thoiluavaothitruongbanle 3b41cViệc công bố sẽ trở lại Việt Nam của Tập đoàn Auchan (Pháp) sau nhiều năm gián đoạn đã thêm lửa vào thị trường bán lẻ vốn đang nóng bỏng, với sự góp mặt của nhiều đại gia đa quốc gia.

Ngoại lên tiếng

Ngoài cam kết đầu tư vào Việt Nam vừa được công bố, theo nguồn tin của Báo Đầu tư, vào đầu tháng 12/2012 vừa qua, Auchan đã chi 1,1 tỷ euro để sở hữu 91 siêu thị thuộc hệ thống Real Grocery Metro (một công ty con của Tập đoàn Metro AG - chủ hệ thống Metro Cash & Carry tại Việt Nam) tại Ba Lan, Nga, Romania và Ukraine. Giao dịch này dự kiến sẽ hoàn tất trong năm 2013.

Theo thông tin của Business Week, Auchan là tập đoàn cỡ trung về bán lẻ tại Pháp và được sáng lập bởi ông Gerard Mulliez - một trong những người giàu nhất nước Pháp, song tập đoàn này đã có mặt tại 15 nước trên thế giới và đang mở rộng hoạt động tại Trung Quốc, Nga và Đông Âu trong lĩnh vực kinh doanh siêu thị và đại siêu thị.

Như vậy, cho dù Auchan vẫn chưa tiết lộ gì thêm, ngoài cam kết đầu tư 500 triệu USD trong 10 năm tại Việt Nam, thì kế hoạch trở lại của Auchan cũng làm các đại gia cả nội và ngoại trong lĩnh vực kinh doanh này cảm thấy sốt ruột.

Bởi trước đó, ngay trong những ngày đầu năm 2013, Tập đoàn E-mart (do Shinsegae - một trong những nhà bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc làm chủ), đã chính thức bắt tay với Tập đoàn U&I ở Bình Dương thành lập liên doanh kinh doanh chuỗi siêu thị cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam, với vốn đầu tư 80 triệu USD. E-Mart kỳ vọng đến năm 2020, E-Mart Việt Nam sẽ thiết lập hệ thống 52 siêu thị, cửa hàng tại các đô thị lớn và tổng vốn đầu tư sẽ tăng dần đến 1 tỷ USD.

Trao đổi với giới truyền thông, bà Ja Young Heo, Giám đốc bán hàng E-mart cho rằng, Việt Nam là điểm đến lý tưởng của các doanh nghiệp Hàn Quốc, trong đó có dịch vụ bán lẻ, logistics và đồ gia dụng. Năm 2012, E-mart đã nhập khẩu hơn 7,88 triệu USD sản phẩm hàng hóa từ Việt Nam. Trong khi đó, doanh thu bán hàng trực tuyến của E-mart vào Việt Nam năm 2012 cũng lên tới 89 triệu USD.

Trước E-Mart, trong năm 2012, hai đại gia Nhật Bản là Aeon và Takashimaya đã đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Cụ thể, Aeon (một đại gia của Nhật Bản xếp hạng 4 trong bảng xếp hạng doanh nghiệp bán lẻ toàn cầu năm 2012 của Planet Retail) đã triển khai đầu tư song hành cả hai mô hình đại siêu thị (với hai trung tâm là Celadon Shopping Mall được xem là đại siêu thị lớn nhất của TP.HCM và 1 dự án tại Bình Dương) và cửa hàng tiện lợi (liên kết với Trung Nguyên đầu tư 13 cửa hàng Ministop tại TP.HCM).

Trong khi đó, Takashimaya (nhà bán lẻ hàng đầu Nhật Bản) đã hoàn thành việc ký hợp đồng thuê mặt bằng rộng 15.000 m2 của Dự án Saigon Centre tại trung tâm quận 1, TP.HCM để chuẩn bị chính thức hoạt động vào năm 2015.

Cùng với đó, các đại gia ngoại đã chắc chân tại thị trường Việt Nam như Metro Cash & Carry; Big C; Lotte vẫn âm thầm các kế hoạch mở rộng. Tham vọng của Metro tại thị trường Việt Nam là mở 30-35 trung tâm trong vòng 3 - 5 năm tới, tức là mở từ 3-4 trung tâm/năm, sau khi đã sở hữu 17 trung tâm tại Việt Nam trong 10 năm hoạt động.

Casino (với thương hiệu Big C, đang sở hữu 18 đại siêu thị và 5 cửa hàng tiện lợi) cũng tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển thương hiệu WOW, nhằm tạo sự tin tưởng với khách hàng Việt Nam về giá cả của Big C. Đặc biệt, các động thái của Metro và Big C cho thấy, hai tập đoàn này muốn mở rộng và chiếm lĩnh cả thị trường nông thôn.

Nội chuyển mình

Sau thời gian đầu tư về chiều rộng trên địa bàn TP.HCM lẫn các trung tâm lớn trên cả nước ở những vị trí đắc địa, thương hiệu hàng đầu của ngành bán lẻ Việt Nam là Co.opmart cũng bắt đầu chuyển dịch, đặt những bước đi đầu tiên trong phân khúc bán lẻ hiện đại vốn là sân chơi của các đại gia nước ngoài.

Với việc liên kết với đối tác NTUC FairPrice (Singapore), hiện sở hữu 60% thị phần bán lẻ tại đảo quốc Sư tử, với 250 điểm bán ở nhiều mô hình kinh doanh, Co.opmart đã tung ra mô hình kinh doanh đại siêu thị theo dạng chuỗi, với thương hiệu Co.op Xtra Plus vừa bán lẻ, vừa phân phối số lượng lớn, trung tâm đầu tiên đặt tại quận Thủ Đức, TP.HCM.

Mặc dù vào thời điểm này, rất khó để dự báo tính khả thi của mô hình mới, nhưng theo bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), Co.op Xtra Plus đánh dấu cột mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của thị trường bán lẻ của Saigon Co.op.

Dè dặt hơn, nhưng Maximart cũng đang nỗ lực các thử nghiệm của mình sau 17 năm thành lập, trong đó có mô hình hợp tác với DairyFarm (Hồng Kông). Vấn đề của Maximart, theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc siêu thị Maximark Cộng Hòa, không phải là sự đặt chân của các ông lớn, mà là vấn đề nguồn vốn.

"Maximark là doanh nghiệp 100% vốn trong nước, nên chúng tôi có phần thua thiệt hơn doanh nghiệp ngoại về nguồn vốn, nhưng ngược lại, chúng tôi có thế mạnh riêng, kể cả về kinh nghiệm và nguồn hàng", bà Thảo phân tích.

Có dễ hụt hơi?

Thời gian qua, khá nhiều kế hoạch thâm nhập thị trường của không ít đại gia hoặc bất thành, hoặc bị đình hoãn. Chính các đại gia ngoại đã đúc kết được một số bí quyết để tồn tại ở Việt Nam.

Yếu tố quan trọng nhất là phải có vị trí đắc địa. Đây gần như là yếu tố tiên quyết, nhưng cũng là trở ngại lớn nhất với các đại gia ngoại. Hiện nay, theo khảo sát chung, giá thuê mặt bằng chiếm đến 60% tổng chi phí đầu tư các siêu thị và đại siêu thị. Đó là chưa kể, giá đất ở Việt Nam thuộc mức rất cao.

Thứ hai là xác định được phân khúc và lợi thế khác biệt trong kinh doanh. Trong vấn đề này, có vẻ như Co.opmart, Big C và Metro là thành công nhất. Theo đó, Co.opmart và Big C xác định, phục vụ khách hàng bình dân đến trung bình với lợi thế về chủng loại và hướng đến xây dựng các nhãn hàng giá rẻ để phục vụ đại đa số khách hàng. Còn Metro, dù "mang tiếng" thực hiện "bán lẻ với giá sỉ", nhưng đã xác định phân khúc là hộ kinh doanh, tiểu thương nên dễ dàng tách khỏi top bán lẻ khi thực hiện so sánh về chuyên môn.

Thứ ba là có đối tác mạnh và đủ tiềm lực về tài chính. Điều này đặc biệt đúng với các đối tác nước ngoài như Dairy Farm, Best Caring... Họ đã rút ra bài học xương máu khi "kết hôn" với đối tác không đủ tiềm năng dẫn đến "chết yểu".

Rõ ràng, là thị trường tiềm năng, song dường như sự nóng bỏng của thị trường bán lẻ Việt Nam không chỉ ở khía cạnh cơ hội, mà còn chứa đựng cả những thách thức không dễ vượt qua.

Theo Báo đầu tư.

Pin It
Ted Levitt

"Sự khác biệt giữa sales và marketing nằm ở chỗ sales bán đi những gì mình có, trong khi marketing thì có những gì khách hàng cần"

User Menu