Digiworld có kế hoạch đẩy mạnh M&A ở các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn 20% so với mình, trong các ngành như y tế, gia dụng, F&B. Hãng đang theo đuổi một vài thương vụ và kỳ vọng có thể chốt được 1-2 thương vụ M&A trong năm nay.

Bước ra khỏi vùng an toàn, Digiworld, Thế Giới Di Động, FPT Retail đã có những bước tiến ngoạn mục.

Công ty Cổ phần Thế giới số (Digiworld) vừa trải qua quý I ấn tượng. Doanh thu ước tăng 40%, đạt gần 7.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ, đạt 210 tỉ đồng. Thế Giới Di Động cũng ghi nhận doanh thu, lợi nhuận ròng tăng khá mạnh trong 2 tháng đầu năm 2022.

Hai công ty này đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong năm 2022. Nếu Thế Giới Di Động đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế tăng 30%, lên 6.350 tỉ đồng, thì Digiworld dự kiến lãi ròng đạt khoảng 800 tỉ đồng, tăng 22%. Riêng FPT Retail (FPT) đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm nay là 720 tỉ đồng, tăng 30% so với năm 2021. Quý I/2022, lãi trước thuế của FPT tăng gấp 5 lần cùng kỳ.

Mạnh dạn đặt mục tiêu kinh doanh khá cao vì các doanh nghiệp này đều đã có chiến lược phát triển riêng. FPT, chẳng hạn, dự định thử nghiệm các điểm bán PC Gaming nhằm hoàn thiện hệ sinh thái máy tính. Nhà bán lẻ này tiếp tục đầu tư mở rộng, tăng độ phủ, nâng cao chất lượng, tốc độ phục vụ để có được 717 cửa hàng FPT Shop vào cuối năm 2022.

Ở mảng bán lẻ dược phẩm, FPT nhắm đến mở rộng khoảng 50 sản phẩm độc quyền/nhãn riêng trong năm 2022 và nâng tổng số nhà thuốc Long Châu lên khoảng 700. FPT cũng dự tính sẽ triển khai mô hình kinh doanh mạng di động ảo, đẩy mạnh bán hàng B2B2C cho khách hàng là nhân viên FPT và các công ty đối tác của FPT với những ưu đãi đặc biệt.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Digiworld không giới hạn mình ở lĩnh vực ICT mà mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn. Công ty cũng không muốn bị phụ thuộc vào một vài thương hiệu lớn như Xiaomi, Apple, Huawei... Chiến lược sắp tới của Digiworld là tiếp tục sàng lọc, tìm kiếm các đối tác phù hợp, tham gia phát triển thị trường cho nhiều nhãn hàng và mở rộng ngành hàng mới.

Digiworld có kế hoạch đẩy mạnh M&A ở các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn 20% so với mình, trong các ngành như y tế, gia dụng, F&B. Hãng đang theo đuổi một vài thương vụ và kỳ vọng có thể chốt được 1-2 thương vụ M&A trong năm nay.

Ảnh minh hoạ: Quý Hoà

Digiworld đã trở thành nhà phát triển thị trường cho các sản phẩm điện gia dụng của Whirlpool. Mối quan hệ hợp tác giúp này mở ra cơ hội cho Digiworld tham gia lĩnh vực thiết bị gia dụng. Đây là ngành có nhiều tiềm năng với quy mô khoảng 2,4 tỉ USD. Trước mắt, 2 bên vừa mở cửa trung tâm huấn luyện bán hàng đầu tiên tại Việt Nam. Lâu dài hơn, Digiworld đặt mục tiêu chiếm 10% thị phần của ngành này.

Ở cái bắt tay với TCL, Digiworld là nhà phân phối cho 2 thương hiệu Alcatel và TCL. Digiworld và Microsoft cũng đã trở thành đối tác chiến lược của nhau trong phân phối Key điện tử ESD. Trong ngành FMCG, Công ty sẽ ra mắt một nhãn hàng trong năm nay. Với ngành dược và thiết bị y tế, Digiworld đang xây dựng nền tảng để đến năm 2025 có thể lọt vào Top 3 nhà phân phối sản phẩm dược, thiết bị y tế.

Thế Giới Di Động là công ty theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cao nhất. Trong thư gửi cổ đông, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nguyễn Đức Tài cho rằng: “Đại dịch COVID-19 tuy tạo ra khó khăn, thách thức chưa từng có nhưng cũng là động lực cho những đổi mới sáng tạo mang tính bước ngoặt để doanh nghiệp tiếp tục tồn tại và phát triển vượt bậc trong tương lai”.

Thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh, Thế Giới Di Động đưa vào thử nghiệm mô hình 4KFarm, tức chuyển giao công nghệ và hỗ trợ nông dân trồng rau an toàn “4 không”. Công ty cũng thử nghiệm cửa hàng siêu nhỏ – Điện Máy Xanh Supermini. Gần đây nhất, công ty ra mắt hàng loạt thương hiệu AVAKids, AVASport, AVAFashion, AVAJi và AVACycle.

Theo lãnh đạo Thế Giới Di Động, các chuỗi này đang có bước khởi đầu thuận lợi và kỳ vọng, sau khi thử nghiệm thành công có thể đóng góp doanh thu và lợi nhuận từ năm 2023. Riêng chuỗi Bách hoá Xanh đã vượt mốc 1 tỉ USD doanh thu, lọt vào Top 3 nhà bán lẻ thực phẩm và tiêu dùng lớn nhất Việt Nam với hơn 2.000 điểm bán và chính thức hoà vốn ở cấp độ công ty.

Kế hoạch sắp tới của công ty này giai đoạn 2022-2023 là chào bán riêng lẻ tối đa 20% vốn cổ phần ở Bách hoá Xanh để có thêm vốn đầu tư trung tâm phân phối, tài sản cố định, công nghệ, đầu tư kênh bán hàng online và mở rộng chuỗi Bách hoá Xanh ra toàn quốc. Còn chuỗi nhà thuốc An Khang cũng đã hợp nhất vào Thế Giới Di Động từ cuối năm 2021 và có mặt ở 25 tỉnh, thành. Năm 2022, công ty dự kiến sẽ đầu tư mạnh về tài chính lẫn lãnh đạo chuyên trách cho chuỗi nhà thuốc An Khang. Thế Giới Di Động cũng sẽ đẩy mạnh phát triển mạng lưới cộng tác viên đại lý và tiếp tục khai thác cửa hàng điện máy ở nước ngoài. Sau gần 5 năm mở rộng thị trường sang Campuchia với chuỗi cửa hàng Bigphone (hiện đổi thành Bluetronics), Công ty dự tính mở cửa hàng tại Indonesia ngay năm nay.

Dù cùng lúc phải triển khai đầu tư nhiều mảng nhưng lãnh đạo Thế Giới Di Động vẫn không quên đầu tư cho là các dự án có tính chất “hạt giống” mới như dịch vụ sửa chữa – bảo hành, dịch vụ logistics và mảng nông nghiệp 4KFarm... Bởi đây mới là những ngành có thể thúc đẩy tăng trưởng và giúp Thế Giới Di Động tạo ra đột phá.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư

Pin It
Theodore Levitt

"Không có cái ngành kinh doanh nào gọi là ngành dịch vụ cả. Chỉ có những ngành mà phần dịch vụ đóng góp nhiều hơn hay kém hơn các ngành khác. Mọi người đều làm dịch vụ"

User Menu