Hệ sinh thái đầu tư và startup của người được mệnh danh là “Alibaba Việt Nam”.

Có gần 2.000 nhân viên tại 8 quốc gia trong khu vực, giá trị giao dịch điện tử hằng năm của NextTech ước đạt 3 tỉ USD. Trên chiếc ghế nóng của sân chơi Thương Vụ Bạc Tỷ, tham vọng của nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn NextTech là hoàn thiện hệ sinh thái kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử.

Chiến lược đi trước 2-3 năm

Sẽ không quá lời khi nói rằng, Nguyễn Hòa Bình là một trong những người đặt những viên gạch đầu tiên cho thương mại điện tử Việt Nam. Từ sàn thương mại Chợ Điện Tử, Ví điện tử Ngân Lượng, FastGo, mPOS, Vimo... cho đến đưa eBay về Việt Nam trong giai đoạn hoàng kim của thương mại điện tử thế giới chỉ là một trong những dấu ấn của ông chủ công nghệ này.

Có lẽ đó chính là lý do trang công nghệ Technode, Trung Quốc, gọi ông là “Alibaba của Việt Nam”. “Tôi chỉ muốn là Nguyễn Hòa Bình của Việt Nam. Bản chất sự phát triển của thương mại điện tử Việt Nam rất khác Trung Quốc, khác cả thế giới. Con đường của tôi cũng vậy, hoàn toàn khác biệt”, anh nói.

Sinh năm 1981, ngay trong thời gian học công nghệ thông tin tại Đại học Quốc Gia Hà Nội và sau đó là Thạc sĩ tin học đô thị của Đại học Thành phố Osaka, Nhật, Hòa Bình đã bắt tay vào kinh doanh, nhưng chỉ kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ. Anh tiết lộ, từ Chợ Điện Tử đến NextTech, doanh nghiệp nằm trong danh sách 10 cái tên ảnh hưởng đến sự phát triển của internet tại Việt Nam là một hành trình dài. Đó là quá trình khởi nghiệp liên tục, một con đường đầy chông gai và thử thách, nhiều thành công lẫn thất bại. Nhưng anh hoàn toàn hài lòng với những gì đã diễn ra, nhất là những ngày điêu đứng nhìn đứa con tinh thần của mình suy yếu. Bởi vì, trong kinh doanh, kể cả những câu chuyện thành công lớn nhất cũng có thể có kết cục tồi tệ. Thế giới vẫn chứng kiến những đế chế hùng mạnh như Nokia, Yahoo... tụt dốc không phanh.

May mắn lớn của Nguyễn Hòa Bình là các dự án của anh không thất bại do biến cố đột ngột mà diễn ra theo quá trình thay đổi thói quen của người dùng. Nhờ chủ động đón đầu sự đổi thay, đón đầu khủng hoảng và quản trị được sự thay đổi nên anh kịp thời có những dự liệu cho các bước đi kế tiếp. “Con đường duy nhất để tồn lại là liên tục đi về phía trước. Tôi không ngại thất bại và sẵn sàng chấp nhận thất bại”, anh nói.

Kinh doanh trong môi trường internet vốn nhiều biến động, người sáng lập NextTech cho biết, chiến lược và cũng là văn hóa của doanh nghiệp này là lo xa, luôn đề ra những chiến lược đi trước thị trường từ 2-3 năm. Đồng thời, luôn trung thành với giá trị cốt lõi là công nghệ, bởi anh tin “mỗi người chỉ giỏi một nghề và nghề nào cũng cần tích lũy cả vốn liếng lẫn kinh nghiệm”. Đó chính là lý do, trong hệ sinh thái của NextTech, khách hàng sẽ thấy có rất nhiều ngành nghề, từ kinh doanh logistics, tài chính, ngân hàng, giao nhận... nhưng tất cả đều vận hành dựa trên công nghệ. Nguyễn Hòa Bình nhận xét rằng tất cả những dự án của mình là “hai mặt đối lập của một thể thống nhất”.

Cá mập của những kẻ phá bĩnh

NextTech Group là một hệ sinh thái sáng tạo khởi nghiệp, hoạt động trong 3 lĩnh vực chính: điện tử hóa thương mại, công nghệ tài chính, dịch vụ hậu cần cho thương mại điện tử. Người sáng lập Chợ Điện Tử, một trong những sàn giao dịch online đầu tiên của Việt Nam, quyết định thay đổi giấc mơ của mình sau khi nhận ra, thương mại điện tử là cuộc chơi gọi vốn đốt tiền, như kiểu chiến tranh phi nghĩa, dù thắng hay thua đều thiệt hại. “Tôi cũng không giỏi việc gọi vốn nên chọn con đường khác. Tham gia thương mại điện tử với một cách khác, gián tiếp bằng các dịch vụ liên quan thanh toán, tín dụng, giao nhận... PeaceSoft là nền tảng, là thời kỳ niên thiếu ngây thơ để có ngày trưởng thành như ngày hôm nay”, anh nói.

Không giỏi gọi vốn không có nghĩa là không giỏi đầu tư. Nhờ làm đa lĩnh vực nên anh phát hiện ra nhiều cơ hội kinh doanh mới, nhiều lĩnh vực. Chứng kiến nguy cơ doanh nghiệp nước ngoài vào lấn át doanh nghiệp trẻ, trong khi tiềm năng của đội ngũ khởi nghiệp Việt Nam không thiếu, anh tự thấy mình có trách nhiệm dìu dắt thế hệ sau. Vậy là Nguyễn Hòa Bình quyết định trở thành “ông bầu” cho người trẻ. Trong vai trò nhà sáng lập Quỹ Next100, anh chỉ “gửi vàng” cho những người có khả năng dùng công nghệ phá bĩnh hoặc tối ưu phương thức kinh doanh truyền thống, tạo ra giá trị gia tăng mới cho xã hội. Anh khẳng định: “Muốn lấy được đầu tư của tôi, các đội ngũ phải có năng lực thực thi, có tư duy sáng tạo, hiểu sâu vào lĩnh vực mình kinh doanh và có ý tưởng đột phá”.

Đó cũng là tiêu chí anh áp dụng khi ngồi trên ghế nóng của chương trình Thương Vụ Bạc Tỷ. Nhận xét về thế hệ doanh nghiệp trẻ hiện nay, Shark Bình cho biết, họ có kiến thức hơn, điều kiện hơn, thị trường cũng chín muồi hơn. Tuy nhiên, vẫn thiếu kinh nghiệm để tìm “long mạch” và thiếu hệ sinh thái, thiếu tiền để xây dựng được một doanh nghiệp phát triển. Do vậy, triết lý đầu tư của NextTech là “đầu tư cả hệ sinh thái khởi nghiệp, bao gồm kinh nghiệm quản lý như quản trị tài chính, quản lý nhân sự”... Một số dự án đáng chú ý của NextTech có thể kể đến như FastGo, Ngân Lượng, mPOS, Vimo...

Thiết lập quy trình giúp doanh nghiệp được đầu tư vào chiều sâu thay vì chỉ đầu tư tiền rồi startup tự bơi như các quỹ đầu tư khác. Nhờ vậy, các công ty thuộc hệ sinh thái của Next100 đều đang tăng trưởng tốt, hợp lực tốt với nhau, tạo nên giá trị lớn hơn rất nhiều. “Một nền kinh tế càng có nhiều người trẻ khởi nghiệp thì càng có nhiều hoạt động cải tiến, bởi bản chất của startup là tạo nên những giá trị mới. Tôi muốn được startup cho đến cuối đời”, anh nói.

* Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư

Pin It
Norman MacEwan

"Có người không bao giờ thất bại, vì anh ta không bao giờ chịu thử làm điều gì."

User Menu