Pan đã chi 524 tỷ đồng để mua thêm cổ phiếu của Bibica, nâng sở hữu lên 18,435 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 98,3%.Ngày 17/5, Công ty cổ phần Tập đoàn PAN đã báo cáo kết quả đợt chào mua công khai cổ phiếu Công ty cổ phần Bibica.

Theo đó, PAN đã mua 7,382 triệu cổ phiếu từ 17 nhà đầu tư, trên tổng số 7,7 triệu cổ phiếu đăng ký mua.

Sau giao dịch, PAN sở hữu 18,435 triệu cổ phiếu của Bibica, tương ứng 98,3% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết. Giá chào mua là 71.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, số tiền mà PAN đã chi ra là 524 tỷ đồng.

Bibica là thương hiệu bánh kẹo lâu đời của Việt Nam, được thành lập từ năm 1999 từ việc cổ phần hoá 3 phân xưởng: Bánh, kẹo và mạch nha của Công ty Đường Biên Hoà. Đến năm 2007, Bibica được Lotte đầu tư. Khi đó, Lotte nhận thấy các lợi thế của Bibica là mạng lưới phân phối rộng khắp, hệ thống nhà máy, cơ sở hạ tầng tốt, một thương hiệu nổi bật trong tâm trí người tiêu dùng. Ngược lại, Bibica muốn có đối tác mạnh về tài chính, sự am hiểu ngành, một thương hiệu quốc tế hàng đầu trong khu vực Châu Á mà dựa vào đó có thể giúp nâng tầm kinh doanh Bibica.

Thời điểm bắt tay, Lotte không bộc lộ ý định thực sự là muốn thâu tóm Bibica. Giai đoạn này, Bibica kinh doanh rất hiệu quả, doanh thu tăng trưởng bình quân khoảng 25%/năm. Tuy nhiên, đến năm 2012, công ty bất ngờ sa sút, doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm. Nguyên nhân là do những mâu thuẫn bắt đầu phát sinh, khi cổ đông ngoại Lotte muốn thâu tóm Bibica.

Tổng Giám đốc của Bibica khi đó phải thừa nhận, cái bắt tay với Lotte là một cú “cõng rắn cắn gà nhà” và ngay lập tức Bibica đi tìm một nhà đầu tư để thực hiện kế hoạch tăng tỷ lệ sở hữu lên trên 25% – đối trọng với 30% sở hữu của Lotte khi đó.

Cái tên được chọn là SSI, lúc bấy giờ đang sở hữu sẵn 9% Bibica từ giữa năm 2009. SSI liền tiến hành ngay việc mua cổ phiếu BBC trên sàn chứng khoán thông qua các công ty thành viên, nhưng Lotte cũng không chịu đứng im. Cuộc tranh đua “vét” hàng Bibica trên sàn chứng khoán đã tạo nên mức tăng trưởng 50% cho cổ phiếu này lúc bấy giờ.

Diễn biến giá cổ phiếu Bibica

ĐHCĐ năm 2013 của Bibica đã không thể thành công ngay lần đầu khi đại diện của SSI không tham dự, với lý do “không đến để xem cãi nhau”.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch PAN, cho biết sự việc diễn ra tại Bibica là mối quan hệ giữa Bibica và Lotte. “Tại thời điểm PAN đầu tư vào Bibica, chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ chiến lược phát triển của Bibica hoàn toàn phù hợp với chiến lược đầu tư của PAN nên đầu tư vào. Chúng tôi vào Bibica không phải để mua một cuộc chiến” – ông Hưng khẳng định. Ông Hưng cũng từng nói rằng: “Chúng tôi chỉ có mục tiêu duy nhất là xây dựng Bibica vững mạnh và giữ gìn một thương hiệu bánh kẹo Việt Nam”.

Đến năm 2017, PAN Food của SSI hoàn tất nâng tỷ lệ sở hữu tại Bibica lên trên 50%, qua đó đưa Bibica trở thành công ty con và đặt dấu chấm hết cho tham vọng thâu tóm Bibica của Lotte. Sau đó, 2 bên cũng đã đạt được thỏa thuận để cùng hợp tác phát triển Bibica và quả thực doanh thu Bibica liên tục tăng trưởng.

Cuối năm 2020, Lotte đã chính thức thoái toàn bộ vốn tại Bibica, chấm dứt 13 năm hợp tác nhiều sóng gió.

Bibica tăng trưởng ổn định và chỉ giảm 2 năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Năm 2022, Bibica đặt mục tiêu doanh thu 1.900 tỷ đồng, tăng trưởng 74% so với 2021. Chỉ tiêu lợi nhuận tăng gần 5 lần, lên 100 tỷ đồng.

Năm nay, Bibica dự kiến tập trung phát triển nhãn hàng Zoo, Roppy, Gooka. Đây là các dòng sản phẩm được kỳ vọng sẽ tạo nên bước tăng trưởng đột phá về doanh thu năm tới. Bibica cũng sẽ đẩy mạnh R&D, tiến hành nghiên cứu dòng sản phẩm giàu dinh dưỡng bổ sung chất xơ, vitamin, acid amin và lên kế hoạch xây dựng thêm các trung tâm nghiên cứu R&D đặt tại nhà máy.

Nguồn CafeF

Pin It
Norman MacEwan

"Có người không bao giờ thất bại, vì anh ta không bao giờ chịu thử làm điều gì."

User Menu