1-17 ba6b9Bằng cách nào để đưa Sony trở lại thời kỳ vàng son là thách thức đặt ra cho ông Kazuo Hirai, người nhậm chức Tổng Giám đốc Sony từ tháng 4/2012.

Sau một năm thực hiện kế hoạch tái cấu trúc tập đoàn điện tử Sony Nhật Bản, cuối cùng Kazuo Hirai cũng đã có thể ăn nói với cổ đông ngày 9/5 vừa qua, tập đoàn Sony công bố đã có lãi trở lại sau 4 năm thua lỗ. Cụ thể, Sony đã đạt lãi ròng 43 tỉ yên, tương đương 435 triệu USD trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3/2013.

Khởi sắc

So với mức lỗ 456,7 tỉ yên (4,6 tỉ USD) cách đây một năm, kết quả này là một cuộc "lội ngược dòng" ngoạn mục. Không chỉ lợi nhuận được cải thiện, doanh số bán cũng tăng 4,7%, đạt 6,8 tỉ yên (tương đương 68,4 tỉ USD).

Công bằng mà nói, việc đồng yên yếu đi cũng giúp cải thiện lợi nhuận của Sony trong năm tài chính vừa qua. Ngoài ra, nguồn thu từ bộ phận dịch vụ tài chính tại Nhật cũng góp phần vào kết quả trên. Cụ thể, bộ phận tài chính đã lãi 149 tỉ yên, gấp 3 lần bộ phận có mức sinh lời đứng thứ hai là bộ phận phim ảnh của Sony tại Mỹ.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, nỗ lực tái cấu trúc của ông Hirai trong năm qua nhằm cắt giảm chi phí và tinh gọn bộ máy hoạt động cũng là một nguyên nhân quan trọng giúp Sony có lãi trở lại. Vị Tổng giám đốc đã mạnh tay cắt giảm 10.000 việc làm, tương đương 6% lực lượng lao động, bán đi bộ phận hóa phẩm và một số tòa nhà văn phòng, trong đó có việc bán trụ sở của Sony tại New York với giá 1,1 tỉ USD.

Ông Hirai cũng giải tán các liên doanh màn hình tinh thể lỏng với Sharp (Nhật Bản) và Samsung (Hàn Quốc), đồng thời cho thuê ngoài khâu sản xuất màn hình. Việc thuê ngoài giúp Sony đưa ra giá bán tivi tốt hơn cho người tiêu dùng và góp phần giảm mức lỗ ở mảng tivi – vốn là một bộ phận lớn của tập đoàn.

Hiện tại, mức lỗ của mảng này đã giảm 137,9 tỉ yên (1,4 tỉ USD) so với cách đây 1 năm, xuống chỉ còn 69,6 tỉ yên (707 triệu USD) và dự kiến sẽ hòa vốn trong năm nay.

Những kết quả khả quan trên là bước khởi đầu thuận lợi cho Hirai sau một năm "cầm cương" tại Sony. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, những điều mà Hirai có thể thực hiện được trong năm 2013 mới định đoạt việc Sony có vững vàng trên con đường hồi phục hay không.

Sức ép tăng trưởng sản phẩm mới

Sau khi cắt giảm mạnh chi phí và tinh gọn bộ máy trong năm qua, ông Hirai đang đối mặt với một cuộc thử nghiệm quan trọng, đó là chứng tỏ năng lực tạo ra các sản phẩm đột phá của tập đoàn. Sony dự định sẽ tung ra PlayStation 4, phiên bản mới nhất của thiết bị điều khiển trò chơi vào dịp cuối năm nay.

Tìm kiếm tăng trưởng ở các sản phẩm mới là điều cực kỳ quan trọng đối với Hirai, nhất là khi nhiều bộ phận của Sony vẫn chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm, nhất là mảng điện tử tiêu dùng.

Trong năm 2012, lượng hàng bán ra đã giảm 31% đối với tivi màn hình tinh thể lỏng, giảm 29% đối với máy ảnh kỹ thuật số và 10% đối với máy tính cá nhân Vaio và máy quay phim.

Chính vì tình cảnh khó khăn đó mà ông Hirai và khoảng 40 nhà điều hành của Sony đã đồng ý không nhận thưởng do mảng điện tử tiếp tục thua lỗ. Cần nhớ rằng, các khoản tiền thưởng thường chiếm 30-50% thu nhập hằng năm của các nhà điều hành này.

Do đó, nếu các sản phẩm mới như PlayStation 4 không mang lại được lợi nhuận như kỳ vọng thì sức ép đối với ông Hirai sẽ rất lớn. Nhưng PlayStation 4 sẽ không mang lại doanh thu lớn ngay cho tập đoàn, bởi lẽ các thiết bị điều khiển trò chơi mới thường sẽ bị lỗ nặng lúc ban đầu.

Mặt khác, doanh thu từ PlayStation 4 cũng khó mà tăng mạnh khi người tiêu dùng ngày càng có xu hướng dành nhiều thời gian và tiền bạc hơn vào các trò chơi trực tuyến và trên điện thoại di động.

Bộ phận điện thoại di động cũng là một lĩnh vực mà ông Hirai phải giải quyết. Mặc dù các sản phẩm mới như chiếc điện thoại thông minh Xperia Z nhận được phản hồi tích cực từ thị trường, nhưng vẫn còn phải xem liệu công ty có phá vỡ được thế độc quyền của 2 đối thủ Samsung và Apple – vốn đang chiếm phần lớn lợi nhuận của ngành này.

Theo hãng nghiên cứu thị trường Mỹ IDC, Sony đã tăng được thị phần trên thị trường điện thoại thông minh toàn cầu lên 4,5% từ con số 3,9% của quý IV/2012. Tuy nhiên, so với lượng bán ra của Samsung, Sony vẫn còn rất khiêm tốn.

Theo Bloomberg Industries, lượng điện thoại Sony bán ra năm ngoái là 30,4 triệu chiếc, chỉ bằng 1/7 lượng điện thoại thông minh mà Samsung bán ra (218,2 triệu chiếc). Thu hẹp khoảng cách này cũng là một điều cực kỳ khó đối với Hirai.

Phục hồi sản phẩm truyền thống
Một thách thức lớn khác đối với Hirai là phải đưa bộ phận tivi sinh lãi trở lại sau gần một thập kỷ làm ăn thua lỗ, do sức cầu yếu và sự cạnh tranh gay gắt từ Samsung và LG Electronics. Sony đặt mục tiêu bán 16 triệu chiếc tivi trong năm tài chính hiện tại (mức bán ra năm trước là 13,5 triệu chiếc) bằng cách tập trung vào tivi màn hình độ phân giải cực cao.

Cải thiện tình hình kinh doanh tại các bộ phận đang sa sút được giới chuyên gia phân tích ví như sứ mệnh Hercules của Hirai. "Làm cho bộ phận tivi trở nên có lãi, làm tăng mạnh lợi nhuận mảng game và cải thiện lợi nhuận của Vaio sẽ không phải là chuyện đơn giản", chuyên gia phân tích Yasuo Nakane thuộc Deutsche Securities, nhận xét.

Nhưng đó là những việc không thể không làm. Bởi tình trạng xập xình kéo dài của Sony đã làm cho nhiều nhà đầu tư mất kiên nhẫn.

Trong một lá thư gửi đến Hirai vào giữa tháng 5/2013, ông Daniel Loeb, nhà sáng lập Third Point, vốn nắm giữ 6,3% cổ phần của Sony đã thúc giục bán một phần Sony Entertainment, bộ phận giải trí vẫn đang ăn nên làm ra để giúp Sony giảm nợ và có tiền cải tổ bộ phận điện tử đang lao đao.

Theo một nguồn tin thân cận, vấn đề này sẽ được đưa ra trước hội đồng quản trị để bàn bạc và có thể sẽ được thực thi, nếu điều này được coi là có lợi về lâu dài cho Tập đoàn.

Nguồn: Tạp chí DOANH NHÂN

Pin It
Steven Wright

"Ở đâu cũng đều có thể coi là khoảng cách đi bộ nếu bạn có thời gian."

User Menu