Không phải vô cớ mà nhiều thế hệ người tiêu dùng VN nhớ mãi những cái tên như xà bông Cô Ba, kem đánh răng Hynos, kem đánh răng Dạ Lan, dầu Nhị Thiên Đường, dầu cù là Con Cọp, nước ngọt Hòa Bình... dù trong số đó, có thương hiệu đến nay đã mất hẳn trên thị trường.


Có thể lý giải đơn giản rằng: chính chất lượng sản phẩm đã đưa những thương hiệu này đi vào lòng người tiêu dùng.

 

Thời hoàng kim


Có lẽ nhiều người thuộc thế hệ trước đến giờ vẫn chưa quên được mùi dầu khuynh diệp bác sĩ (BS) Tín trong những lúc trái gió trở trời. Thời ấy, viện bào chế của BS Tín đã phải đương đầu với các thương hiệu thuốc Tây, thuốc Tàu đủ loại, vậy mà với dân số chỉ hơn 17 triệu người ở miền Nam trước 1975, dầu khuynh diệp BS Tín tiêu thụ mỗi năm đến 25 triệu chai điều mà không có một nhãn hiệu thuốc Tây hay thuốc Tàu nào theo kịp.

 

Xà bông cục Cô Ba với mùi hương đặc trưng cùng bao bì có hình một phụ nữ đẹp đằm thắm, không những chiếm lĩnh thị trường VN, thị trường Đông Dương bằng chất lượng "không đổi", mà còn đánh bạt cả xà bông Marseille của Pháp, lại có mặt tại thị trường Hongkong, Singapore...

 

alt

Người tiêu dùng ở miền Nam trước 1975 cũng dành một tình cảm ưu ái cho thương hiệu kem đánh răng Hynos, gắn liền với hình ảnh "Anh Bảy Chà" da đen nhe hàm răng trắng bóc được quảng cáo từ thành thị đến nông thôn.

 

Thị trường VN lúc đó không có nhiều nhãn hàng như bây giờ, nhưng sự cạnh tranh cũng diễn ra khốc liệt. Khi ấy, ông chủ Vương Đạo Nghĩa, được xem là người nhạy bén trong kinh doanh khi tiên phong ở lĩnh vực tiếp thị sản phẩm theo kiểu Tây.

 

Một chiến dịch quảng cáo kem Hynos mang tầm cỡ quốc tế, không thua gì các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như Coca-cola, Adidas... Kết quả, kem đánh răng Hynos qua mặt cả các hãng của VN như Perlon và Leyna, thậm chí cả Colgate (Mỹ), C'est it (Pháp).

 

Thế nhưng, khi bước vào giai đoạn đất nước mở cửa, kéo theo cơn lốc đổ bộ của những tập đoàn sản xuất nước ngoài vào VN, nhiều thương hiệu nổi tiếng một thời đành ngậm ngùi lùi vào "hậu trường", nhường sân chơi cho các sản phẩm nước ngoài.

 

Rụt rè trở lại


Sau khi liên doanh với tập đoàn P&G, nhà máy xà bông VN bị buộc phải bỏ tất cả những sản phẩm cũ. Riêng xà bông Cô Ba vẫn được "ưu ái" duy trì sản xuất do sức mạnh của thương hiệu. Mặc dù vậy, người tiêu dùng phải khó khăn lắm mới có thể tìm thấy cục xà bông Cô Ba ở những kệ hàng nhỏ bé, khiêm tốn trong một góc các siêu thị.

 

Vẫn là cục xà bông nhỏ bé in hình một phụ nữ Việt Nam với cái vẻ đẹp cổ điển, đằm thắm của thời kỳ đầu thế kỷ trước, nhưng giờ đây đang chìm khuất trong hàng loạt những sản phẩm dầu gội, sữa tắm với những lời "quảng cáo có cánh". Lòng tin của người tiêu dùng vơi dần do sản phẩm không kịp đáp ứng xu thế tiêu dùng đang ngày càng đa dạng, đòi hỏi chất lượng phải nâng tầm, phong phú chủng loại.

 

Trường hợp trở lại của nhãn hàng kem đánh răng Hynos cũng được xem là không thành công vì đột ngột thay đổi hình ảnh khác mà quên rằng, để thay đổi thói quen của "người có tuổi" là rất khó; còn giới trẻ thì đang có quá nhiều sự lựa chọn.

 

Chưa thể đánh giá một cách chính xác sự trở lại của kem đánh răng Dạ Lan vào tháng 10 năm ngoái là thành công hay không, nhưng ít ra, công ty này đã thực hiện một cuộc điều tra nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng về nhãn hàng cũ. Trong ngày trở lại tại Phiên chợ vui công nhân lần 2 tại Khu công nghiệp Biên Hòa II (tỉnh Đồng Nai) ngày 17-18/10/2009, 200 thùng kem đánh răng (7.200 hộp) đã được tiêu thụ hết.

 

Ông Trịnh Thành Nhơn, Tổng GĐ ICC, nhãn hiệu kem đánh răng Dạ Lan cho biết, hiện doanh thu của nhãn hiệu này từ 2-3 tỷ đồng/tháng, là một con số khả quan khi mới trở lại. Tuy nhiên, để giữ vững lòng tin của người tiêu dùng, công ty đã thay đổi quan điểm kinh doanh.

 

Ngoài việc nâng cao chất lượng, còn phải tạo ra nhiều chủng loại: sản phẩm theo gu truyền thống, sản phẩm trắng răng, sản phẩm thơm và cay. Mặt khác, với sự hỗ trợ tích cực của các siêu thị và nhà phân phối trên cả nước, hy vọng một thương hiệu tưởng chừng đã mất sẽ hồi sinh.

 

Bà Vũ Kim Hạnh, GĐ Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp BSA cho rằng, Trung tâm đang thực hiện một điều tra về các doanh nghiệp vang bóng một thời, nay trở lại thị trường. Mỗi công ty có một cách làm khác nhau, nhưng phải có quy trình mới về kế hoạch triển khai mạng lưới bán hàng, cách tiếp cận thị trường cũ và mới... Từ đó mới có kết luận và truyền đạt kinh nghiệm lại cho những doanh nghiệp có ý định tìm lại thị trường.

 

Theo Phunuonline

Pin It
Robert Heller (chủ bút Mỹ)

"Quản lý hiệu quả luôn luôn hàm nghĩa hỏi đúng câu cần hỏi".

User Menu