THÁI BÌNH (Theo Wall Street Journal)

(SGTO) - Bí mật cuộc đời và hoạt động kinh doanh của ông Terry Gou, tỉ phú ngành điện tử Đài Loan, và “tác phẩm” của ông Gou: tập đoàn Hồng Hải (Foxconn) – tập đoàn vừa khánh thành 2 nhà máy lắp ráp điện tử tại Bắc Ninh ngày 28-8 vừa qua, đã được Chính phủ chấp thuận cho đầu tư 5 tỉ đô la vào 7 tỉnh, thành phố và cam kết trở thành nhà đầu tư nước ngoài số 1 tại Việt Nam.

Cuối tháng 7 vừa qua, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý để tập đoàn khoa học kỹ thuật Hồng Hải - Đài Loan (Foxconn) đầu tư khu công nghiệp, đô thị - dịch vụ và sân golf tại Bắc Giang với diện tích 960 hécta, nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Foxconn là ai, tiềm lực cỡ nào mà được ưu đãi như vậy? Từ đầu năm đến nay Foxconn đã ký liên tiếp những bản ghi nhớ cam kết đầu tư vào 7 tỉnh, thành phố ở Việt Nam với số vốn dự kiến ban đầu lên tới 5 tỉ đô la Mỹ.

Mới hôm thứ ba 28-8, Foxconn đã khánh thành 2 nhà máy công nghệ cao tại khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh và chủ tịch tập đoàn, ông Terry Gou, tuyên bố Foxconn sẽ trở thành tập đoàn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Báo Wall Street Journal số ra gần đây hé lộ đôi điều về tập đoàn này và ông chủ của nó: ông Terry Gou, người Đài Loan, được giới quản trị hóm hỉnh gọi là “tỉ phú tiền xu”.

“Tôi ghét việc tôi trở nên nổi tiếng”

Đằng sau cánh cổng được canh gác nghiêm nhặt ở ngoại ô thành phố Thâm Quyến có một trong những nhà máy lớn nhất thế giới. Với hàng chục nhà xưởng, nhà máy này sản xuất ra hàng loạt thiết bị điện tử mang những thương hiệu quen thuộc với từng gia đình: máy nghe nhạc iPod và điện thoại iPhone của Apple Inc., máy tính xách tay của Hewlett-Packard Co., điện thoại “siêu mỏng” của Motorola Inc., và thiết bị chơi game Wii của Nintendo Co.

Người ngoài ít ai biết chủ nhân của nhà máy khổng lồ này là tập đoàn Hồng Hải (Hon Hai Precision Industry Co.) và ông chủ lớn của nó – một tỉ phú giấu mặt có tên là Terry Gou. Mười năm qua, doanh số của Hồng Hải tăng trưởng bình quân 50% mỗi năm - một kỷ lục thế giới.

Năm ngoái Hồng Hải thu được 43 tỉ đô la và năm nay dự kiến sẽ tăng thêm 14 tỉ đô la nữa. Nhà máy của Hồng Hải ở Thâm Quyến có 270.000 công nhân – tương đương với dân số một thành phố nhỏ ở Việt Nam, và thực sự là một thành phố công nghiệp.

Tuy không được thế giới bên ngoài biết đến nhiều nhưng ông Terry Gou đã biến công ty của mình thành nhà xuất khẩu lớn nhất Trung Quốc và nhà gia công sản xuất hàng điện tử lớn nhất thế giới. Đáng lưu ý là mặc dù công ty phát triển như vũ bão, người đàn ông Đài Loan 56 tuổi, khởi nghiệp với hai bàn tay trắng ba mươi năm về trước, vẫn luôn duy trì một lối sống khép kín.

Ông nói rằng, nổi tiếng chỉ tổ làm đối thủ cạnh tranh ghen ghét và khách hàng xa lánh. “Tôi ghét việc tôi trở nên nổi tiếng”, ông tâm sự trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi gần đây với phóng viên báo Wall Street Journal tại trụ sở tập đoàn Hồng Hải ở ngoại ô thành phố Đài Bắc. Đây là cuộc trả lời phỏng vấn đầu tiên ông dành cho một tờ báo phương Tây kể từ năm 2002 và báo Wall Street Journal đã mất 5 năm thu xếp, nài nỉ mới thực hiện được. “Bây giờ chúng tôi to lớn quá nên không thể lẩn tránh được”, ông nói.

Công ty Hồng Hải và nhà máy khổng lồ ở Thâm Quyến là khung cửa hẹp để người ta nhìn vào thế giới công nghiệp chế tạo đôi khi có vẻ bí mật ở Trung Quốc. Tính bảo mật là điểm mấu chốt của các nhà sản xuất theo đơn đặt hàng vì khách hàng dựa vào họ để che giấu sản phẩm và kế hoạch kinh doanh khỏi sự dòm ngó của các đối thủ. Hồng Hải tuân thủ luật chơi rất nghiêm chỉnh và chưa bao giờ tiết lộ rằng mình đang gia công cho những khách hàng nào.

Tập đoàn Hồng Hải – đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Đài Loan dưới thương hiệu Foxconn, bảo mật nghiêm nhặt danh tính của khách hàng dù một số danh tính đó có trong hồ sơ nộp cho cơ quan quản lý thị trường chứng khoán. Qua các hồ sơ này, người ta biết Hồng Hải và các công ty con của nó không chỉ sản xuất sản phẩm cho Apple, Nintendo, HP và Motorola mà còn sản xuất điện thoại di động và phụ kiện cho Nokia Corp., máy trò chơi PlayStation 2 cho Sony và các bộ phận máy tính cho Dell Inc – toàn những thương hiệu hàng đầu và nổi tiếng trên toàn cầu. Các khách hàng này cũng không công bố quan hệ với nhà sản xuất.

Theo giới phân tích công nghiệp Đài Loan, Hồng Hải chính là nhà cung cấp độc quyền điện thoại iPhone của Apple và là một trong số vài nhà sản xuất máy nghe nhạc iPod. Apple công nhận Hồng Hải là nhà cung cấp của mình nhưng từ chối bình luận thêm. Không xuất đầu lộ diện, không có sản phẩm nào mang thương hiệu riêng nhưng Hồng Hải là tay chơi nặng ký nhất trong ngành điện tử.

Theo các nhà phân tích và giới thạo tin, ông Terry Gou rất thành công trong việc kết hợp tính thận trọng, cẩn mật với thành tích kiểm soát chất lượng và giá cả cạnh tranh để xây dựng nên một vương quốc công nghiệp hùng mạnh. Doanh số 43 tỉ đô la mà Hồng Hải thu được trong năm ngoái tương đương tổng doanh số của 10 đối thủ mạnh nhất thế giới đang cạnh tranh với nó. Ông Gou và Hồng Hải còn kiểm soát nhiều công ty con hạch toán độc lập ở khắp nơi trên thế giới. Một phát ngôn viên của Hồng Hải tiết lộ cá nhân ông Terry Gou có tài sản khoảng 10 tỉ đô la.

Khu công nghiệp Long Hoa của Foxconn ở ngoại ô thành phố Thâm Quyến
Vương quốc bí mật của ông Terry Gou

Nằm ở trung tâm vương quốc của ông Terry Gou là nhà máy kín cổng cao tường gần Thâm Quyến, có tên là Công viên khoa học công nghệ Long Hoa, diện tích khoảng 4 ki-lô-mét vuông. Nếu không phải là khách hàng, người bên ngoài khó lòng đặt chân vào “công viên” này. Phóng viên báo chí đến thăm viếng Long Hoa bị ngăn không cho chụp ảnh, không được vào những khu vực bảo vệ chặt chẽ.

Bên cạnh vài chục dây chuyền sản xuất và ký túc xá công nhân, công viên Long Hoa có riêng một đội cứu hỏa, bệnh viện, hồ bơi dành cho công nhân, nơi ông Terry Gou thường ra tập thể dục mỗi khi ông có mặt tại nhà máy. Nhiều nhà hàng, ngân hàng, tiệm tạp hóa và quán cà phê Internet được sắp xếp dọc theo mấy con đường trong khu công nghiệp. Khu công nghiệp còn có một đài truyền hình riêng – Foxconn TV, phát trên 500 màn hình cỡ lớn những đoạn phim hướng dẫn an toàn lao động, bài tập thể dục giữa giờ và tin tức hoạt động của công ty.

Ông James Lee, một viên chức ngân hàng nghiện thuốc lá nặng, được ông Terry Gou đưa về điều hành nhà máy từ năm 1998, thực tế là “thị trưởng” của Long Hoa, luôn miệng than thở về cách thức làm sao cung cấp được 150.000 suất ăn trưa mỗi ngày trong 10 nhà căng-tin rộng và sâu hun hút. Cứ hình dung xem, nếu mỗi người chỉ ăn ba bát cơm, mỗi bữa trưa ở đây đã tiêu tốn đến 10,6 tấn gạo! Nhiệm vụ của ông Lee là quản lý cảnh quan môi trường của khu công nghiệp, mua sắm đồng phục, xây dựng ký túc xá và tuyển dụng công nhân mà vào thời gian cao điểm có khi phải tuyển đến 3.000 người mỗi ngày.

Dưới quyền ông Lee có hơn 1.000 vệ sĩ lo giữ gìn trật tự và ngăn cản những vị khách không mời bén mảng vào những khu vực nhạy cảm của nhà máy. Bộ máy hành chính này còn phải đối phó với tình trạng xả rác bừa bãi của những công nhân mới. “Tôi phải giải quyết mọi chuyện lớn nhỏ của khu công nghiệp này, chỉ trừ chuyện sản xuất”, Lee nói trong lúc nhấm nháp “Cà phê Foxconn” trong nhà hàng của công ty. “Giờ đây, đã hết đất xây nhà máy. Chúng tôi không nghĩ mình phát triển nhanh như vậy”.

Tính cách của người sáng lập, ông Terry Gou, thấm nhuần trong khắp nhà máy và công ty. Là một người lãnh đạo có sức lôi cuốn và kích thích lòng trung thành tận tụy của cấp dưới, ông Gou điều hành Hồng Hải với quyền lực của một lãnh chúa. Trên cổ tay phải ông ta luôn đeo một chuỗi hạt mà ông đem về từ đền thờ Thành Cát Tư Hãn, vị lãnh chúa Mông Cổ thế kỷ 13 mà ông tôn kính như thần tượng.

Ông Gou nói: “Tôi thường bảo nhân viên của mình: Quyền lợi của tập đoàn quan trọng hơn quyền lợi của từng cá nhân”. Ông Gou kết hợp động cơ cạnh tranh với một mô hình kinh doanh theo đó công ty tự sản xuất phần lớn sản phẩm của mình để tiết kiệm chi phí mua linh kiện. Niềm đam mê làm mọi cách để giảm chi phí của ông Gou được một đồng nghiệp nhận xét hóm hỉnh rằng, ông ấy đáng giá hàng chục tỉ đô la nhưng toàn tiền xu, tiền hào!

Công nhân của Long Hoa làm việc trong các dây chuyền lắp ráp, làm theo ca, suốt hai mươi bốn giờ mỗi ngày. Lương bổng của họ có vẻ khiếm tốn so với tiêu chuẩn quốc tế nhưng cũng đủ cao để lúc nào trước cổng nhà máy cũng có đông người đến xin việc. Công việc căn bản nhất trong dây chuyền lắp ráp được trả 60 xu Mỹ một giờ - đúng với mức lương tối thiểu ghi trong luật – và công nhân làm thêm giờ có thể nhận được nhiều hơn. Các bữa ăn thì được công ty phụ cấp.

Phần lớn công nhân được cư ngụ miễn phí trong các ký túc xá nằm bên trong các bức tường cao của khu công nghiệp hoặc được cấp tiền thuê nhà dân ở bên ngoài. Các nhà quản trị tập đoàn Hồng Hải nói rằng điều kiện của công nhân của họ tốt hơn mức trung bình ở Trung Quốc và nhờ đó họ luôn thu hút được công nhân mới. Ông Gou cho biết công ty đang xây dựng thêm nhiều ký túc xá để cho công nhân có chỗ ở rộng rãi hơn.


(Xem tiếp phần 2)

Ẩn danh

"Mọi thành tựu đều bắt đầu từ một quyết định làm thử"

User Menu