Báo cáo Vietnam Insight 2022 của Kantar cũng chỉ ra rằng, kênh online đang có một sự tăng trưởng đáng nể ở Việt Nam khi mất 9 năm để đạt được 1% thị phần nhưng chỉ mất 3 năm kể từ 2019 để tăng thêm 4% thị phần.
Những “lối thoát” cho bán lẻ hiện đại khỏi thời kỳ khó khăn chính là mô hình O2O, nơi trải nghiệm và nhu cầu người tiêu dùng chính là “chìa khoá”.
Xu thế tất yếu
O2O (Online to Offline) là mô hình được các nhà bán lẻ sử dụng để thu hút khách hàng tiềm năng từ các kênh trực tuyến đến với cửa hàng của mình. Đây là mô hình mà doanh nghiệp sẽ sử dụng các công cụ trực tuyến, các phương tiện khác để tiếp cận và từ đó tác động vào hành vi mua sắm của khách hàng để tăng trưởng doanh thu.
Có thể nói O2O là một khái niệm được nhắc đến khá nhiều trong thời gian gần đây, nhất là khi ngành bán lẻ Việt Nam đang có sự khôi phục ấn tượng trong quý I/2022. Theo báo cáo từ Vietdata, mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1,318 nghìn tỉ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt trong tháng 3, hoạt động thương mại và dịch vụ khá sôi động, ước tính đạt 438 nghìn tỉ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ. Nhận định từ ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam khẳng định, có một sự thật là thị trường bán lẻ truyền thống vẫn trong tình trạng ảm đạm, với xu hướng dịch chuyển rõ ràng sang các kênh trực tuyến đang gia tăng nhanh chóng. Việc tái khởi động sẽ loại bỏ các người chơi cơ hội và cho phép các nhà bán lẻ có năng lực trở nên vững chắc và đây cũng là tiền đề cho sự lên ngôi của mô hình O2O.
Theo chia sẻ từ ByteTech – đơn vị chuyên cung cấp giải pháp công nghệ trong quản lý và sử dụng dữ liệu khách hàng, bài toán đầu tiên cho mô hình O2O mà ngành bán lẻ Việt Nam đang giải đáp chính là tạo ra trải nghiệm số hoá liền mạch trong đa kênh. Dù O2O là một khái niệm quen thuộc trong thời gian gần đây, tuy nhiên, cũng có rất nhiều định nghĩa gây nhầm lẫn, ví dụ mua online lấy hàng tại cửa hàng là offline, lấy voucher hoặc ticket online và sử dụng ở cửa hàng (offline), O2O là Offline to Online… Dĩ nhiên mọi thứ không đơn giản như vậy.
Ngành bán lẻ đang bước vào giai đoạn hồi phục và mô hình O2O đang khẳng định sức mạnh từ thế giới ảo sang đời thực
Ảnh: Biznow
“Khi bắt đầu giải pháp Online to Offline các chủ doanh nghiệp thường rất hào hứng. Họ sẽ biết được khách hàng đến do quảng cáo nào, tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra ngay sau đó là: ‘Rồi chúng ta làm gì tiếp theo?’. Câu hỏi này sẽ bắt nguồn cho hàng loạt phân tích như thuơng hiệu, kênh phân phối, chiến lược tối ưu tỉ lệ chuyển đổi…và theo đó, những nhà bán lẻ nào có sẵn công nghệ để ‘hiểu’ khách hàng tốt nhất sẽ là người giành chiến thắng”, đại diện ByteTech cho biết.
Báo cáo Vietnam Insight 2022 của Kantar cũng chỉ ra rằng, kênh online đang có một sự tăng trưởng đáng nể ở Việt Nam khi mất 9 năm để đạt được 1% thị phần nhưng chỉ mất 3 năm kể từ 2019 để tăng thêm 4% thị phần. Trên thực tế, sự xuất hiện của O2O đã góp phần không nhỏ vào thành quả này, bởi chính ứng dụng nền tảng công nghệ đã tạo ra nhận thức rõ nét cho khách hàng về sản phẩm, dịch vụ trên các kênh trực tuyến trước khi quyết định tìm hiểu thêm tại cửa hàng vật lý.
Thay đổi để thích nghi
Với bối cảnh ngành bán lẻ tiếp tục chuyển dịch trong thời kỳ “bình thường mới”, điều các thương hiệu cần chính là sự thích nghi nhạy bén để sống còn và duy trì lợi thế cạnh tranh. Trải nghiệm khách hàng càng ngày càng đa dạng hướng doanh nghiệp đến mục tiêu đầu tư cho hành trình mua sắm riêng biệt theo hành vi tiêu dùng, từ đó thiết kế những điểm chạm đắt giá, “bủa vây” cảm tính lẫn lý tính để thuyết phục khách hàng ra quyết định.
Đơn cử như Walmart, bài học để phát triển thành công mô hình O2O chính là việc đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ thu thập dữ liệu khách hàng. Từ việc phân tích sở thích, nhu cầu từ bề mặt đến sâu sắc của người tiêu dùng, thương hiệu này đã cải thiện dần mô hình kinh doanh cũng như sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng thị hiếu, hỗ trợ tăng trưởng bền vững.
Nguồn: CNBC
Bên cạnh đó, tại Việt Nam, kinh doanh đa kênh từ Online đến Offline hiện đang là một xu thế tất yếu. Hiện các đơn vị quốc nội quen thuộc như CellphoneS, Saigon Coop… đang dần tiếp cận và thực hiện quá trình chuyển đổi số từ quản trị vận hành đến chiến lược kinh doanh bán hàng nghiêm túc và chuyên nghiệp. Đơn cử như quá trình phát triển kênh bán hàng, mô hình O2O được các đơn vị này ứng dụng linh hoạt trong việc tăng trải nghiệm mua sắm, rút ngắn khoảng cách giữa Online và Offline chứ không phải chỉ kéo khách Offline lên online. Theo ByteTech, từ kinh nghiệm triển khai giải pháp thực tiễn, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy bản thân đặc tính của thị trường tiêu dùng Việt Nam rất khác biệt khi phần lớn khách hàng đều ở độ tuổi trẻ, cập nhật nhanh và đón nhận xu hướng khá cởi mở, dù có thể còn chưa rõ nhu cầu thật sự của chính mình.
Thế nên việc thiết lập nội dung phù hợp để dẫn dắt khách hàng tìm ra điều họ cần và cảm thấy hài lòng, tiện lợi khi mua sắm là một việc khó. Tuy nhiên, nếu đáp ứng được nhu cầu này thì mọi thứ lại trở nên rất dễ dàng, trong việc tạo dựng uy tín thuơng hiệu, bên cạnh việc tăng gia tăng doanh thu và mở rộng tệp khách. Dù không phải ngành nào cũng hợp với phương thức kinh doanh trực tuyến, nhưng có một sự thật chúng ta nhận thấy là cái bắt tay giữa thế giới thực và ảo đã cho khách hàng những lựa chọn tốt nhất, dù họ ở bất kỳ nơi đâu.
Theo CBRE, trong dài hạn, bán lẻ trực tuyến, sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng và các nhà bán lẻ phải thích nghi với xu hướng này. Theo báo cáo 2021 do Google, Temasek và Bain& Company, bán lẻ trực tuyến Việt Nam sẽ tăng trưởng bình quân 29% hằng năm cho đến 2025. Bên cạnh đó, các cửa hàng truyền thống sẽ phải bao gồm nhiều chủ đề thú vị và liên quan đến lối sống hơn để tăng tương tác và thu hút cả người tiêu dùng trực tuyến và ngoại tuyến. Ngoài ra, hình thức thanh toán không tiền mặt (ví điện tử, chuyển khoản, thanh toán thẻ, các ứng dụng fintech…) cũng là yếu tố hiện đại hoá ngành bán lẻ, tạo ra nhiều tương tác số giữa người bán và người mua, nhằm phục hồi toàn diện ngành bán lẻ trong năm 2022 và thời gian tới.
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư