Nhắc đến Apple, người ta nghĩ ngay đến Steve Jobs nhưng chính đồng sáng lập Apple thừa nhận, thành công của Táo khuyết đến từ Tim Cook.

Một ngày chủ nhật mùa thu năm 1997, Tim Cook nhận được cuộc gọi của một người bạn quen: “Tôi muốn nói với anh điều này”, giọng nói trong điện thoại vang lên. Đó là của Steve Jobs, đồng sáng lập lừng danh của Apple. “Khi nào”, Tim hỏi. “Ngay bây giờ”, ông nhận được câu trả lời

Steve Jobs muốn thuyết phục ông về với Apple. Tim Cook, khi đó đang làm việc cho Compaq và hoàn toàn không có ý định thay đổi công việc. “Tôi thực sự không muốn gặp Steve nhưng có thứ gì đó trong đầu thúc giục tôi. Hãy đến và gặp người đàn ông đó. Hắn là kẻ đã sáng tạo ra cả một ngành công nghiệp mà tôi đang tham gia”, Tim Cook chia sẻ với Fast Company về cách ông bị Steve Jobs thuyết phục.

“Đó là cuộc nói chuyện thú vị nhất tôi từng tham gia”, Cook nhớ lại.

- Cậu phải là CEO của công ty này – Steve Jobs

- Anh không muốn tiếp tục sự nghiệp lừng lẫy này nữa sao – Tim Cook

- Tôi chỉ nói đến đây, quyết định là ở cậu – Steve Jobs cười bí hiểm.

- Đợi đã, tôi có thể hỏi một câu được không? Ý của anh là nếu tôi muốn đăng một đoạn quảng cáo tôi thích, tôi không cần hỏi ý anh?

- Ồ, tôi hy vọng ít nhất anh có hỏi qua tôi – Steve Jobs phá lên cười.

- Anh có chắc chắn muốn làm điều này không? – Cook vẫn chưa dám tin vào những gì mình nghe được.

Mọi chuyện được quyết định sau vài cuộc gặp tiếp đó. Tim Cook trở thành Phó chủ tịch của Apple từ năm 1998 và chính thức bổ nhiệm chức vụ CEO từ năm 2011, sau khi Steve Jobs từ nhiệm.

ST2

NGƯỜI ĐƯỢC LỰA CHỌN

Quyết định đưa Tim Cook lên thành CEO Apple năm 2011 gây nhiều tranh cãi. Thời điểm Steve Jobs từ nhiệm, đã có nhiều cái tên được giới truyền thông đưa ra cho vị trí nóng bỏng tay này.

Cựu CEO Google, đồng thời từng là thành viên hội đồng quản trị Apple, Eric Schmidt được xem là ứng viên hàng đầu. Ông này thậm chí còn úp mở “từ chối bình luận” về “những cuộc nói chuyện riêng” thay vì từ chối thẳng thừng.

Tuy nhiên, chỉ một giờ sau khi lá thư từ nhiệm chức vụ của Steve Jobs vì lý do sức khỏe được gửi đến toàn bộ nhân viên Apple, website của hãng đã lập tức cập nhật chức vụ của Tim Cook là CEO, trong khi Steve Jobs trở thành Chủ tịch hội đồng quản trị, chức vụ chưa từng xuất hiện trong lịch sử Apple.

John Gruber – blogger theo dõi từng đường đi nước bước của Apple khi đó (hiện làm việc cho Bloomberg) – khẳng định đây là chiến lược dài hơi của Apple chứ không phải quyết định bổ nhiệm tạm thời vì lý do sức khỏe của Steve Jobs. Khi đó, người ta tất nhiên chưa được biết về cuộc nói chuyện cách đó 13 năm của bộ đôi này.

Đơn giản, Tim Cook là người được lựa chọn từ lâu bởi chính Steve Jobs trong cương vị chèo lái con thuyền Apple.

QUẢN LÝ CHUỖI SẢN PHẨM GIỎI NHẤT THẾ GIỚI

Đây là điều bất kỳ lãnh đạo nào tại thung lũng Silicon phải thừa nhận.

“Tim Cook đến, chúng tôi đơn giản là sáng tạo lại cách quản lý chuỗi sản phẩm của ngành công nghiệp PC”, Steve Jobs nhận xét ngắn gọn về người đồng nghiệp. Mỗi sản phẩm hoặc linh kiện tồn lại trong kho là một phần tốn kém, thay vì làm ra tiền.

“Về cơ bản, mọi doanh nghiệp đều muốn quản lý sản phẩm giống như kinh doanh sữa. Chỉ cần tồn kho thêm một ngày, hậu quả phải gánh chịu sẽ là tiền mặt ra đi”, Cook giải thích nguyên lý của mình.

ST3

“Giảm thiểu hàng tồn kho, đóng cửa kho, tối ưu dây chuyền sản xuất” là những gì Apple liên tục thực hiện thời kỳ sau 1997. Dự báo nhu cầu người dùng là cực kỳ quan trọng trong ngành công nghiệp máy tính, đặc biệt khi sản phẩm mới liên tục ra đời.

“Chúng tôi bán sạch những chiếc iPad 2 sản xuất ra”, Tim Cook chia sẻ trong buổi công bố báo cáo tài chính tháng 7/2011. Ông không chỉ bày tỏ sự hài lòng về doanh số sản phẩm mà còn khẳng định Apple không sản xuất hoặc lưu kho bất cứ chiếc iPad thừa nào so với số có thể bán.

Mặc dù thừa nhận tài năng siêu việt của Tim Cook trong việc quản lý chuỗi sản phẩm, giới phân tích vẫn không tin vào thành công của ông trong cương vị người dẫn dắt Apple.

“Làm cách nào để thay thế một người không thể thay thế?” Wired đặt câu hỏi? Cook là một vị CEO lạ lùng trong làng công nghệ. Với giới quan sát, những công ty như Apple, Google cần những người lãnh đạo quyết đoán, thậm chí độc đoán, thể hiện tầm nhìn chiến lược chứ không phải một “sale man” như Tim.

Mặc dù vậy, ông đã chứng minh cho cả thế giới thấy Apple dưới triều đại của ông thịnh vượng như thế nào. Nó đến từ những quyết định tưởng như nhỏ, nhưng tối ưu lợi nhuận cho hãng.

Sau phiên giao dịch ngày 6/9, giá trị vốn hóa của Apple đạt 836,3 tỷ USD, hơn gần 200 tỷ USD so với người xếp thứ 2 là Alphabet. Họ cũng là công ty đầu tiên đạt giá trị trên 800 tỷ USD.

CÁO GIÀ TRÊN THƯƠNG TRƯỜNG

Vào lúc 0h00 ngày 13/09 ( Giờ Việt Nam), Apple sẽ cho ra mắt iPhone 8 với giá bán có thể lên đến 1.000 USD. Cả thế giới tỏ ra lo lắng giùm cho Apple vì mức giá quá cao của sản phẩm. Các khảo sát gần đây cho thấy chỉ khoảng 15% người dùng iPhone sẵn sàng nâng cấp lên iPhone mới nếu nó có giá 1.000 USD.

Tuy nhiên, Barclays tin rằng “cáo già” Tim Cook sẽ có chiêu để chiếc iPhone 8 này bán chạy như tôm tươi còn người dùng vẫn cảm thấy được hưởng lợi. Mark Moskowitz – nhà phân tích của Barclays – dự đoán Apple sẽ tặng một năm miễn phí sử dụng dịch vụ Apple Music và 200 GB iCloud, trị giá 156 USD cho người mua iPhone 8. Giá sản phẩm, khi đó, chỉ được tính khoảng 844 USD.

ST4
Barclays dự đoán nếu bán với giá 1.000 USD thông thường, Apple chỉ bán được khoảng 40 triệu iPhone 8 nhưng với gói cộng thêm, số lượng máy bán ra có thể lên đến 64,4 triệu chiếc. Từ đó, số tiền Apple thu về có thể tăng thêm 9,8 tỷ USD. Quan trọng hơn, một khi kho nhạc và hình ảnh của người dùng đã bị khóa với iOS, còn ai muốn chuyển sang dùng Android.

Đây là chiến lược được Apple áp dụng nhiều lần dưới thời Tim Cook và chưa từng thất bại.

Năm 2013, với màn ra mắt có phần nhàm chán của iPhone 5S với thiết kế gần như không cải tiến so với iPhone 5, thứ khiến khán phòng vỗ tay ầm ầm là việc Apple tặng miễn phí bộ ứng dụng iWork có trị giá 10 USD.

Năm 2014, với việc tung ra iPhone các phiên bản dung lượng lần lượt 16, 64 và 128 GB (khai tử bản 32 GB), ước tính Apple kiếm thêm được hơn 3 tỷ USD vì lượng người mua iPhone 64 GB tăng đột biến.

CHƯA AI ĐƯỢC STEVE JOBS TÍN NHIỆM NHƯ THẾ

Trong suốt sự nghiệp lừng lẫy của mình, người ta chỉ thấy Steve Jobs không tiếc lời khen cho 2 người, cũng là cộng sự của mình: Tim Cook và Jony Ive. Trong khi Ive là một thiên tài thiết kế, người có nhiều điểm giống với Steve Jobs: Coi trọng sự hoàn hảo, độc đoán trong tính cách thì Tim lại có xu hướng bù trừ. Nói cách khác, Steve cần Tim Cook để biến Apple thành một đế chế không thể sụp đổ.

Nhìn vào cách Apple vận hành ngày nay, người ta mới thấy được tầm nhìn của Steve Jobs xa như thế nào khi chỉ định ông làm CEO Apple ngay từ ngày đầu gặp mặt. “Những con người của sản phẩm không phải là người đưa công ty tiến lên nữa. Đó phải là những anh chàng marketing hoặc người có thể mở rộng hoạt động công ty sang Mỹ Latin hoặc bất cứ đâu”, Steve Jobs phát biểu vào năm 2004.

ST5
Ít người biết chuyện 3 tháng sau khi Steve Jobs trở lại Apple, Giám đốc điều hành của công ty này nghỉ việc. “Tôi không tìm được ai làm tốt như anh ta đã làm, hoặc như tôi. Tôi đảm nhiệm thêm công việc này (khi đó đang làm CEO của Apple và Pixar) thêm 9 tháng trước khi tìm được một ai đó ưng ý. Người đó chính là Tim Cook. Và anh ta giữ vị trí đó cho đến bây giờ”, Steve Jobs chia sẻ với Businessweek năm 2004, khi được hỏi về vai trò của mình trong thành công của Apple.

Tim Cook cho biết ông nhớ nhất một câu nói của Steve Jobs: “Tôi không muốn anh hỏi tôi nên làm gì. Anh cứ làm những gì mình cho là đúng”. Đó là vào thời điểm tháng 8/2011, khi ông được yêu cầu chính thức nắm giữ chức vụ CEO của Apple, 2 tháng trước khi Steve Jobs qua đời. Nói cách khác, Steve đã phó thác hoàn toàn thứ tài sản giá trị nhất của mình cho Tim.

CEO CỦA MỘT CÔNG TY LỚN ĐẦU TIÊN TUYÊN BỐ ĐỒNG TÍNH

“Tôi cảm thấy tự hào khi là người đồng tính và coi đó là một trong những món quà vĩ đại nhất mà Chúa đã ban cho tôi”, Tim Cook chia sẻ với Business Week. Đây là lần đầu tiên CEO của một công ty nằm trong danh sách Fortune 500 tuyên bố mình là người đồng tính trước công chúng.

ST6

Đúng như những gì ông nói: “Trong suốt cuộc đời mình, tôi cố gắng hạn chế nói về chuyện riêng tư”. Ông tin rằng việc nghe tin CEO Apple – hãng công nghệ số một thế giới – là người đồng tính, nhiều người sẽ thấy tự tin hơn trong việc bộc lộ bản thân hay đòi hỏi sự công bằng.

Dưới con mắt của công chúng, ông là một người kiệm lời, hòa nhã. Ở Apple, ông được biết đến là một người thường xuyên gửi email vào 4h30 sáng và tổ chức các cuộc họp vào tối chủ nhật để chuẩn bị cho tuần tiếp theo.

Về đời sống cá nhân, ông là người cuồng tập gym, các hoạt động như đi bộ leo núi hoặc đạp xe. Theo Tim Cook, Steve Jobs là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời ông.

Năm 2009, Cook từng đề nghị hiến một phần gan của mình cho Jobs để trị bệnh ung thư vì cả 2 có chung nhóm máu hiếm. Steve Jobs khi đó đã hét lên: “Tôi không bao giờ để anh làm điều đó. Tôi cũng sẽ không bao giờ làm điều đó”.

Nhiều năm giữ chức vụ cao cấp tại Apple – công ty giá trị lớn nhất thế giới nhưng Tim Cook không có tên trong danh sách các tỷ phú thế giới. Số tài sản ước tính của ông đạt khoảng 800 triệu USD (tính đến cuối 2016). Ông dự định dùng toàn bộ số cổ phiếu Apple của mình để làm từ thiện.

Năm 2015, ông được Fortune vinh danh là lãnh đạo quyền lực nhất thế giới.

Nguồn: Internet

Pin It
Thomas A. Edison

"Thiên tài là một phần trăm cảm hứng cộng với chín mươi chính phần trăm mồ hôi."

User Menu