Trong quá trình xây dựng văn hóa cho thương hiệu và dịch vụ, tính cách, ý chí của người lãnh đạo doanh nghiệp có ý nghĩa quyết định đến văn hóa thương hiệu...


Hai câu chuyện về thương hiệu Việt

Tôi muốn bắt đầu bài viết này bằng một câu chuyện do ông Nguyễn Liên Phương, Tổng giám đốc LP Việt Nam- một doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng Home Decor xuất khẩu 100% có trụ sở tại thôn Viêm- Cổ Nhuế- Hà Nội tâm sự mới đây:
“Một lần ở Sydney, tôi gặp anh bạn Việt kiều sống ở Úc đã trên hai mươi năm, sau câu chuyện về quê hương, anh khoe với tôi về con anh, một chàng trai sinh trưởng tại Úc, tốt nghiệp hạng ưu ngành công nghệ thông tin Đại học Sydney, hiện đang đi làm cho một công ty Úc với mức lương 190 nghìn đôla Úc một năm.

Anh say sưa nói: “Thế hệ người Việt ở đây như tôi với anh coi như bỏ đi được rồi, lớp trẻ như con trai tôi mới đúng là tương lai của người Việt mình”. Tôi nói với bạn, tất nhiên tương lai của người Việt ở Úc không thể trông chờ vào thế hệ tôi và anh, những người sinh trưởng ở Việt Nam rồi mới sang Úc lập nghiệp, và tôi rất mừng cho gia đình anh có cậu con trai học hành thành đạt như vậy, nhưng tôi không nghĩ rằng đó là tương lai của người Việt.

 

alt

Vì theo tôi, nếu con trai anh dám mở một công ty phần mềm, dám cạnh tranh với các công ty của Úc bằng chính sản phẩm hoặc dịch vụ của cậu ấy, thì dù thu nhập hiện tại có kém hơn vài lần so với mức lương đi làm, tôi mới thấy đó là tương lai của người Việt”.

Kiều bào ta ở nước ngoài, phần đông sinh sống ở các nước phát triển, rất chịu khó lo cho con cái học tập, tỉ lệ học giỏi và đỗ đạt của con em người Việt thường rất cao, nhưng phần lớn sự đầu tư này đều hướng đến một chỗ làm tốt, yên ổn với mức thu nhập dễ chịu trong các công ty của người da trắng.

 

Vì vậy, “ngoại trừ một vài quán Phở người Việt quen tên thường bảo nhau đến đấy ăn cho đỡ nhớ quê hương, hầu như chúng ta chẳng có lấy một thương hiệu nào khả dĩ làm cho người Âu – Mỹ phải biết đến”- anh Liên Phương đăm chiêu kết luận!

Tôi cũng có một người bạn là giám đốc một doanh nghiệp địa phương chuyên ngành vật liệu xây dựng. Khi tỉnh có chủ trương cổ phần hóa một số doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp của anh, anh đã phải mất nửa năm trời đôn đáo ra Hà Nội tìm cách “chạy” cho doanh nghiệp của mình chui vào một tổng công ty nhà nước để tránh bị cổ phần hóa. Những giám đốc doanh nghiệp không thực tâm muốn cổ phần hóa như vậy hiện rất nhiều. Mặc dù bên ngoài họ hô hào rất to ủng hộ chủ trương cổ phần hóa của Nhà nước.

Chừng nào chúng ta còn chưa học được cách làm ăn đàng hoàng, minh bạch, tìm kiếm lợi nhuận trong mối tương quan với lợi ích của người tiêu dùng, lợi ích của xã hội thì chúng ta còn chưa thể nói đến việc xây dựng nên những thương hiệu mạnh, vốn là niềm tự hào của quốc gia.

Văn hóa xây dựng thương hiệu

Hai câu chuyện trên chứng minh một điều xây dựng thương hiệu là một vấn đề không hề đơn giản nếu như chưa có những điều kiện cần và đủ của thời thế, hoàn cảnh. Tuy nhiên, cái khó nhất trong xây dựng thương hiệu lại nằm nhiều ở bản thân các doanh nghiệp Việt, dù trong hay ngoài nước. Bởi nếu không có đủ “tâm” và “tầm” họ cũng không thể làm được điều đó.

 

Tuy nhiên, tôi cũng muốn dẫn ra đây không thiếu những doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã và đang từng bước xây dựng được những thương hiệu không chỉ ở tầm quốc gia mà còn có tầm quốc tế. Ngay từ thời Pháp thuộc, nước Việt đã nức tiếng với thương hiệu của doanh nhân Bạch Thái Bưởi, gần đây có thể kể đến hai trong số khá ít ỏi những thương hiệu Việt Nam có thể vươn ra được biển lớn toàn cầu là Cà phê Trung Nguyên và Hoàng Anh Gia Lai.

Điều đáng nói và đáng trân trọng là 2 thương hiệu hàng đầu này lại được khởi đầu từ một địa phương thuộc “vùng sâu, vùng xa” của đất nước là Tây Nguyên xa xôi. Điều này khẳng định thêm một điều, nếu có “tâm” và “tầm”, nếu có khát vọng và biết chăm chút cho doanh nghiệp của mình, cho sản phẩm của mình, bất cứ doanh nghiệp Việt Nam nào cũng có thể xây dựng được thương hiệu!

Tuy nhiên, xây dựng thương hiệu là một chuyện, để biến thương hiệu ấy thành một thứ văn hóa tinh túy và bền vững còn đòi hỏi thêm nhiều yếu tố khác biệt nữa. Theo công thức kinh điển của các nhà quản lý kinh tế thì văn hóa thương hiệu được cấu thành từ 2 bộ phận: văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể của một doanh nghiệp.

 

Trong đó, bộ phận vật thể của văn hóa thương hiệu bao gồm tất cả cơ sở vật chất của doanh nghiệp (từ văn phòng, nhà xưởng, đến logo, hệ thống sản phẩm, cờ bài ca doanh nghiệp…). Nhưng các cơ sở này chỉ có thể trở thành cơ sở văn hóa nếu nó được bàn tay chăm sóc của con người.

 

Và bộ phận phi vật thể của văn hóa thương hiệu bao gồm toàn bộ những gía trị tinh thần mà tất cả đội ngũ con người của một doanh nghiệp từ người cao nhất là ông chủ đến người lao động bình thường tạo dựng nên bằng trí tuệ và đôi bàn tay khéo léo của mình trong suốt quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu và làm cho những giá trị ấy trường tồn với thời gian.

Có một điều rất đáng chú ý trong quá trình xây dựng văn hóa cho cho thương hiệu và dịch vụ là tính cách, ý chí của người lãnh đạo doanh nghiệp có ý nghĩa quyết định đến văn hóa thương hiệu. Người lãnh đạo có cái Tâm, cái Tầm và cái Tài như thế nào thì thương hiệu của anh ta sẽ đạt được như vậy.

 

Đây cũng là một trong những lý do giải thích vì sao trong hàng trăm, hàng ngàn thương hiệu cà phê của Ban Mê Thuột nói riêng và của Việt Nam nói chung chỉ có một thương hiệu cà phê Trung Nguyên vươn lên được đẳng cấp thế giới và trở thành một thương hiệu của “văn hóa cà phê”.

 

Khi xây dựng 2 không gian văn hóa cà phê là Không gian Sáng tạo tại Hà Nội và không gian Cà phê Thứ bảy tại TP. HCM, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã tâm tư rằng: Trung Nguyên phải rất nỗ lực để không chỉ “đóng gói cà phê” mà còn để cho thương hiệu cà phê ấy “có thể chứa được ‘hồn đất’, ‘hồn nước’ và cả những tư tưởng, tình cảm của người làm ra nó”. Rõ ràng, điều này đâu phải doanh nghiệp nào, ông chủ nào cũng có thể làm được!

Ngoài ra, những yếu tố khác như môi trường, không gian văn hóa, độ dài sâu lắng của thời gian... cũng có những tác động lớn đến việc xây dựng văn hóa thương hiệu. Thử hỏi, có ai tính được quãng thời gian để đất nước Phù Tang xây dựng được nên một nền “văn hóa trà đạo” nức tiếng.

 

Cũng như có ai có thể đo đếm được bao nhiều năm tháng đã trôi qua, bao nhiêu mồ hôi của con người đã đổ xuống để Hà Nội có một thương hiệu Cốm Làng Vòng, một thương hiệu Gốm Bát Tràng tuy có vẻ “quê mùa” nhưng lấp lánh trong đó nền văn hóa lúa nước ngàn năm của người Việt, nền văn hiến ngàn đời của người Tràng An? Ở góc độ đối diện, cũng không hiếm thương hiệu bị thui chột và biến mất trước sự bào mòn của thời gian do không được gìn giữ và không xây dựng được những tinh túy văn hóa đúng nghĩa…

Vĩ thanh

Trong “Thế giới phẳng” ngày nay, một quốc gia hùng mạnh về kinh tế phải là quốc gia sở hữu nhiều thương hiệu mạnh. Thương hiệu mạnh trong thời đại toàn cầu hóa không chỉ là thương hiệu có khả năng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới mà còn là thương hiệu có thể hòa nhập sâu vào dòng chảy văn hóa của nhân loại. Phải thẳng thắn thừa nhận con đường để nhiều thương hiệu Việt trở thành thương hiệu mạnh trên quy mô toàn cầu với hai tiêu chí ấy nổi trội ấy là một hành trình dài và vô cùng gian khó.

Nhưng với sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt, của nền văn hóa Việt sau hơn 2 thập niên mở cửa phát triển kinh tế, rồi gia nhập WTO vào mùa thu 2006 để bắt đầu chuyến hải trình vĩ đại vươn ra biển lớn thế giới, chúng ta cũng đã kịp trình làng”với thiên hạ một vài thương hiệu đáng kể như Cà phê Trung Nguyên, hay Hoàng Anh Gia Lai như đã nói.

 

Quan trọng hơn, chúng ta đã đào tạo được một đội ngũ doanh nhân tài năng đang ngày đêm nuôi chí lớn, muốn góp phần đưa thương hiệu Việt, văn hóa của thương hiệu Việt vượt ra khỏi tầm biên giới quốc gia gia nhập với năm châu, bốn biển. Đó mới là điều đáng kể, đáng mừng…

 

Theo Báo Công Thương

Pin It
Marylin Monroe

"Tôi không muốn kiếm tiền, tôi chỉ muốn trở nên tuyệt vời."

User Menu