Thông cáo đưa ra từ Tim Cook, tổng giám đốc (CEO) Apple, ngày 15 tháng 10 chẳng khác nào một phát súng bắn vào những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu Burberry.

Đó là Angela Ahdrendts, nữ CEO quyền lực hàng đầu thế giới của Burberry, sẽ rời bỏ vị trí của mình để tiếp nhận một cương vị khiêm tốn hơn tại Apple: Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách mảng bán lẻ. Trong suốt thời gian tại vị, Ahrendts đã làm nên kỳ tích: hồi sinh thương hiệu và tăng doanh thu Burberry lên 3 lần, đạt con số ấn tượng 3 tỉ USD và cùng ê-kíp của mình ghi dấu ấn đậm nét lên diện mạo thời trang thế giới.

Nhưng chúng ta đang nói Apple, một thương hiệu trị giá gấp nhiều lần Burberry.

Nhiều người cho rằng, với văn hóa "từ dưới đi lên" của Apple, việc chiêu mộ Ahrendts là một bước đệm để người phụ nữ này từng bước làm quen với văn hóa Apple trước khi chuẩn bị tiếp nhận chiếc ghế CEO từ Tim Cook. Nếu thông tin này là xác thực thì câu lạc bộ các quý bà quyền lực trong làng công nghệ, ngoài các gương mặt đình đám như Marissa Mayer, CEO của Yahoo! và Sheryl Sandberg, COO của Facebook, sẽ lại có thêm một gương mặt nữ xuất sắc khác. Nhưng cũng có thông tin cho rằng Cook còn quá trẻ và đang rất sung sức.

Ahrendts không phải gương mặt đầu tiên từ làng thời trang gia nhập nhóm các nhà "công nghệ thời trang" của Apple. Gần đây, Paul Deneve, cựu CEO của công ty thời trang Yves Saint Laurent, đã gia nhập Apple với vai trò Phó Chủ tịch phụ trách một dự án đặc biệt vẫn còn đang trong vòng bí mật, khẳng định tham vọng dấn sâu hơn vào mảng kinh doanh hàng hiệu của Apple. Sau 37 năm hoạt động trong mảng công nghệ, giờ đây Apple đang hướng nhiều hơn đến hình ảnh một thương hiệu kinh doanh các sản phẩm thời trang, chỉ có điều thời trang ở đây không phải là quần áo, túi xách, mà là thời trang lồng trong công nghệ cao. Tỉ suất lợi nhuận của các sản phẩm Apple được cho là cao hơn hẳn các sản phẩm cùng loại, một đặc trưng của hàng hiệu. Ngoài ra, Hãng cũng rất chú trọng đến đặc trưng khác của hàng hiệu, đó là cá tính và sự tiện nghi của sản phẩm.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng Apple đã "cạn kiệt ý tưởng". Kể từ khi Jobs qua đời, Apple không có một sản phẩm đột phá nào và đã "nhai lại" các phiên bản, mà iPad mini là một ví dụ. Việc chiêu mộ nhân tài ngoài ngành, thậm chí là từ ngành thời trang, rất có thể là để làm ra các sản phẩm mới; đáp ứng kỳ vọng của Hội đồng Quản trị Apple.

Theo Nhịp cầu đầu tư.

Pin It
C. V. Ramanan

"Không thể có một cách làm đúng cho một hành động sai."

User Menu