Một hội chợ mua sắm và ẩm thực Thái Lan nữa vừa khép lại mới đây. Giữa thời buổi người ta ngao ngán chất lượng các hội chợ tiêu dùng và đi cùng là không khí đìu hiu của nó, thì nhìn cảnh nhộn nhịp của hội chợ hàng Thái nói trên, những nhà kinh doanh hội chợ… phát ham.

Trong năm ngày diễn ra hội chợ, ngày nào cũng thế, tận 10 giờ đêm vẫn còn cảnh người chen chúc, kẻ tiếc rẻ. Tới mức, ban tổ chức phải hò hét buộc các gian hàng ngừng bán, đóng bớt cửa chính để người mua không thể vào.

Thời tiết buổi chiều và tối mùa này không thuận lòng người. Mưa bên ngoài tầm tã, bên trong mặt sân sũng nước, khách đứng ngồi chật ních ở khu ẩm thực, tiếng hát của danh ca Giao Linh vang vang, xen giữa là tiếng reo của người hâm mộ... Nhìn cái cách người tiêu dùng hưởng ứng nhiệt tình với hội chợ này, ngay cả khi thời tiết ẩm ướt như vậy đáng lẽ nên ở nhà, cho thấy hàng Việt Nam sẽ còn phải chật vật lâu dài với đối thủ hàng Thái, ngay trên sân nhà.

Hãy quên đi những ngụy biện rằng người tiêu dùng sính ngoại. Hàng Thái chưa bao giờ được xem là hàng cao cấp hay hàng hiệu. Từ bột giặt, nước giặt, dầu gội, sữa tắm, kem đánh răng, đến quần áo, giày dép, đồ nhựa gia dụng…, người tiêu dùng Việt Nam ở phân khúc bình dân và tầm trung vẫn mê hàng Thái. Mỗi ngày, biết bao chị em đổ ra các chợ vùng biên Campuchia để mua hàng đống sản phẩm made in Thailand để... dùng cho cả năm và cho-tặng-biếu anh em bà con.

D3

Doanh nghiệp Việt cần chạm đến trái tim và lý trí của người tiêu dùng. Ảnh: Thành Hoa.

Chừng hai năm gần đây, hàng Thái tràn vào Sài Gòn không chỉ qua đường tiểu ngạch mà ngày càng nhiều các doanh nghiệp nhập khẩu chính ngạch. Hàng loạt cửa hàng, sạp bán hàng Thái mọc lên ở các chợ, khu dân cư, tấp nập khách cả ngày. Những mặt hàng chính dường như không mới, vẫn hóa mỹ phẩm, nhựa gia dụng, thực phẩm, dầu xức, bánh kẹo, giày dép, áo quần…

Hãy quên đi những ngụy biện rằng xài hàng Thái là thói quen. Kem trang điểm “cô gái tóc xù”, “kem sâm” của Thái Lan vẫn ngự trị thị trường làm đẹp dành cho chị em miệt vườn hay thị dân hẻm nhỏ. Chẳng có thói quen nào giữ chân nổi một người tiêu dùng giữa rừng quảng cáo sản phẩm mỗi ngày hiện nay. Thử hỏi một bà nội trợ đang khệ nệ ôm sản phẩm đi ra từ một cửa hàng Thái Lan là rõ: “Tôi mua hàng Thái vì ngon-bổ-rẻ”. Với thị trường bình dân, rẻ và bền là hai tiêu chí tiên quyết.

Hãy nhìn những đôi sandal chất liệu cao su tổng hợp của Thái Lan cho mùa mưa này, không còn đơn điệu như đôi dép Lào kẹp ngón năm xưa, có khi những mẫu mới nhất của Zara, Mango, Stradivarius còn thua, vậy mà giá chỉ 120.000-240.000 đồng. Chất lượng cao su Thái thì... khỏi bàn. Cũng như vậy, hàng thun của Thái không ra màu, không giãn cổ, dù là hàng chợ, giá chợ, chỉ từ vài chục ngàn tới hơn trăm ngàn đồng.

Nếu có dịp qua Bangkok, lạc lối giữa những trung tâm thương mại bình dân như Siam Paragon, Platinum, Pratunum hay chợ trời Chatuchak, thậm chí chợ đêm lề đường hay tận vùng quê Thái Lan hẻo lánh, bạn sẽ thấy hàng chợ giá bèo vẫn bền đẹp. Chiếc áo sơ mi giá khoảng 100.000-180.000 đồng tiền Việt Nam, hay cái khăn giá 60.000 đồng có thể yên tâm xài “hết đời ta chưa tới ba đời nó”. Có thể một quý cô sẽ bĩu môi hàng Thái lòe loẹt, đường nét chưa tinh xảo, nhưng người tiêu dùng bình dân đâu quá chú ý điều ấy.

Thương hiệu nếu nằm lòng người tiêu dùng, chẳng sớm thì muộn sẽ lan xa, lan rộng. Đó là cách làm hàng chợ chậm mà chắc của người Thái.

Quan sát thị trường hàng Thái, nhất là hàng thời trang, mỹ phẩm, có thể thấy người Thái làm hàng nhái giỏi không thua người Trung Quốc. Nhưng hình như họ vẫn còn “cái tâm” để người mua dùng được, chứ không phải cái áo vừa xỏ đã toác chỉ ở chợ sỉ thời trang phân khúc bình dân tại TPHCM.

Người Việt mua hàng chợ của người Việt sản xuất là xác định không có chuyện bền đẹp. Sắm quần đồng phục cho con phải lo mà may lại cái đũng, nếu không bé chạy nhảy vài buổi là toạc chỉ. Mua bộ đồ mặc nhà phải cắt những sợi chỉ dư lờm xờm, kẻo lỡ nó vướng đâu đó lúc đi chợ, rút một cái là tanh bành. Mua một đôi dép nhựa hay cái vá nhựa xới cơm, phải lấy dao gọt những phôi nhựa dư thừa, nếu không sẽ xước chân tay như chơi.

Thật buồn khi nhiều cơ sở sản xuất hàng Việt Nam, thậm chí là doanh nghiệp có tiếng vẫn quan niệm “tiền nào của đó”. Hàng giá thấp thì cho ra chất lượng tồi, mau xuống mẫu mã, mau hỏng hóc. Dường như đây chính là tư duy sản xuất của người hàng xóm Trung Quốc: bán được hàng đã, không quan tâm người ta có sử dụng món hàng không, có lâu bền không.

Tiền nhỏ nhưng chất lượng tốt, lợi nhuận trước mắt có thể chưa cao nhưng lâu dài, bền bỉ sẽ “năng nhặt chặt bị”. Doanh thu ăn nhờ số lượng lớn, vì thị trường bình dân vốn mênh mông, vì người nghèo xứ nào cũng tới 70-80% dân số. Thương hiệu nếu nằm lòng người tiêu dùng, chẳng sớm thì muộn sẽ lan xa, lan rộng. Đó là cách làm hàng chợ chậm mà chắc của người Thái.

Hàng Việt nỗ lực nhiều lắm. Người Việt yêu nước và muốn dùng hàng Việt lắm. Nhưng người nghèo phải tính từng xu cho mỗi khoản chi tiêu. Sự lựa chọn sẽ là của lý trí chứ không còn là con tim nữa. Mong lắm các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng Việt Nam chú ý tới kinh nghiệm “đi vào lòng dân nghèo” của người Thái.

* Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn

Pin It
Nguyên tắc vàng:

"Ngay cả khi mọi thứ đều thuận lợi, doanh nghiệp có kế họach marketing thường tạo ra được nhiều lợi nhuận hơn doanh nghiệp không có"

User Menu