thuong_hieu

Nói đến thời trang– người ta nghĩ ngay đến nước Ý, nhìn thấy nước hoa nghĩ ngay đến Pháp, chạm vào đồng hồ biết đây là thương hiệu của Thụy Sĩ… Còn ở nước ta, thử hỏi có dòng sản phẩm nào mà khi nhin thấy thì người ta lại đoán ngay xuất xứ "Made in Viet Nam?"

Thương hiệu Quốc gia đang bị “đánh cắp”?


Còn nhớ, năm 1998 thương hiệu nước mắm Phú Quốc bị Cty Kim Seng đăng ký tại Mỹ. Năm 2000, cà phê Trung Nguyên bị Cty Rice Field Corp đăng ký cũng tại Mỹ. Đến năm 2002, thuốc lá Vinataba bị chiếm dụng thương hiệu tại 12 thị trường, rồi thương hiệu Petro Việt Nam cũng bị "đánh cắp"...

Hiện nay có rất nhiều hàng hóa của Việt Nam được xuất khẩu nhưng tên tuổi lại không hề được gắn trên nhãn mác. Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, Giám đốc Trung tâm Thương hiệu (Đại học Thương mại) cho rằng: Không được tiếp cận trực tiếp với bạn hàng, không những chúng ta phải mất chi phí trung gian mà cũng không có cơ hội được thể hiện thương hiệu sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp trên thị trường. Chính nguyên nhân này đã làm mất đi cơ hội được giới thiệu về sản phẩm và đất nước Việt Nam với thế giới. Người tiêu dùng sử dụng sản phẩm của chúng ta nhưng lại không biết được những sản phẩm đó được sản xuất hoặc được cung ứng từ Việt Nam. 

Chị Thanh Nhung đi mua túi xách trên phố hàng da cho biết tới cửa hiệu nào cũng thấy nhan nhản các nhãn mác ngoại. Nào thì “made in Italy”, “made in USA” hay “made in China” chứ rất ít nhãn hàng “made in Việt Nam”. “Tôi muốn mua một chiếc cho vừa túi tiền nhưng mua túi ngoại thì giá cả và chất lượng chưa biết thế nào, vì vậy muốn mua một chiếc túi 'made in Việt Nam' mà khó kiếm quá”, chị Nhung cho biết thêm.

Từ thực tế trên cho thấy, sau hai năm thực hiện gắn thương hiệu quốc gia, đã có bao nhiêu người Việt có thể nhớ ngay ra các thương hiệu được gắn nhãn “Vietnam value”?  Và giá trị “thực” của Thương hiệu Quốc gia là gì?

Ông Trần Quý Thanh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tân Hiệp Phát cho biết: Dù đã được “trang bị vũ khí” là danh hiệu Thương hiệu Quốc gia đủ để khẳng định năng lực không phải “ai muốn là có”, cộng thêm chứng nhận ISO9001: 2000 và 3 bộ chứng nhận hợp chuẩn quốc gia, quốc tế nhưng vẫn không được nhìn nhận như một yếu tố “năng lực” trong quá trình họat động kinh doanh. 

Theo ông Đoàn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Eco Products cho rằng: Chương trình Thương hiệu Quốc gia thực chất có rất nhiều nội dung hoạt động hữu ích. Vấn đề chỉ là chúng ta thực hiện tốt tất cả những chương trình đã đề ra. Muốn làm được điều đó chúng ta nên đầu tư thêm về mặt nhân sự, kinh phí, tập trung quảng bá Thương hiệu Quốc gia. Có như vậy, doanh nghiệp mới thật sự mong mỏi phấn đấu, tự hào và được hưởng thành quả thực tế khi được gắn mác “Vietnam value”.

“Hiện nay, cái mác Thương hiệu Quốc gia đang bị “chìm nghỉm” giữa một “biển” giải thưởng về thương hiệu: Thương hiệu Việt, thương hiệu và chất lượng, thương hiệu xuất sắc, thương hiệu hội nhập… Thật sự, quá nhiều danh hiệu cũng làm cho doanh nghiệp uể oải thì làm sao người tiêu dùng tin tưởng, tín nhiệm sản phẩm và nhớ ra thương hiệu của công ty mỗi khi sử dụng” – Ông Tuấn cho biết thêm.

“Ta về ta tắm ao ta”

Với khẩu hiệu “Ta về ta tắm ao ta” được nhắc đến nhiều hơn trong thời gian gần đây khi thị trường gặp khó khăn trong cơn khủng hoảng tài chính. Việc phát triển, chiếm lĩnh thị phần tại thị trường nội địa là kế hoạch chiến lược trọng yếu đuợc các doanh nghiệp đặt lên bàn tính toán. Chương trình đưa hàng việt về nông thôn là điển hình cho việc khẳng định thương hiệu cũng như chiếm lĩnh thị trường nội địa.Và điều này càng trở nên cấp thiết hơn khi tại thị trường nội địa, dường như đuối sức trước sự lấn sân quá mạnh của hàng từ Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Lào, Malaixia…

Bà Nguyễn Thị Điền, Tổng giám đốc công ty An Phước cho biết: Để có được vị trí trong tâm trí người tiêu dùng Việt vốn “sính ngoại”, An Phước đã phải chọn lối đi “đường vòng”, mạnh dạn mua nhượng quyền của tập đoàn Pierre Cardin – một thương hiệu thời trang nổi tiếng của Pháp để mở đường vào thị trường Việt năm 1997. Từ dưới “cái bóng” Pierre Cardin, thương hiệu An Phước – với tiêu chí chất lượng kỹ đến từng đường kim mũi chỉ, phục vụ chuyên nghiệp, giá cả phù hợp với người Việt đã chinh phục được những lớp khách hàng chuộng ngoại. 
Đây là điều mà An Phước – một Thương hiệu Quốc gia 2008 thấm thía và chia sẻ. Từ một công ty chuyên gia công xuất khẩu, thị trường nội địa đã nâng “đôi cánh thương hiệu” của An Phước đã được nâng tầm lên sản phẩm quốc gia một cách rất tự nhiên. Hiện doanh nghiệp này có trên 60% doanh thu từ người tiêu dùng Việt. 

Ông Nguyễn Duy Thanh, Phó tổng giám đốc công ty sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti"s) khẳng định: “Chất lượng là vấn đề “cốt tử” để một Thương hiệu Quốc gia có sức sống mà “thị trường nội địa là trọng điểm, số 1, làm cơ sở, bàn đạp cho doanh nghiệp, để chứng minh với các đối tác bên ngoài khi họ đến với mình đó là cái có giá trị thực chất nhất”.

Ông Đỗ Thắng Hải - Cục trưởng Cục Xúc tiến, Bộ Công Thương cho rằng:  Chỉ khi chắc chân ở thị trường nội địa các doanh nghiệp Việt mới có thể “định vị” thương hiệu mình tại thị trường quốc tế. Và cũng chắc chắn khi đó, các chương trình Thương hiệu Quốc gia mới thực sự có tác động hiệu quả đến ngôi nhà chung của Thương hiệu Quốc gia.

(Theo Nguyễn Thắng // Tamnhin)

Pin It
Albert Einstein

"Khó khăn không thể được giải quyết bởi chính cái tư duy đã tạo ra nó."

User Menu