạn (Just In Time - JIT) nói về việc lập kế hoạch sản xuất, tồn kho, hậu cần trong quản trị sản xuất. Toyota còn được biết đến với mô hình quản lý chất lượng rất hiệu quả trong môn học Toyota way.
Nhiều năm nay, JIT và Toyota way đều đã trở thành những môn học chính thức của những trường đại học đào tạo về quản trị trên khắp thế giới, có cả Đại học Harvard lừng danh. Hàng triệu người, có cả rất nhiều doanh nhân thành đạt, nhà quản lý tài năng trên khắp thế giới, đã và đang dùi mài những kiến thức ấy. Hay Toyota cũng chính là tập đoàn đi đầu trong việc thể hiện phong cách quản lý của người Nhật, đó là sự quản lý sâu sát đến từng chi tiết. Điển hình như ông Akio Toyoda, Chủ tịch Tập đoàn Toyota, cũng từng làm việc ở những vị trí nhỏ nhất, cũng từng phải đích thân kiểm tra một chiếc xe bị khách hàng phàn nàn. Phong cách quản lý ấy khiến không ít người ấn tượng.
Nhưng hôm nay, từ một anh hùng của câu chuyện thần kỳ, Toyota trở thành tâm điểm của mọi chỉ trích về chất lượng trên thị trường ô tô lớn nhất nhì thế giới. Đích thân Chủ tịch Akio Toyoda phải thừa nhận “đã chạy theo tốc độ tăng trưởng” khiến “các ưu tiên đã trở nên hỗn độn” và chất lượng giảm sút. Khó ai có thể chấp nhận chất lượng như thế đối với nhà sản xuất ô tô số 1 thế giới, đồng thời là “học giả” về quản lý sản xuất. Điều đó sẽ tác động rất tiêu cực đến những gì mà Toyota nói đến trong JIT, Toyota way. Và cả những gì mọi người từng nói về triết lý kinh doanh, khoa học quản lý của người Nhật trong bao năm qua.
Chương buồn của câu chuyện thần kỳ Nhật Bản có nhân vật chính mang tên Toyota có lẽ khiến nhiều người, cả người Nhật lẫn thế giới còn lại, phải buồn lòng.
Người Mỹ giận dữ
Trong buổi điều trần khoảng 3 tiếng trước Quốc hội Mỹ hôm 24.2, Chủ tịch Akio Toyoda của Tập đoàn Toyota đã lặp đi lặp lại lời xin lỗi. “Tôi rất xin lỗi về bất cứ tai nạn nào mà các tài xế Toyota đã gặp phải. Tự đáy lòng mình, tôi thành tâm chia buồn với họ”, hãng tin AP trích lời ông Toyoda.
Nhưng lời xin lỗi đó đã không khiến giới lập pháp Mỹ và gia đình các nạn nhân nguôi giận. AP dẫn lời hạ nghị sĩ Marcy Kaptur: “Tôi không nghĩ rằng nó (lời xin lỗi) phản ánh sự thương xót đối với những người đã chết”. Theo giới chức liên bang Mỹ thì đến nay họ đã nhận được báo cáo về 34 cái chết được cho là có liên quan đến các khiếm khuyết kỹ thuật trên xe Toyota. Do các lỗi ở chân ga, thảm lót sàn, phanh, Toyota gần đây đã thu hồi 8,5 triệu xe, trong đó có hơn 6 triệu chiếc tại Mỹ.
Trước Quốc hội Mỹ, ông Toyoda đã cam kết hợp tác chặt chẽ với chính quyền trong việc điều tra và khắc phục sự cố an toàn của xe Toyota. Tuy nhiên, ông chủ Nhật Bản vẫn bác bỏ khả năng các sự cố, chẳng hạn như tăng tốc đột ngột, xuất phát từ lỗi ở hệ thống điện tử, mà nói rằng đây chỉ là một lỗi cơ khí. Phát biểu này đã hứng chịu sự phản đối từ giới lập pháp và người tiêu dùng Mỹ.
Hạ nghị sĩ John Mica nói rằng đây là một giai đoạn bẽ bàng không chỉ đối với Toyota mà còn đối với giới chức phụ trách an toàn giao thông Mỹ, vốn bị phê phán là đã hành động chậm và thiếu quyết liệt. Ông Mica trưng ra một bản báo cáo nội bộ hồi tháng 7.2009 của Toyota, trong đó cho biết hãng này đã “chiến thắng” khi đạt được thỏa thuận với chính quyền tại Mỹ về việc hạn chế thu hồi xe liên quan tới trục trặc do thảm lót sàn gây ra. Tài liệu này cho biết thỏa thuận đó đã giúp Toyota tiết kiệm 100 triệu USD.
Ở một góc độ khác, hạ nghị sĩ Paul Kanjorski nói rằng “tổn thất vừa qua đã giáng xuống đầu người Mỹ, những người cũng giống như tôi đã lớn lên với một niềm tin mãnh liệt vào sản phẩm “Made in Japan” (sản xuất tại Nhật Bản). Sự tin tưởng này từng đạt đến đỉnh cao nhất. Giờ đây thì quý vị đang làm tổn thương suy nghĩ của người Mỹ, và quý vị phải bồi thường cho điều đó”.
Theo Thanh Nien Online