Theo các chuyên gia bán lẻ, ngày càng nhiều khách hàng tìm kiếm trực tuyến sau đó mua sắm thực tế cũng như tìm kiếm thực tế sau đó mua sắm trực tuyến.
Do đó, các DN bán lẻ đều cần tái cấu trúc hệ thống logistics của mình, để đáp ứng các yêu cầu trải nghiệm của khách hàng đa kênh.
Bản thân các nhà bán lẻ đa số đều ủy thác cho các công ty phân phối chuyên nghiệp
Bản thân các nhà bán lẻ đa số đều ủy thác cho các công ty phân phối chuyên nghiệp. Điều này cho thấy, ngành dịch vụ logistics phải phát triển theo hướng phục vụ các loại hình bán lẻ đa kênh chứ không thuần túy cho một loại hình thương mại nhất định. Chuyên gia về chiến lược Đỗ Hòa nhận định, TMĐT phát triển sẽ làm thay đổi cục diện bản chất của ngành này.
Khi các kênh mua bán điện tử tăng lên, kênh truyền thống sẽ giảm xuống. Lượng hàng lưu kho không thay đổi nhưng sẽ chuyển từ những đơn hàng lớn thành những đơn hàng nhỏ. Số lượng hàng hóa sẽ bị xé lẻ ngay từ kho, vận chuyển bằng các phương tiện nhỏ lẻ thay vì phương tiện lớn với đơn hàng lớn như giao nhận truyền thống. Điều này sẽ mở ra cơ hội cho các DN nhanh nhạy nắm bắt thị trường, có năng lực tổ chức, định vị mô hình dịch vụ phù hợp với đặc thù của TMĐT.
Tuy nhiên ông Hòa nhận định, sự bùng nổ của TMĐT cũng mang đến rất nhiều thách thức đối với các DN logistics Việt. Thứ nhất, phải khẳng định đây là cuộc chơi của những “đại gia” mạnh về vốn. Bản thân TMĐT cũng đang trong giai đoạn “nín thở” để “phình bụng to ra”, tức đổ tiền vào, chấp nhận chịu lỗ để giành thị phần. Đây là chiến lược kinh doanh chung, trụ được lâu hay không do yếu tố tài chính quyết định. DN trong nước hầu hết đều là các DN nhỏ lẻ, không có đủ nguồn lực, đội xe để ký hợp đồng bao hết cho một chuỗi bán lẻ online nào đó. Các DN kinh doanh online cũng nhỏ lẻ, sẽ sử dụng manh mún mỗi gói một dịch vụ. Nên cứ “anh” nào giàu, tiềm lực lớn, ký được hợp đồng lớn bao toàn bộ thì “anh” nhỏ sẽ thua. Bên cạnh đó, vì nhỏ lẻ nên hình thức vận chuyển của các DN nội không đa dạng. Chưa có DN logistics nào của VN bao được toàn bộ các hình thức vận chuyển từ hàng không đến đường bộ, đường sắt, đường thủy để đáp ứng nhu cầu lựa chọn đa dạng của khách hàng.
Để giải quyết các khó khăn trên, các công ty vận tải phải thay đổi mô hình kết nối dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin, từ đó hình thành những DN lớn tích hợp, kết nối được các phương tiện giống mô hình của Grab. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách liên kết, tận dụng thế mạnh của nhau để tạo thành các chuỗi dịch vụ khép kín, đủ sức “đấu” với các DN mạnh nước ngoài.
“Liên kết là giải pháp hữu hiệu nhất đã được đưa ra trong rất nhiều cuộc hội thảo liên quan đến ngành logistics nhưng đến giờ vẫn chưa làm được do các DN không thương lượng, không thỏa thuận được. Nguyên nhân cốt lõi là do môi trường kinh doanh không minh bạch, nhiều cửa, nhiều sổ sách khai thuế dẫn đến các đối tác không tin tưởng lẫn nhau. Chỉ khi nào nhà nước tạo ra được môi trường kinh doanh minh bạch thì mới mong có thể liên kết dịch vụ logistics”, ông Hòa nhấn mạnh.
Chuyên gia chiến lược Đỗ Hòa
Nguồn: Thanh Niên