"Trong những năm tới, hoạt động M&A tại Việt Nam không còn mang tính chất sự vụ, mà sẽ trở thành chiến lược đầu tư của doanh nghiệp".

 

ma

"Trong những năm tới, hoạt động M&A tại Việt Nam không còn mang tính chất sự vụ, mà sẽ trở thành chiến lược đầu tư của doanh nghiệp".

Đó là nhận định của không ít chuyên gia kinh tế khi nhìn nhận về cơ hội làn sóng M&A thứ hai sẽ đổ vào Việt Nam trong 5 năm tiếp theo.

Báo cáo của Ban tổ chức Diễn đàn M&A cho thấy, trong giai đoạn 2008 - 2013, các nhà đầu tư đã chứng kiến một làn sóng M&A tại Việt Nam, được ghi nhận là làn sóng thứ nhất.

Làn sóng đó diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng thấp, kinh tế vĩ mô mất ổn định, thị trường chứng khoán suy giảm, bất động sản trầm lắng, đặc biệt nhiều doanh nghiệp tiến hành tái cấu trúc để tồn tại và vượt qua khủng hoảng.

Mặc dù vậy, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam trong giai đoạn này đã tăng trưởng 5 lần, từ 1 tỷ USD năm 2008 lên 5 tỷ USD năm 2013.

Nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội, với chiến lược M&A phù hợp, trở thành những tập đoàn mạnh.

Ban tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam cho biết, trong giai đoạn 5 năm tiếp theo, nhiều khả năng Việt Nam sẽ chứng kiến làn sóng mua bán sáp nhập thứ 2 với quy mô lớn.

Báo cáo của nhóm nghiên cứu Diễn đàn M&A cho thấy, trên toàn cầu, cơn sốt M&A đã trở lại và tại Việt Nam, giới đầu tư sắp được chứng kiến làn sóng của những cuộc IPO doanh nghiệp nhà nước lớn, những thương vụ sáp nhập đúng nghĩa.

Theo nhìn nhận của các chuyên gia về M&A, có nhiều tín hiệu cho thấy làn sóng M&A quy mô lớn sẽ đổ vào Việt Nam.

Sự phục hồi của nền kinh tế, quá trình cải cách thể chế, chương trình cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, sự trỗi dậy của các công ty tư nhân, sự quan tâm của dòng vốn ngoại đối với các cơ hội đầu tư và M&A tại Việt Nam đang hình thành nên một làn sóng M&A thứ hai.

Cũng theo nhìn nhận của ban tổ chức, các lĩnh vực như ngân hàng - tài chính, bất động sản, thực phẩm và hàng tiêu dùng nhanh, công nghệ và thương mại điện tử được dự báo sẽ tiếp tục tạo nên cơn sốt về M&A tại Việt Nam.

Đặc biệt, theo nhìn nhận của ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc AVM Việt Nam, giai đoạn cuối 2013 và đầu năm 2014, giao dịch M&A có phần chững lại. Tuy nhiên, làn sóng thứ hai được kỳ vọng sẽ có sự tham gia của nhiều thương vụ lớn cả về tính chất lẫn quy mô.

"Chỉ tính riêng 7 thương vụ IPO của các doanh nghiệp nhà nước như: PVGas, Mobifone, Vietnam Airlines... nếu thành công sẽ mang lại cho nhà nước khoảng 4,79 tỷ USD", ông Minh tiết lộ.

Một điểm đáng chú ý nữa liên quan đến làn sóng M&A thứ hai tại Việt Nam, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban tổ chức Diễn đàn chia sẻ, làn sóng M&A thứ hai trên thị trường Việt Nam được dự báo trong giai đoạn 5 năm tới có nhiều đặc trưng khác biệt so với làn sóng thứ nhất.

Theo đó, hoạt động M&A giai đoạn 5 năm tới sẽ diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi, đẩy mạnh cải cách thể chế, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động M&A sẽ hoàn chỉnh hơn khi hàng loạt luật quan trọng liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh sẽ được sửa đổi, bổ sung như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Chứng khoán...

Đặc biệt, đây là giai đoạn chương trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước sẽ diễn ra mạnh mẽ chưa từng có. Theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua, chỉ trong 2 năm tới, có đến 432 tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn sẽ được cổ phần hóa.

Đồng thời, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung thêm các doanh nghiệp cổ phần hóa theo hướng giảm mạnh hơn doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp mà nhà nước giữ cổ phần chi phối.

Hiện tại, các nhà đầu tư đang chứng kiến các cuộc IPO của nhiều doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn như Vietnam Airlines, Mobifone, các tập đoàn lớn như dệt may, xi măng, thép, các doanh nghiệp ngành giao thông - vận tải.

"Đây sẽ là nguồn hàng quan trọng cho các thương vụ M&A và lựa chọn đối tác chiến lược lớn", ông Tuấn khẳng định.

Tiếp nữa, cùng với chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và thoái vốn ngoài ngành theo chủ trương của Chính phủ cũng sẽ thúc đẩy hoạt động M&A trong làn sóng thứ hai này.

Các chuyên gia M&A quốc tế nhận định, trong những năm tới, hoạt động M&A tại Việt Nam không còn mang tính chất sự vụ, mà sẽ trở thành chiến lược đầu tư của doanh nghiệp.

"Nhiều doanh nghiệp cả khối nhà nước và tư nhân sẽ lựa chọn M&A là chiến lược tăng trưởng đột phá và bền vững", một chuyên gia kinh tế nhìn nhận.

Ngoài ra, không thể không nói đến sự trỗi dật của các công ty tư nhân cùng với sự quan tâm của dòng vốn ngoại đối với các cơ hội đầu tư và M&A tại Việt Nam sẽ góp phần tạo nên một làn sóng M&A mới quy mô lớn trong tương lai gần.

Theo Bizlive

Pin It
Franklin D. Roosevelt

"Định nghĩa của sự điên rồ: Lập đi lập lại một việc nhưng lại mong muốn có một kết quả khác đi."

User Menu