alt

Mặc dù Chính phủ đã có rất nhiều chương trình nhằm thúc đẩy sự phát triển của hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam, nhưng những thương hiệu này đang gặp vô số khó khăn để khẳng định giá trị của mình trên thị trường. Bài viết sau nhằm giải thích những nguyên nhân của những khó khăn này.


Từ chuyện nhỏ như bát phở, chai bia.

Trước đây tôi thường ăn sáng ở quán phở gần nhà, quán mới mở nên không gian rất sạch sẽ, bát đũa trắng tinh, lọ dấm đĩa chanh hay bát ớt tươi đều rất sạch và ngon mắt, nhân viên phục vụ cũng một dạ hai thưa.

Bẵng đi một thời gian, tôi quay trở lại quán đó thì được đối xử khác hẳn: bàn ghế bẩn hơn nhiều, bát đũa cái mẻ cái mốc, đĩa chanh lộn xộn nhớp nháp miếng vàng miếng xanh, đĩa ớt chỗ héo chỗ tươi. Gọi một bát phở và được một cô bé bưng ra với một bộ mặt lạnh tanh, mà mỗi lần hỏi xin thêm cái gì thì thường được nhận một cái liếc mắt đầy khó chịu.

alt

Quán phở đã đông hơn nhưng tôi tự hỏi với cách làm ăn thế này thì quán sẽ đông được bao lâu?

Có thể nói bia Hà Nội là loại bia bán chạy nhất trên thị trường Hà Nội hiện nay. Nhưng theo đánh giá của giới ẩm thực thì bia Hà Nội bây giờ không được ngon như trước nữa. Dường như việc tăng sản lượng không đi kèm với giữ nguyên hoặc tăng chất lượng. Thậm chí gần đây có những chai bia nổi cặn, nổi váng và được người có trách nhiệm giải thích đó là “ chuyện bình thường”.

Nếu cứ tiếp tục làm ăn theo cách đó thì bao giờ có thể vươn ra thị trường thế giới?

Đến chuyện lớn về hình ảnh quốc gia.

Nhắc đến Pháp người ta nghĩ đến rượu vang, Tiệp Khắc với pha lê, Thụy Sỹ là đồng hồ, Bỉ có sô cô la, ngay cả nước láng giềng Trung Quốc nổi tiếng với trà, rượu…Những sản phẩm đó đã xuất hiện, tồn tại và phát triển qua hàng trăm năm và nó trở thành những thương hiệu toàn cầu. Còn Việt Nam, chúng ta có gì ?

Ngày xưa chúng ta có rượu làng V. nhưng khi kinh tế phát triển, người mua rượu cũng nhiều hơn thì lập tức tại làng V. xuất hiện nhiều công thức làm rượu siêu tốc, quái chiêu  mà ai nghe đến cũng phải rùng mình, và kết quả thương hiệu mạnh một thời dần dần biến mất.

Xi măng N.S một thời là niềm tự hào của người dân TH., nhưng đến bây giờ còn ai dám dùng xi măng N.S để xây nhà? Gốm sứ H.D đã từng là đồ quý của mỗi gia đình nhưng nay cũng không còn tồn tại. Rồi còn làng lụa nổi tiếng V.P, không hiểu làm thế nào chỉ có vài trăm máy dệt mà dệt ra nhiều sản phẩm đến thế ?

Và còn nhiều nhiều sản phẩm khác cũng chung số phận. Một điểm chung của các sản phẩm trên đó là: sự tăng lên của sản lượng thường đi kèm với sự suy giảm về chất lượng.

Khi thị trường có nhiều sự lựa chọn, quyền quyết định là do người dùng đưa ra, khi họ mất niềm tin dĩ nhiên họ tìm đến sản phẩm khác.

 

Đi tìm nguyên nhân.

Theo ý  kiến của các chuyên gia, chúng ta đang  thiếu đi một “tầm nhìn”, một tầm nhìn xa, một tầm nhìn rộng, một tầm nhìn đúng.

Tầm nhìn ngắn nên coi trọng thu được 100 triệu trong 1 năm mà không nhìn thấy có thể thu được 80 triệu mỗi năm trong 100 năm. Tầm nhìn hẹp nên tưởng “ta là một là riêng là duy nhất” không có ai cạnh tranh nổi với ta. Một tầm nhìn rộng cần biết rằng chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng, một thế giới mà ở đó người ta tìm được thông tin qua vài ba click chuột. Tầm nhìn sai không dự đúng đoán xu thế phát triển của thời đại, không nhìn thấy nhu cầu trong tương lai.

Và nhiều trường hợp là nhắm mắt không nhìn nữa cho đỡ nhức đầu, đến đâu thì đến.

Chúng tôi xin kết bài viết của mình bằng một câu nói của một CEO nổi tiếng Michael Dell – người sáng lập ra hãng Dell khi còn ngồi trên ghế nhà trường - “Vấn đề quan trọng nhất là tầm nhìn”. Thương hiệu Việt của chúng ta muốn không thua ngay trên sân nhà trong những năm tới thì việc đầu tiên phải làm “Thay đổi tầm nhìn”

 

Theo Tầm Nhìn

Pin It
Franklin D. Roosevelt

"Định nghĩa của sự điên rồ: Lập đi lập lại một việc nhưng lại mong muốn có một kết quả khác đi."

User Menu