Đỗ Hòa - 10/02/2009. Tháng 2 năm 2007, theo đề nghị của một người bạn làm công tác tư vấn trong ngành tiếp thị và thương hiệu tôi viết bài Marketing Việt Nam – Tầm nhìn 2007 với nội dung phân tích các yếu tố thị trường vĩ mô, dự báo thị trường trong nước và đưa ra một số đề xuất cho các doanh nghiệp Việt Nam. 

Đến nay, sau hai năm, tự đánh giá lại những dự báo của tôi lúc ấy so với những gì đã xãy ra thì có thể nói là khá sát. Và sau khi bài viết ấy được phổ biến trên blog của tôi, được các trang web chuyên ngành trích đăng lại thì tôi đã nhận được khá nhiều phản hồi bằng email của những người quan tâm. Và cho đến cách đây vài ngày tôi vẫn còn nhận được email đánh giá cao nội dung bài viết và đề nghị tôi cho biết quan điểm của mình về năm 2009.

Sự quan tâm và những phản hồi tích cực từ đồng nghiệp, cộng đồng doanh nhân, từ những người làm công tác chuyên môn, những người có quan tâm về kinh doanh và tiếp thị… chính là nguồn cảm hứng để tôi viết bài nầy. Cái khác là nội dung kỳ nầy tôi nói về marketing chiến lược nhiều hơn là quản trị hoạt động marketing.

1. Phân tích môi trường kinh doanh 2009.

Có thể thấy, một trong những sự khác biệt giữa năm 2007 và 2009 là nền kinh tế Việt Nam bây giờ đã hội nhập sâu rộng hơn với kinh tế thế giới so với năm 2007. Cam kết WTO qua từng giai đoạn đã đưa nền kinh tế VN tiến đến trở thành một phần liên thông không thể tách rời của thị trường thế giới. Điều nầy có nghĩa là những gì xãy ra trên thế giới bây giờ sẽ có tác động đối với Việt Nam lớn hơn so với năm 2007.
Những điều tôi nói như trên cũng để dẫn đến một quan điểm xuyên suốt mà tôi đã từng và sẽ tiếp tục sử dụng để đưa ra những luận điểm của mình: hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nói chung, hoạt động marketing nói riêng, chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố môi trường nơi doanh nghiệp hoạt động. Và điều nầy không mới, Michael Porter, Philip Kotler và các nhà nghiên cứu tiếp thị, kinh tế, chiến lược khác trên thế giới đã đề cập trong các công trình nghiên cứu, trong lý luận của mình.

Môi trường kinh tế vĩ mô năm 2009 so với 2007 có một số điểm nổi bật sau đây:

Tình hình thế giới:

-    Kinh tế thế giới suy thoái. Năm 1997, Việt Nam cũng đã trải qua cuộc khủng hoảng tài chính Đông Nam Á. Trong khi các nước trong khu vực chịu tác động nặng nề thì Việt Nam chịu tác động ít nhất. Lí do là vì vào thời điểm ấy, mức độ hội nhập của kinh tế Việt Nam với kinh tế thế giới còn khá thấp. Suy thoái tài chính - kinh tế thế giới năm 2008 mà trọng tâm là Mỹ, cho đến nay đã có tác động rất lớn với kinh tế thế giới. Những nền kinh tế hàng đầu của thế giới như Mỹ, Anh, Đức, Nhật, Úc, Pháp… đều đã tuyên bố rơi vào tình trạnh suy thoái. Hàng ngày, bản tin của các cơ quan truyền thông trên thế giới đều đưa tin về con số công ty, nhà máy đóng cửa, cắt giảm lao động, tỉ lệ thất nghiệp không ngừng tăng cao. Và cho đến thời điểm tôi viết bài nầy, tác động của suy thoái kinh tế vẫn còn đang tiếp tục xãy ra.

-    Đoàn tầu tốc hành “made in China” lần đầu tiên bị khựng lại. Trung Quốc với chiến lược “công xưởng của thế giới” trong những năm qua đã phát huy và đã liên tục trong nhiều năm đạt tốc độ tăng trưởng GDP khá cao (9-11 phần trăm). Trung Quốc đã thành công trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút những thương hiệu lớn đến đầu tư sản xuất tại Trung Quốc, sản phẩm “made in China” đã chiếm lĩnh thị trường thế giới. Tuy nhiên, điều mà tôi và nhiều người khác đã dự báo đã xãy ra. Tốc độ tăng trưởng quá nóng của kinh tế TQ đã bộc lộ vấn đề: quản lý chất lượng, một vấn đề khó tránh khỏi.
Hàng loạt xì căng đan về chất lượng của một số sản phẩm TQ đã làm thay đổi cục diện thị trường. Người tiêu dùng thế giới giờ đây đã trở nên dè dặt hơn với sản phẩm “made in China”. Nhiều cửa hàng bán đồ chơi ở Mỹ, trước đây vốn là ngành nghề ưu thế tuyệt đối của Trung Quốc, nay hầu như khó mà có thể tìm ra được sản phẩm “made in China”, thay vào đó là xuất xứ từ các nước khác.

Tình hình Việt Nam năm 2008:

-    Sự hình thành các phân khúc trên thị trường càng ngày càng hiện rõ khi thị trường các ngành nghề tiến sâu vào giai đoạn phát triển, một trong 4 giai đoạn trong chu kỳ thị trường (hình thành, phát triển, bảo hòa, suy thoái), khi mà cung vẫn còn đang cố đuổi theo cầu. Tình hình nầy đã tạo ra hiện tượng “ra bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu” ở một số ngành nghề như thị trường nhà ở căn hộ, thị trường văn phòng cho thuê, thị trường khách sạn cao cấp, thị trường dịch vụ ăn uống cao cấp, thị trường giáo dục, thị trường y tế, thị trường vật liệu xây dựng, thị trường chăm sóc cá nhân….

-    Sự tham gia của các thương hiệu lớn đã giúp cải tiến mặt bằng chất lượng sản phẩm, dịch vụ và tính chuyên nghiệp của hoạt động marketing một cách đáng kể. Chẳng hạn Phở 24 đã tạo ra áp lực buộc các hiệu phở khác nâng cấp chất lượng sản phẩm và dịch vụ nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi. Sự hiện diện của các thương hiệu thời trang nước ngoài (Pierre Cardin, Bonia, Guess, Arrow, Alain Delon, Valentino Rudi, Valentino Creative …) đã kéo các thương hiệu thời trang trong nước vào cuộc đua xây dựng thương hiệu, hệ thống phân phối và dịch vụ chuyên nghiệp (NinoMaxx, Foci, Thái Tuấn, An Phước, Viet Thy…).

-    Sự thành công của Number 1, X-Men, Phở 24, Kinh Đô, Đồng Tâm, HAGL, Vinamilk, Trung Nguyên, Kềm Nghĩa… đã khẳng định giá trị và hiệu quả của việc đầu tư vào marketing của các doanh nghiệp Việt Nam. Có một điểm chung rút ra từ những doanh nghiệp thành công nầy là những nhà lãnh đạo các doanh nghiệp nầy đã có nhận thức rất cao về vai trò của marketing và xây dựng thương hiệu và đã sớm quan tâm đầu tư vào marketing và xây dựng thương hiệu, và bản thân họ cũng đã trực tiếp tham gia một cách tích cực vào các hoạt động nầy.

-    Những sự cố liên quan đến yếu tố vệ sinh an toàn của sản phẩm xãy ra trong hai năm qua (H5N1, dịch móng và chân, 3-MCPD, Melamin…), hàng loạt sự cố ngộ độc thực phẩm tại các khu công nghiệp đã một yếu tố thúc đẩy sư phát triển của kênh phân phối hiện đại: ngày càng có nhiều khách hàng chuyển địa chỉ mua sắm thực phẩm từ chợ truyền thống sang siêu thị, chuổi bán lẻ (Vissan, Coopmart, Metro, Lotter Mart…), và ngày càng có nhiều người tiêu dùng chấp nhận giá cao để được phục vụ tốt hơn tại các cửa hàng ăn uống hiện đại (hệ thống Phở 24, Food Court, các nhà hàng trong khách sạn và khu mua sắm cao cấp).
-    Sự kiện giá nhiên liệu, chất đốt tăng gấp 3 lần chỉ trong vài tháng.

2. Nhận định xu hướng và tác động từ môi trường kinh doanh.

- Ngành tài chính – ngân hàng chịu tác động mạnh. Các doanh nghiệp ngành tài chính - ngân hàng sẽ là đối tượng đầu tiên chịu tác động nặng nề do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế hiện nay. Một lí do dễ hiểu là ngành tài chính ngân hàng thế giới lâu nay do các tổ chức tài chính của Mỹ và Anh thống trị, nay chính hệ thống nầy bị sụp đổ thì hậu quả domino sẽ lan dần ra. Các tổ chức tín dụng trong nước có mức độ hội nhập sâu hơn với hệ thống tài chính của thể giới sẽ chịu tác động nhanh hơn, lớn hơn, trong khi các tổ chức có mức độ hội nhập thấp sẽ có thể chịu tác động chậm hơn hoặc ít hơn.
Hậu quả dây chuyền từ các doanh nghiệp ngành tài chính - ngân hàng sẽ lây lan sang các doanh nghiệp có nguồn vốn phụ thuộc vào các tổ chức tài chính - ngân hàng (đại đa số các doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp nước ngoài đều sử dụng vốn vay của ngân hàng). Cụ thể như: mất, gián đoạn nguồn cung cấp vốn, khó vay vốn mới, hoặc phải vay với lãi suất và điều kiện không thuận lợi.

- Ngành xây dựng. Các doanh nghiệp ngành xây dựng, đặc biệt là các doanh nghiệp đặt trọng tâm vào thị trường doanh nghiệp (B2B) sẽ gặp những thách thức to lớn trong ít nhất 2-3 năm đến. Cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra đã và đang tác động rất mạnh vào hệ thống tài chính, ngân hàng vốn là nguồn chủ yếu cung cấp vốn cho các nhà đầu tư bất động sản. Hệ thống ngân hàng cần có thời gian để chấn chỉnh và gượng dậy, cần thời gian để củng cố niềm tin để có thể mạnh tay cho vay đầu tư bất động sản sau những gì đã xãy ra đối với ngành bất động sản trên thị trường Mỹ. Các công ty phát triển bất động sản, các nhà đầu tư qui mô lớn có gượng dậy được sau cú knock-out nầy thì cũng cần thời gian để đánh giá lại danh mục đầu tư của mình, họ cần có thời gian để tìm lại những đối tác mới để thay thế những đối tác đã bị cuộc khủng hoảng làm kiệt quê. Và thị trường, khách hàng của thị trường bất động sản nói chung cũng cần có thời gian để hồi phục. Và cả quá trình nầy khó có thể hoàn thành sớm hơn 2-3 năm.
Thị trường công trình công cũng chịu tác động nặng vì các chính phủ sẽ phải cắt giảm đầu tư vào cơ sở hạ tầng do khó khăn về ngân sách.
Riêng các doanh nghiệp đặt trọng tâm vào thị trường dân dụng cũng sẽ bị giảm sút nhưng thị trường nầy sẽ bị tác động tương đối ít hơn so với thị trường doanh nghiệp và cũng có khả năng hồi phục nhanh hơn.

- Ngành ô tô. Tương tự như ngành bất động sản, các doanh nghiệp kinh doanh trong thị trường phương tiện vận chuyển (ô tô) cũng sẽ chịu tác động nặng nề bởi nguồn vốn mà khách hàng sử dụng để mua phương tiện vận chuyển thường ít nhiều đều có vay từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Thêm vào đó khủng hoảng cũng đã làm giảm sút nhu cầu vận chuyển.

- Vận tải biển. Các doanh nghiệp hoạt động vận tải biển sẽ phải chứng kiến một thời kỳ đầy khó khăn do hoạt động xuất khẩu giảm, nhu cầu vận chuyển đường biển giảm, đội tàu thừa công suất dẫn đến cạnh tranh khốc liệt và giá cước vận tải biển giảm mạnh.

- Ngành gia công, sản xuất công đoạn xuất khẩu. Các doanh nghiệp hoạt động trong thị trường gia công, lắp ráp công nghiệp cho các thương hiệu quốc tế phục vụ thị trường tiêu dùng Âu Mỹ cũng là những đối tượng chịu tác động nặng nề do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính hiện nay. Do nhu cầu của thị trường bị giảm mạnh, các hãng lớn, khách hàng của các doanh nghiệp gia công, lắp ráp trong nước, sẽ buộc phải đánh giá lại danh mục hàng hóa, cắt giảm những mặt hàng bán chậm, cắt giảm qui mô đơn hàng, đóng cửa bớt nhà máy để giảm thiểu mức thua lỗ. Tình hình nầy có thể sẽ dẫn đến một làn sóng di dời nhà máy, tìm nguồn gia công, sản xuất mới từ những vùng, quốc gia đắt đỏ, kém hiệu quả, xa thị trường... đến những nơi hiệu quả hơn.
Hậu quả dây chuyền sẽ tác động lên các doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu, vật tư thiết bị và dịch vụ cho các khu công nghiệp, khu chế xuất.

- Ngành thực phẩm, nhu yếu phẩm. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, nhu yếu phẩm có thương hiệu và thị trường của riêng mình, có thể sẽ chứng kiến một đợt suy giảm nhu cầu, nhưng từng chủng loại có thể có những mức độ suy giảm từ không đáng kể cho đến suy giảm tương đối thấp so với những ngành khác.

- Ngành truyền thông. Năm 2008, các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành truyền thông Việt Nam đang chịu áp lực to lớn trong một cuộc chiến không cân sức với các đối thủ nước ngoài. Từ những ngành truyền thông truyền thống như TV, báo viết, đài cho đến những ngành hiện đại như cable TV, parabol TV, internet, mobile… các thương hiệu nước ngoài dường như đang từng bước khẳng định ưu thế vượt trội của mình.
Về truyền hình, mặc dù hoạt động trong ngành nầy thời gian gần đây có nhiều khởi sắc với nhiều nhân tố mới, nhưng nhìn chung người tiêu dùng vẫn chưa nhìn thấy một kênh TV nào của Việt Nam có thể cạnh tranh ngang ngửa được những kênh quốc tế như CNN, BBC, CNBC, Gloomberg, ESPN, Star Sport, Star Movie, S, Discovery, Geographical, Animal, CN, Disney Channel, Playhouse Disney, AXN… đó là chưa muốn nói nhiều nội dung truyền hình trong nước được đánh giá cao có dấu ấn của các tổ chức nước ngoài. Cuộc chiến truyền thông tuy chỉ mới bắt đầu nhưng xem ra kết quả đã có thể dễ dàng dự báo trước.
Về báo viết thì trình độ chuyên nghiệp và đẳng cấp giữa các báo Tiếng Anh Việt Nam và các báo Tiếng Anh của các nước trong khu vực như The Straight Time, The New Straight Time, The Nation, The Bangkok Post, Philippine Daily Enquirer, Jakarta Post, The South China Morning Post … thì vẫn còn một khoảng cách khá xa. Thị trường tạp chí đang ở giai đoạn trăm hoa đua nở, và thị trường cần thêm thời gian để sàng lọc.
Về báo mạng điện tử thì một trong những đặc trưng của báo mạng là cơ sở dữ liệu thì các trang báo điện tử VN vẫn còn đang cần thêm thời gian để xây dựng một cơ sở dữ liệu lớn, có chất lượng và có giá trị tham khảo cao.
Trong ngành truyền thông quảng cáo, các công ty nước ngoài có lợi thế hầu như tuyệt đối, trong năm 2008 hầu hết các giải thưởng trong nước có thành phần nước ngoài tham gia thì các giải hầu hết vào tay công ty nước ngoài.
Năm 2009 dự báo sẽ là một năm đầy khó khăn cho các doanh nghiệp ngành truyền thông Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp định hướng nguồn thu dựa vào doanh thu quảng cáo mà vẫn còn đang loay hoay tìm một chỗ đứng trên thị trường, thì cuộc khủng hoảng kinh tế năm nay sẽ là một cú đấm bồi hạ gục họ.

- Bảo hộ mậu dịch và tư duy cục bộ địa phương. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, do nền kinh tế gặp khó khăn, các chính phủ sẽ có xu hướng bảo hộ mậu dịch, khuyến khích sử dụng sản phẩm sản xuất trong nước nhằm tạo ra công ăn việc làm, cải thiện tình hình kinh tế. Các tổ chức tín dụng, ngân hàng hoạt động trên thị trường quốc tế có thể sẽ rút bớt nguồn tiền lưu thông trên thị trường quốc tế để ưu tiên hỗ trợ phục hồi kinh tế của quốc gia sở hữu tổ chức ấy. Điều nầy có thể tạo ra làn sóng rút vốn trên thị trường chứng khoán, ngân hàng của các tổ chức nước ngoài.

- Hiện tượng dump hàng. Do nhu cầu thị trường giảm sút, các doanh nghiệp sản xuất sẻ “trút” hàng vào những thị trường chung quanh với giá rẻ mạt để giải quyết phần công suất dư thừa. Chẳng hạn, mỗi khi nhu cầu xăng dầu khu vực Đông Nam Á giảm sút, các nhà máy hóa dầu ở Singapore trút lượng sản phẩm dư thừa vào thị trường Malaysia gây ra sự rối loạn thị trường. Tương tự như vậy, mỗi khi gặp vấn đề về đầu ra, lượng hàng dư thừa của các nhà máy tại TQ thường được bán tống bán tháo vào các thị trường chung quanh. Các doanh nghiệp VN sản xuất cùng ngành nghề với những doanh nghiệp lớn của TQ cần đặc biệt lưu ý vấn đề nầy.

3. Đề xuất:

A. Về định hướng chiến lược doanh nghiệp:

Những biến động lớn xãy ra trong môi trường kinh doanh bao giờ cũng tạo ra những sự  biến động lớn trên thị trường. Một biến động trong môi trường kinh doanh có thể dẫn đến sự chấm dứt của một doanh nghiệp, một ngành nghề và tạo ra cơ hội phát triển cho một doanh nghiệp, ngành nghề khác. Doanh nghiệp cần tỉnh táo để đánh giá xem doanh nghiệp mình đang ở bên nào để có sách lược đối phó thích hợp.

-    Các doanh nghiệp thuộc các ngành chịu tác động mạnh như tài chính, xây dựng, công nghiệp ô tô, vận tải biển, truyền thông thì chiến lược thường được người ta áp dụng là “back to the basic”. Nên co cụm lại, tập trung vào những sản phẩm chính, thị trường chính, sang nhượng, loại bỏ các ngành kinh doanh không mang lại lợi nhuận, tạm ngưng những dự đầu tư lâu dài, thanh lý những tài sản, cơ sở hạ tầng phát sinh chi phí tài chính cao... để chờ thị trường khôi phục.

-    Các doanh nghiêp ngành gia công, lắp ráp cần mạnh dạn tối ưu hóa qui trình sản xuất, cải tiến công nghệ, điều chỉnh công suất để giảm giá thành. Bởi trong tình hình nhu cầu giảm sút như hiện nay lợi thế giá thành thấp nhất có lẽ là tiêu chí ưu tiên hàng đầu để khách hàng chọn nơi đặt hàng. Ưu tiên lúc nầy của các doanh nghiệp nầy không phải là lợi nhuận mà là tồn tại.

-    Đối với những doanh nghiệp không bị sức ép lớn nhờ nguồn lực nội tại dồi dào, vị trí thị trường vững chắc, thì đây là cơ hội lý tưởng để mở rộng qui mô kinh doanh thông qua hoạt động M&A, hoặc lấy thị phần từ những đối thủ yếu hơn.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp không nên vì thị trường ảm đạm mà chỉ ngủ đông. Ngược lại, nên xem đây là một cơ hội tốt để dọn dẹp nhà cửa, giải quyết những vấn đề nội bộ. Chẳng hạn như:
-    Tái cơ cấu công ty,
-    Tái thiết kế bộ máy và qui trình làm việc,
-    Xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản trị,
-    Đánh giá lại chiến lược trung, dài hạn,
-    Nghiên cứu tìm mô hình phân phối mới
-    Đánh giá lại nguồn nhân lực và có chương trình đào tạo, nâng cao tay nghề.
-    Đánh giá rủi ro và đề ra biện pháp quản lý rủi ro.
-    Qui hoạch lại sản xuất,
-    Nâng cấp thiết bị, cải tiến công nghệ
-    Bảo dưởng, bảo trì nhà xưởng, thiết bị
-    ...
Nói chung, những việc trên cũng có thể thực hiện trong điều kiện thị trường phát triển bình thường, nhưng thường các công việc liên quan đến tái cơ cấu thường khó có thể tránh khỏi bị tác dụng phụ, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh. Có thể nói nôm na là khi mọi người đang chạy hết tốc độ thì ta không nên dừng lại để siết lại dây giày hay thay đôi vớ mới, tốt hơn hãy dành việc đó khi mọi người dừng lại nghỉ ngơi hoặc khi họ giảm tốc độ vì đường nhỏ.

B. Về chiến lược tầm vĩ mô.

Những biến động lớn xãy ra trong môi trường kinh doanh quốc tế cũng tạo ra những sự biến động lớn đối với khả năng cạnh tranh giữa các quốc gia. Nó có thể làm mất lợi thế cạnh tranh của quốc gia nầy và mang lại lợi thế cạnh tranh cùng cơ hội phát triển cho một quốc gia khác. Các quốc gia cũng cần tỉnh táo để đánh giá xem xem mình đang ở bên phía nào để có sách lược đối phó thích hợp.

1. Biến động gây ra tác động bất lợi.

-    Cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế thế giới đã tác động lên hầu hết các nền kinh tế và thị trường chứng khoán làm giảm sút giá trị cổ phiếu, giảm giá trị tài sản các công ty. Điều nầy đã làm cho thị trường đầu tư Việt Nam trước đây vốn được đánh giá một trong những thị trường đầu tư hấp dẫn đã trở nên kém hấp dẫn. Điều nầy đã được phản ánh qua hiện tượng rút vốn “tái cơ cấu danh mục” của một số tổ chức tài chính và sự sút giảm đáng kể của đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong Tháng Giêng 2009 so với cùng kỳ.

2. Biến động tạo ra cơ hội.

-    Những sự cố về chất lượng xãy ra đối với một số sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc trong năm 2008 đã làm thay đổi đáng kể cảm nhận của khách hàng Âu-Mỹ về những sản phẩm xuất xứ “made in China”. Sự thay đổi về thái độ nầy của người tiêu dùng Âu-Mỹ đã buộc các nhà công ty tìm kiếm những nguồn cung cấp thay thế khác. Và xu hướng nầy đã tạo ra một khái niệm nhu cầu mới: “không cần phải rẻ như TQ nhưng chất lượng phải đáng tin cậy hơn”. Và đây chính là một cơ hội ngàn vàng cho các công ty khác trong vùng nói chung và Việt Nam nói riêng. Liệu các doanh nghiệp Việt Nam có đủ lực để thế chân các doanh nghiệp TQ vừa bị loại khỏi cuộc chơi?
Tuy nhiên, để xây dựng một thương hiệu quốc gia, nổ lực của các doanh nghiệp không thôi là chưa đủ, cần phải có sự định hướng, hỗ trợ và kiểm soát từ các cơ quan chức năng của chinh phủ.

Trong quá khứ, đã có ít nhất hai cơ hội nhưng các doanh nghiệp Việt Nam đã không đón được:

1.    Sự kiện 9/11 đã tạo ra biến động lớn về tôn giáo, chủng tộc dẫn đến một sự xoay chiều của luồng vốn đầu tư từ khu vực Trung-Đông từ Âu-Mỹ sang các thị trường khác. Đây là một nguồn vốn khá lớn. Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan là những nước đã “hứng” được một phần quan trọng của luồng vốn đầu tư nầy. Nhiều dự án dầu khí, bất động sản … có nguồn vốn đầu tư từ Trung Đông đã được triển khai ở những quốc gia nầy.

2.    Sự ra đời của hàng không giá rẻ tạo ra nhu cầu nhà ga giá rẻ, sân bay giá rẻ và đây là một cơ hội để lật đổ, hoán đổi vị trí của các sân bay trong khu vực nếu biết tranh thủ tận dụng tốt. Mặt dù là lãnh thổ đất chật người đông, nhưng chính phủ Singapore đã ý thức được mối hiểm nguy nầy nên đã nhanh chóng xây dựng một terminal dành riêng cho hàng không giá rẻ, phòng khi vị trí của Changi bị đe dọa. Rất tiếc TSN của Việt Nam đã không có động thái gì để nắm bắt cơ hội nầy.

C.    Hiến kế đối với chính sách kinh tế vĩ mô.

Gần đây nhà nước đã có một số chính sách hỗ trợ nền kinh tế như hỗ trợ lãi suất 4% đối với một số doanh nghiệp, hỗ trợ tín dụng xuất khẩu. Tuy nhiên, nhiều người đã đặt câu hỏi: Vậy cứ cho là doanh nghiệp có vốn để đầu tư sản xuất và hạ được một phần giá thành, nhưng làm thế nào giải quyết đầu ra khi nhu cầu thị trường thế giới đang giảm mạnh? Đây là một vấn đề quan tâm chính đáng mà với chính sách hỗ trợ hiện nay không thôi khó mà có thể giải quyết được.

Theo tôi, đặc điểm nền kinh tế Việt Nam có một sự khác biệt rất cơ bản so với Phương Tây và nhiều nước trong khu vực. Quan điểm kinh tế Phương Tây khuyến khích tiêu dùng, tiêu trước trả sau. Lấy nhu cầu làm động cơ kích thích phát triển sản xuất, phát triển kinh tế. Người dân Mỹ bình thường không có nhiều tiền trong tài khoản ngân hàng, họ cũng không mua vàng để chôn. Ngược lại, họ được khuyến khích tiêu tiền trước khi làm ra, khuyến khích thiếu nợ, họ đi vay tiền khi có nhu cầu. Quan điểm nầy đã góp phần xây dựng thị trường Mỹ thành một thị trường tiêu thụ khổng lồ, mà theo lý thuyết kinh tế Phương Tây là một môi trường lý tưởng cho sản xuất, kinh doanh phát triển.

Theo văn hóa truyền thống của dân tộc, chúng ta cho rằng thiếu nợ là một trong những cái khổ. Người Việt chúng ta thường kiếm ra tiền trước rồi mới tính chuyện tiêu vào cái gì sau. Mức độ chi tiêu thường phụ thuộc vào số tiền đã kiếm được. Dân ta rất dè xẻn trong chi tiêu, thích để dành, tích lũy, có thói quen mua vàng cất dấu làm tài sản. Xét về mặt kinh tế, thói quen nầy làm cho đồng vốn trên thị trường của chúng ta không phát huy tối đa hiệu quả và thời gian xoay vòng đồng vốn của nền kinh tế cũng rất chậm so với các nền kinh tế khác.

Các nhà nghiên cứu kinh tế đã nói khá nhiều về một thị trường nội địa đây tiềm năng của Việt Nam một nước có gần 80 triệu dân với tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao. Cho đến nay, thị trường nầy hầu như chưa được phát triển và khai thác đúng mức. Kinh nghiệm thế giới cho thấy một thị trường nội địa lớn là một yếu tố lợi thế cần thiết để các doanh nghiệp của một quốc gia có thể phát triển ra nước ngoài. Philip Kotler cũng đã khuyên các doanh nghiệp Việt Nam tập trung xây dựng một vị trí vững vàng trên thị trường nội đia trước khi phát triển ra khu vực và thế giới.

Tôi cho rằng chúng ta cần có những chương trình hành động quốc gia để giáo dục thay đổi thói quen tiêu dùng, tạo ra hành lang pháp lý để khuyến khích tiêu dùng theo kiểu tiêu dùng trước, trả sau. Đầu tư cơ sở hạ tầng, luật pháp, tạo điều kiện khuyến khích chi tiêu tín dụng. Sinh viên có thể vay tiền đi học, mua sắm phương tiện, đồ dùng và sẽ trả lại khi ra trường đi làm. Những người có công việc và thu nhập ổn định có thể chi tiêu, mua sắm bằng thẻ tín dụng, hoặc vay tiền mua sắm trước và thanh toán dần sau, thay vì phải tích cóp, mua vàng cất dấu để vài năm sau mới đủ tiền mua. Nếu những điều nầy xãy ra thì thị trường trong nước sẽ được nhân lên gấp nhiều lần, sẽ nhanh chóng sôi động trở lại, nhà máy sẽ lại có đơn hàng để hoạt động, công nhân có việc làm, kinh tế sẽ phát triển nhanh, thị trường trong nước sẽ càng trở nên hấp dẫn hơn, thu hút nhiều đầu tư nước ngoài hơn.

Trong tình hình hiện nay khi chúng ta khó mà trông cậy được vào nguồn vốn từ bên ngoài, chúng ta cần khai thác tốt hơn nguồn vốn trong nước. Thị trường nội địa cần được phát triển để làm đòn bẩy phát triển kinh tế.

Nhưng liệu nguyên lý kinh tế nầy có ổn khi hệ thống tài chính Phương Tây đang bị sụp đổ? Tôi cho rằng nguyên lý kinh tế nầy không chịu trách nhiệm về những gì đang xãy ra với nền kinh tế thế giới, các nhà nghiên cứu kinh tế đều cho rằng vấn đề hiện nay là do ngành tài chính đã quá lạm dụng những đòn bẩy tài chính để khai thác lợi nhuận, và việc nầy dẫn đến sự gãy đổ của hệ thống tài chính.

Tất nhiên là nhà nước nếu đi theo hướng khuyến khích tiêu dùng thì cũng sẽ cần phải xác định đâu là những lĩnh vực chi tiêu cần khuyến khích, đâu là những lĩnh vực không khuyến khích. Chẳng hạn, vay đầu tư vào bất động sản, đầu cơ đất, rõ ràng là không đóng góp gì nhiều vào phát triển sản xuất, phát triển kinh tế nên không nên khuyến khích.

Cũng cần nói thêm rằng đây cũng là sách lược mà Thaksin đã áp dụng cho Thái Lan, một nước bị ảnh hưởng nặng nề trong cuộc khủng hoảng tài chính ĐNÁ năm 1997, và đã mang lại kết quả rất khả quan, giúp kinh tế Thái Lan khôi phục nhanh chóng và phát triển mạnh sau khủng hoảng.


Những nội dung trên đây chỉ là quan điểm cá nhân của tác giả, để trao đổi, thảo luận thêm xin liên hệ: Đỗ Hòa - This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Pin It
John W. Teets

"Việc của người quản lý doanh nghiệp không chỉ để quan tâm đến hiện tại, mà là tương lai của của doanh nghiệp."

User Menu