Hai cái tên doanh nghiệp ô tô được nhắc đến nhiều về sự bứt phá trong thời gian qua là Trường Hải (Thaco) và VinFast.
Dù thời điểm xuất phát cách nhau đến 20 năm nhưng cả hai cùng chọn cách mua bán và sáp nhập (M&A), cùng đầu tư mạnh vào công nghệ cao, tăng tỷ lệ nội địa hướng đến không chỉ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ô tô.
M&A để phát triển
Trái ngược với làn sóng thâu tóm của khối ngoại đối với doanh nghiệp nội tại lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh, trong ngành ô tô, Thaco và VinFast làm điều ngược lại. Nhờ những thương vụ M&A mà 2 doanh nghiệp này đã mở rộng hoạt động, tăng khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế.
Thành lập năm 1997 với quy mô nhỏ, Thaco chủ yếu nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng về tân trang rồi bán ra thị trường kết hợp với cung cấp linh kiện, phụ tùng. Cũng nhờ cách làm này mà Thaco đã tồn tại và phát triển trong môi trường tập trung các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2001, Trường Hải được Tracimexco đầu tư thành lập công ty sản xuất, lắp ráp ô tô tải thương hiệu KIA.
Tiếp đó, doanh nghiệp này đầu tư vào các loại xe khách, xe buýt, và sau khi xây dựng nhà máy ở Chu Lai cùng chiến lược M&A, Thaco đã không ngừng lớn mạnh.
Ngành ô tô có sự tham gia của hầu hết các doanh nghiệp FDI. Ảnh: X. Toàn.
Trên nền tảng thành công của xe thương mại và du lịch KIA, Thaco thâu tóm Mazda Việt Nam - một thương hiệu được đánh giá có phân khúc cao cấp hơn KIA bằng việc thành lập nhà máy sản xuất Vina Mazda với vốn đầu tư hơn 20 triệu USD.
Sau thành công với Mazda, năm 2013, Thaco hợp tác sản xuất và lắp ráp xe Peugeot - một thương hiệu ô tô lâu đời và nổi tiếng tại châu Âu. Ngay sau đó, Thaco đã thâu tóm Fuso - một thương hiệu xe tải cao cấp từng do Mezcedes-Benz Việt Nam nắm giữ nhiều năm.
Tiếp đà thành công đó, đầu năm 2018, Thaco sở hữu 2 thương hiệu xe sang BMW và MINI đến từ Đức. Như vậy, đến nay, trong ngành ô tô, Thaco là doanh nghiệp sở hữu nhiều thương hiệu xe hơi nổi tiếng thế giới tại Việt Nam với KIA, Mazda, Peugeot, Fuso, BMW, MINI.
Thaco cũng là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam sở hữu gần đủ các loại ô tô, từ xe tải, xe khách, xe du lịch ở các phân khúc xe bình dân, cấp trung và cả xe sang.
Năm 2017, khi Bộ Công Thương thừa nhận mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô thất bại thì bất ngờ Vingroup tuyên bố tham gia lĩnh vực này bằng việc khởi công tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast tại Khu kinh tế Cát Hải - Hải Phòng với tổng vốn đầu tư lên đến 3,5 tỷ USD.
Và dù mới "chào sân" nhưng VinFast đã chọn M&A để phát triển. Cuối tháng 6/2018, VinFast công bố mua lại GM Việt Nam - một thương hiệu ô tô Mỹ có mặt tại Việt Nam từ những ngày đầu nước ta xây dựng ngành công nghiệp ô tô. Với thương vụ này, VinFast đã sở hữu nhà máy sản xuất và hệ thống phân phối 22 đại lý của GM tại Việt Nam.
Nhà máy Ô tô Thaco Mazda đã hoạt động trong tháng 3 vừa qua. Ảnh: X. Toàn.
Qua thương vụ này, VinFast có ngay hệ thống phân phối cho kế hoạch đưa những chiếc xe đầu tiên đến với người tiêu dùng trong năm 2019. Và như vậy, VinFast cũng đồng thời có được 2 thương hiệu ô tô dù thời gian thành lập chưa được bao lâu.
Đầu tư công nghệ cao
Trong khi các doanh nghiệp FDI dần chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu ô tô để kinh doanh thì Thaco vẫn xây dựng chiến lược phát triển bền vững theo xu hướng của ngành công nghiệp 4.0. Trong đó, nhà máy Thaco Mazda mới đưa vào hoạt động trong tháng 3 vừa qua được trang bị thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại, tự động hóa và công nghệ mới nhất như dây chuyền hàn bằng robot với công nghệ hàn laser, dây chuyền lắp ráp 80% tự động.
Đặc biệt, nhà máy áp dụng hệ thống điều hành sản xuất trên nền tảng số hóa, kết nối với dây chuyền tự động toàn nhà máy với thông tin xuyên suốt chuỗi giá trị từ đặt hàng, sản xuất và bàn giao theo yêu cầu của khách hàng, hướng đến mô hình nhà máy thông minh. Không chỉ có nhà máy Thaco Mazda mà 20 nhà máy sản xuất linh kiện, lắp ráp ô tô của doanh nghiệp này đều trang bị dây chuyền hiện đại, áp dụng công nghệ 4.0.
Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2018, Thaco công bố sẽ trở thành tập đoàn với nhiều mảng kinh doanh nhưng cốt lõi vẫn là sản xuất ô tô. Theo Chủ tịch HĐQT Trần Bá Dương, việc trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành với nhiều lĩnh vực sẽ tạo dựng một hệ sinh thái đa dạng, cùng hợp lực bổ trợ cho lĩnh vực ô tô tăng tốc.
Robot được sử dụng trong nhà máy của Thaco. Ảnh: X. Toàn.
Tương tự, các nhà máy sản xuất của VinFast được nhà đầu tư này công bố sẽ được trang bị công nghệ 4.0. Với mục tiêu trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á với công suất thiết kế lên đến 500.000 xe/năm vào năm 2025, VinFast đã ký kết với Siemens (Đức) xây dựng nhà máy số hiện đại theo định hướng cách mạng công nghiệp 4.0 như các nhà máy sản xuất của các thương hiệu nổi tiếng thế giới là Mercedes, BMW, Maserati, Volkswagens...
Theo lãnh đạo của VinFast, các nhà máy sản xuất của doanh nghiệp này sẽ trang bị công nghệ mới nhất, có mức độ tự động hóa cao, các phần mềm ưu việt có khả năng quản trị và tích hợp xuyên suốt chuỗi giá trị (từ khâu lên ý tưởng thiết kế, thử nghiệm sản phẩm cho đến lập kế hoạch sản xuất, thiết kế dây chuyền sản xuất, điều hành sản xuất, quản trị hậu cần, hậu mãi).
Tăng tỷ lệ nội địa
Với sự đầu tư bài bản, cả Thaco lẫn VinFast cùng quyết tâm tăng tỷ lệ nội địa hóa linh kiện, phụ tùng để cạnh tranh với xe các nước trong ASEAN khi thuế xuất nhập khẩu ô tô nội khối về 0%.
Ông Võ Quang Huệ - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết, VinFast chủ trương phát triển đồng bộ 3 lĩnh vực liên quan chặt chẽ đến việc xây dựng ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ, gồm nghiên cứu và phát triển (R&D), đào tạo, sản xuất ô tô và phát triển khu công nghiệp phụ trợ. Cả 3 lĩnh vực trên đều được phát triển song song, và về lâu dài, trung tâm R&D sẽ là nơi để VinFast hỗ trợ các nhà cung cấp trong nước sản xuất một số linh kiện và làm chủ công nghệ.
Sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hoàn thành. Ảnh: X. Toàn.
"Để thu hút nhà đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện tại khu công nghiệp phụ trợ của VinFast, chúng tôi thành lập bộ phận nội địa hóa để đàm phán và hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc nghiên cứu tính khả thi, chuẩn bị hồ sơ, thủ tục để triển khai. VinFast sẽ dành khoảng 30% diện tích cho các nhà cung cấp phụ kiện tại đây. Ngoài phần tự đầu tư 100% vốn, VinFast sẵn sàng hợp tác khi các nhà đầu tư đạt được các yêu cầu về chất lượng sản phẩm, giá cả và giao hàng", ông Võ Quang Huệ chia sẻ.
Để thực hiện kế hoạch này, VinFast đã ký với các đối tác công nghệ hàng đầu thế giới như Siemens, Bosch, BMW, AVL để trang bị máy móc, thiết bị, phần mềm hiện đại nhất cho sản xuất. VinFast cũng đã thuê chuyên gia là cựu phó chủ tịch điều hành sản xuất toàn cầu của General Motor (Mỹ) làm CEO.
"Tất cả là nhằm mang đến cho khách hàng những sản phẩm không chỉ đảm bảo chất lượng, an toàn mà còn có những tiện ích, công nghệ lái hấp dẫn không thua kém các dòng xe đẳng cấp cao trên thế giới", đại diện VinFast cho biết.
Với mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu 40% cho xe con và hướng đến xuất khẩu sang các nước ASEAN mà ông Trần Bá Dương đặt ra, Thaco sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng và nâng cấp các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô đồng thời với việc liên doanh sản xuất linh kiện, phụ tùng. Hiện tại, Thaco là một trong 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (theo báo cáo của VNR500 năm 2017), trong khi đó các kế hoạch đầu tư của VinFast được cho sẽ tạo cú hích cho ngành ô tô Việt Nam.
* Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn