Một trang sử mới đang mở ra với Vinamilk khi vào hồi đầu tuần trước doanh nghiệp này chính thức khánh thành nhà máy sữa hiện đại vào loại nhất châu Á tại Bình Dương.
Giờ đây, các nhà đầu tư của Vinamilk đang vui mừng vì hy vọng Đại hội cổ đông của Công ty sẽ phê duyệt đệ trình của Hội đồng quản trị hồi đầu tháng 3/2013. Theo đó, tỷ lệ cổ tức năm 2012 được tăng lên 38% thay vì 30% như đã phê duyệt trước đó. Tiền lệ là năm 2011, con số này đã từng được phê duyệt nâng từ 30 lên 40%. Năm 2013, Vinamilk lên kế hoạch tổng doanh thu đạt 32.500 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2012 (27.102 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế đạt 6.230 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2012. Như vậy, so với kế hoạch chiến lược giai đoạn 2012 - 2016, kế hoạch doanh thu điều chỉnh tăng 720 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đã được điều chỉnh tăng 1.000 tỷ đồng.
Phòng thủ bằng hệ thống điểm kiểm soát chiến lược
Sự điều chỉnh tăng của Vinamilk về các chỉ số kinh doanh cơ bản cho thấy, công ty vẫn ăn nên làm ra ngay cả trong bối cảnh môi trường kinh doanh chung khó khăn và sức mua sút giảm. Đồng thời với những điều chỉnh này, Vinamilk đang nỗ lực nâng cao cũng như bảo vệ vị thế cạnh tranh dẫn đầu thị trường bằng một hệ thống kiểm soát chiến lược đáng nể. Hệ thống này bao gồm ưu thế công nghệ, chi phí, kiểm soát kênh phân phối, nguồn cung, đa dạng sản phẩm với thương hiệu và bản quyền... Thử đi từ điểm kiểm soát chiến lược công nghệ. Vào đầu tuần trước, có một sự kiện mà cả giới đầu tư và người tiêu dùng đều mong đợi: khánh thành nhà máy sản xuất sữa lớn tại Bình Dương, một trong siêu nhà máy sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất hiện nay trong khu vực châu Á cũng như trên thế giới (nhà máy còn lại của Vinamilk cũng sẽ sớm được khánh thành nay mai). Một là nhà máy sữa bột trẻ em Việt Nam có công suất 54.000 tấn/năm, được đầu tư 90 triệu USD. Nhà máy này có công suất gấp 4 lần nhà máy sữa bột Dielac 1 hiện nay của Vinamilk . Thứ hai là Nhà máy sữa Việt Nam (Mega Factory) với diện tích 20 ha, công suất 400 triệu lít sữa nước một năm trong giai đoạn 1 và 800 triệu lít/năm giai đoạn 2 với tổng đầu tư khoảng 110 triệu USD. Mega Factory có công suất tương đương 9 nhà máy hiện nay của Vinamilk.
Tiết lộ với báo chí, bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk cho biết, việc đầu tư hai nhà máy trên không chỉ đáp ứng nhu cầu kinh doanh đang mở rộng, mà còn góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh về chất lượng và giá cả trên thị trường, giúp sản phẩm của Vinamilk đạt chất lượng ngang tầm quốc tế. Về nguồn cung, trong vài năm trở lại đây, Vinamilk đã đầu tư phát triển 5 trang trại với khoảng 8.000 con bò sữa cho 90 tấn sữa/ngày. Công ty còn liên kết với hơn 5.000 hộ dân chăn nuôi bò sữa với tổng số 61.000 con, thu mua 460 tấn sữa/ngày; đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy của công ty trên toàn quốc.
Trên khía cạnh đa dạng hóa sản phẩm, cho tới nay Vinamilk đã có hơn 200 mặt hàng thuộc đủ loại sản phẩm từ sữa, như: sữa đặc, sữa bột cho trẻ em và người lớn, sữa tươi, sữa chua... Hầu hết chủng loại sản phẩm của Vinamilk hiện vẫn đang dẫn đầu thị trường. Cụ thể, Vinamilk đang nắm 75% thị phần sữa đặc có đường, 90% thị phần sữa chua, 50% thị phần sữa tươi và 30% thị phần sữa bột.
Tấn công mạnh mẽ, cán mốc 3 tỷ USD
Tuy nhiên, với tư cách là "người dẫn đầu thị trường", những tham vọng của Vinamilk không dừng lại ở đó. Sau cú cán mốc ngoạn mục 1 tỷ USD tổng doanh số vào năm 2011 - trước kế hoạch dự kiến một năm, Vinamilk đang cấp tập chuẩn bị thực thi chiến lược vươn lên trở thành một trong 50 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới (từ vị trí thứ 53 hiện nay) và cán mốc doanh số 3 tỷ USD vào năm 2017.
Điều chỉnh tăng của Vinamilk về các chỉ số kinh doanh cơ bản cho thấy công ty vẫn ăn nên làm ra
Vinamilk đã từng mất 10 năm để cán mốc 1 tỷ USD. Trong thời gian này, công ty phải trải qua con đường gập ghềnh của việc chuyển đổi từ một doanh nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán. Kể từ 2006, Vinamilk đã thay đổi chiến lược định hướng thành một tập đoàn thực phẩm và nước giải khát đa ngành để tập trung vào năng lực cốt lõi là sản xuất và kinh doanh sữa. Công ty này cũng đã trả giá bằng việc rời khỏi nhiều dự án sản xuất lớn đa ngành từng được triển khai như cà phê Moment, bia Zorock (liên doanh với SAB Miller)...
Nay, để cán mốc 3 tỷ USD,Vinamilk đang kỳ vọng sẽ chỉ mất khoảng 6 năm. Để thực hiện công việc này, Vinamilk sẽ tiếp tục "tấn công" mạnh vào thị trường sữa nội địa, nhất là khi 2 siêu nhà máy của công ty này chính thức cung cấp sản phẩm ra thị trường. Lợi thế cạnh tranh ở đây nằm ở chi phí giá thành của các sản phẩm giảm mạnh, do không phải nhập khẩu nguyên liệu 100% như trước. Hiện nay; nếu tính về sản lượng, Vinamilk đang đứng thứ nhất, nhưng về giá trị thì mới chỉ đứng thứ ba, vì giá sữa bột của Vinamilk chỉ bằng một nửa giá của sản phẩm nhập khẩu. Công ty kỳ vọng, khi siêu nhà máy tiên tiến bậc nhất châu Á kể trên đi vào hoạt động, trong 5 năm tới, mặt hàng sữa bột sẽ chiếm được 50% thị phần nội địa.
Về xuất khẩu, liên tiếp trong hai năm qua, tỷ lệ tăng trưởng của sản phẩm sữa tươi 100% đạt 70%. Hiện các sản phẩm của Vinamilk đã có mặt tại 26 thị trường trên thế giới. Năm 2011 là năm đặc biệt với công ty này vì đã đạt doanh số xuất khẩu cao nhất (kể từ khi thành lập) với trên 140 triệu USD. Năm 2012, con số này tăng lên mức 180 triệu USD. Mỹ, Úc, Canada, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Irắc, Philippines, Hàn Quốc, Campuchia và Thái Lan... là những thị trường xuất khẩu chính của Vinamilk.
Trở lại với hệ thống các điểm kiểm soát chiến lược, rõ ràng các động thái tấn công và phòng thủ hiệu quả của công ty này cho thấy Vinamilk đang tạo ra tấm áo giáp hữu hiệu nhằm nâng cao và bảo vệ dòng lợi nhuận, chống lại những hiệu ứng tiêu cực từ đối thủ cạnh tranh và cả từ phía người tiêu dùng. Hệ thống các điểm kiểm soát này - từ ưu thế công nghệ, chi phí, kiểm soát kênh phân phối cho đến đa dạng sản phẩm với thương hiệu và bản quyền... hiện khá mạnh mẽ. Mỗi điểm kiểm soát này cũng đang được thiết kế nhằm giúp Vinamilk giữ vững lợi nhuận của mình trong hiện tại và tương lai. Đó cũng là tín hiệu cho thấy các đối thủ của Vinamilk sẽ rất khó khăn trong cuộc cạnh tranh với công ty này.
Theo Doanh nhân.