Giữa năm 2012, Tập đoàn Grifish, nhà phân phối lớn nhất của Nhật, đột ngột tuyên bố đóng cửa. Điều đáng nói là khách hàng nhập khẩu tôm của Minh Phú tại Nhật đều phải thông qua nhà phân phối này.

Ngay sau đó, các doanh nghiệp nhập khẩu tôm đã sang Việt Nam gặp Minh Phú bàn cách tháo gỡ khó khăn. Mitsui, một khách hàng của Minh Phú, đã đứng ra làm nhà phân phối tôm cho Minh Phú tại Nhật. Có lẽ mối lương duyên của Minh Phú và Mitsui đã bắt đầu từ đó.

Cuối năm 2012, sau cuộc hợp tác giữa Minh Phú với công ty chuyên cung cấp, nuôi trồng và chế biến thực phẩm của Thái Lan CP Foods không thành, Mitsui và Minh Phú đã âm thầm tìm hiểu nhau.

Trung tuần tháng 10.2013, Reuters đưa tin Mitsui & Co (công ty con của Tập đoàn Mitsu tại Singapore) đã mua lại hơn 30% cổ phần của Công ty Chế biến Thủy sản Minh Phú - Hậu Giang (MPHG), công ty con của Minh Phú ở Việt Nam. Giá trị thương vụ này không được tiết lộ. Tuy nhiên, trước đó, Minh Phú đã cho một tạp chí nước ngoài biết rằng, giao dịch có thể đạt 266 tỉ đồng. Đặc biệt, sau khi hoàn tất thương vụ, MPHG đã có số vốn điều lệ 866,67 tỉ đồng, cao hơn vốn của công ty mẹ. Theo ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty Minh Phú, MPHG sẽ là công ty chủ lực của Tập đoàn trong tương lai.

Với việc mua lại cổ phần, Mitsui sẽ có thể tham gia quản lý MPHG, nhà máy chế biến tôm được xây dựng và đưa vào hoạt động cách đây 2 năm. Mitsui là một tập đoàn đa ngành lớn tại Nhật, hoạt động chủ yếu trong ngành năng lượng, thực phẩm, hóa học, hệ thống vận tải, tài chính... Tuy nhiên, Mitsui đang trong quá trình mở rộng hệ thống phân phối thực phẩm. Hồi đầu năm, Mitsui đã hợp tác mua lại 30% cổ phần của công ty thực phẩm tại Chile để mở rộng hệ thống phân phối thực phẩm trên thế giới.

Đại diện của Mitsui cho biết Minh Phú có quy trình nuôi trồng, con giống, chế biến và xuất khẩu thủy sản và Mitsui sẽ giúp Minh Phú mở rộng kinh doanh và bán sản phẩm ra khắp thế giới.

Đây cũng là chiến lược mà Minh Phú từng kỳ vọng sẽ có được nếu hợp tác với CP Foods. Hợp tác với công ty này, Minh Phú sẽ vừa được bổ sung nguồn vốn vừa xuất khẩu trực tiếp được tôm từ Việt Nam sang châu Âu mà không chịu mức thuế suất cao do Thái Lan đã ký kết thỏa thuận về thuế với châu Âu. CP Foods, với chuỗi cung ứng thực phẩm khép kín từ con giống, thức ăn, nuôi trồng đến chế biến và sản xuất thực phẩm, cũng có thể hỗ trợ được nhiều cho Minh Phú.

Chính vì vậy, CP Foods đã chào giá mua cổ phần thấp hơn đối tác Nhật. CP Foods muốn mua 40% cổ phần, nhưng đã đưa ra một số điều khoản cho thấy doanh nghiệp này có tham vọng muốn thâu tóm Minh Phú. Chính vì vậy, ông Quang đã quyết định không hợp tác với CP Foods nữa.

Trong khi đó, theo ông Quang, Mitsui chỉ mua cổ phần của MPHG với tư cách là nhà đầu tư và không tham gia sâu vào hoạt động của công ty mẹ.

Trong kinh doanh, người Nhật luôn tôn trọng người sáng lập công ty và thường không muốn mua lại 100% công ty của đối tác. Quan điểm của vị quản lý Minh Phú là muốn tìm đối tác ngoại để tăng vốn đầu tư và mở rộng thị trường, không muốn mất công ty. Chính vì điều này mà cho đến nay Minh Phú mới tìm được đối tác vừa ý thay vì hợp tác với CP Foods từ năm ngoái, mặc dù công ty đã gặp khó khăn về vốn từ 2 năm nay.

Hầu hết vốn của Công ty đều đổ vào việc xây dựng nhà máy, trong khi tôm lại bị dịch bệnh chết hàng loạt. Tình hình kinh doanh cũng giảm sút nghiêm trọng. Tính đến hết quý II/2013, Minh Phú chỉ đạt được 34 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 87,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số lợi nhuận này là mức thấp chưa từng có của Minh Phú. Ông Quang cho rằng, vì vẫn khó khăn về vốn, Công ty sẽ tiếp tục tìm thêm đối tác ngoại. Tuy nhiên, với quan điểm muốn có thêm vốn nhưng vẫn phải giữ lại Công ty cho gia đình, có thể Minh Phú sẽ khó tìm thêm được đối tác.

Theo Nhịp cầu đầu tư.

Pin It
C. V. Ramannan

"Nếu một cơ hội đến với bạn thì hãy chớp lấy ... đừng nghĩ rằng rồi nó sẽ lại đến."

User Menu