Nhiều doanh nghiệp đang đầu tư mạnh mẽ các kênh phân phối của mình cho mục tiêu tăng trưởng và cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn nước ngoài.
Vinamilk đã mở rộng hệ thống điểm bán lẻ của mình trên toàn quốc lên con số gần 200.000 điểm tính đến thời điểm này, và đang không ngừng mở rộng hơn nữa.
Theo bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, công ty hiện có khoảng hơn 250 nhà phân phối cùng đội ngũ nhân viên bán hàng khoảng 2.000 người.
Vinamilk đang cùng nhà cung cấp giải pháp công nghệ thông tin Vietel triển khai hệ thống quản lý bán hàng bằng máy tính bảng kết nối 3G cho các nhân viên bán hàng.
Theo đó, toàn bộ quá trình bán hàng được giám sát trên Internet và các nhà quản lý ngồi ở văn phòng có thể biết được lượng hàng tồn kho, quản lý công nợ và đặc biệt là giám sát được đường đi nước bước của nhân viên bán hàng, từ đó hoạch định được chiến lược sản xuất một cách hiệu quả hơn.
Theo bà Liên, chiến lược của công ty là xây dựng thêm nhiều cửa hàng chuyên bán sản phẩm của Vinamilk, và trong vòng 5 năm tới sẽ xây dựng khoảng 500 cửa hàng như thế, tăng khá nhiều so với con số 60 hiện nay.
Một doanh nghiệp khác cũng đã đầu tư mở rộng điểm bán lẻ rất lớn là tập đoàn Masan, trong đó Công ty hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) hiện đã có hơn 176.000 điểm bán lẻ trên toàn quốc, bao gồm các kênh hiện đại, cửa hàng tiện lợi và cửa hàng tạp hóa, tăng khá mạnh so với hơn 163.000 điểm hồi năm 2011.
Masan đã thiết lập quan hệ phân phối độc quyền với 200 nhà phân phối và hơn 2.000 nhân viên bán hàng trên khắp Việt Nam.
Hiện tại, tập đoàn này có 5 trung tâm phân phối có vị trí chiến lược ở Bình Dương, Tân Bình, Đà Nẵng, Hưng Yên và Hải Dương để giao hàng cho các nhà phân phối trong vòng 24 giờ sau khi nhận đơn đặt hàng.
Masan mới đây đã mở rộng danh mục sản phẩm của mình bằng cách mua lại cổ phần chi phối với 64% của Công ty nước khoáng Vĩnh Hảo, nơi đang có khoảng 40 đại lý và gần 25.000 điểm bán lẻ.
Masan hiện đang có kế hoạch hợp nhất Vĩnh Hảo nhằm phát triển mạnh hơn qua việc kết hợp hệ thống phân phối và số điểm bán lẻ của Masan trên quốc.
Một số doanh nghiệp khác như Visan, Liên Thành... cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống phân phối và các cửa hàng giới thiệu sản phẩm riêng của mình.
Theo ông Nguyễn Anh Nguyên, cựu Phó tổng giám đốc Unilerver Việt Nam, xu hướng sắp tới của nhiều doanh nghiệp là coi các nhà phân phối, các nhà bán lẻ là một phần tài sản quan trọng trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp, đặc biệt là khi chào mời với các cổ đông chiến lược bên ngoài.
Chẳng hạn, Vinamit sắp tới sẽ thực hiện chiến lược đưa các nhà phân phối lớn ở Trung Quốc trở thành cổ đông của công ty.
Một số công ty cũng đang chuẩn bị tiến hành các động thái tương tự.
Chưa hết, theo ông Nguyên, bước tiếp theo nữa sẽ là chuyện các doanh nghiệp "biến cả những nhân viên bán hàng và các cửa hàng bán lẻ trở thành cổ đông" của mình.
Tuy nhiên, để thực hiện được điều này là không hề dễ dàng khi mà hệ thống phân phối từ nhà phân phối, đại lý đến cửa hàng bán lẻ của nhiều doanh nghiệp chưa được đầu tư bài bản, cộng thêm tình trạng nhảy việc rất lớn của các nhân viên bán hàng.
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn.