Tiềm năng & cơ hội của Việt Nam trên “đại lộ” xuất khẩu trực tuyến? Doanh nghiệp Việt đang nghĩ gì & cần gì để mạnh dạn bước chân trên “đại lộ” này? Amazon đang làm gì ở vai trò là người đồng hành đưa “Made-in-Vietnam” ra thế giới?
Brands Vietnam đã có buổi trò chuyện cùng ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Vietnam nhân dịp Amazon công bố báo cáo “Người bán hàng địa phương, khách tiêu dùng toàn cầu: Việt Nam cần nắm bắt cơ hội xuất khẩu thông qua thương mại điện tử” để cùng giải đáp những thắc mắc trên.
* Đầu tiên, ông có thể chia sẻ lý do Amazon cho ra mắt bản báo cáo “Người bán hàng địa phương, khách tiêu dùng toàn cầu: Việt Nam cần nắm bắt cơ hội xuất khẩu thông qua thương mại điện tử”?
Ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Vietnam
Chúng ta đều nhìn thấy tốc độ tăng trưởng rất nhanh cũng như tiềm năng, cơ hội của thương mại điện tử (TMĐT) nói chung và TMĐT xuyên biên giới nói riêng. TMĐT xuyên biên giới ngày càng là cơ hội quan trọng đối với người bán. Tuy nhiên, hiểu biết về cơ hội xuất khẩu TMĐT ở Việt Nam còn hạn chế. Theo quan sát, hầu hết các tài liệu nghiên cứu hiện tại chỉ tập trung vào giá trị TMĐT trong nước và chưa đề cập đến những dữ liệu về cơ hội cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) trong các hoạt động TMĐT xuyên biên giới. Không chỉ dữ liệu về tiềm năng, những thông tin về các rào cản với xuất khẩu trực tuyến mà doanh nghiệp phải đối mặt cũng chưa được nghiên cứu và công bố rộng rãi.
Báo cáo từ Amazon mong muốn cung cấp góc nhìn thực tế và bao quát hơn để xác định tầm quan trọng của xuất khẩu trực tuyến trong giai đoạn chuyển mình. Đồng thời, cung cấp khách quan các phản hồi, chia sẻ từ chính những người trong cuộc – các doanh nghiệp Việt đã tham gia xuất khẩu trực tuyến để hiểu hơn về những thách thức họ gặp phải, các giải pháp họ cần để “làm mượt” quá trình bước ra thế giới trên con đường xuất khẩu trực tuyến.
Bản báo cáo gồm 3 nội dung chính: (1) Quy mô xuất khẩu TMĐT của Việt Nam, (2) Quan điểm và thách thức hiện tại khi các doanh nghiệp MSME xuất khẩu qua TMĐT và (3) Đề xuất hành động để giải quyết các thách thức. Hi vọng sẽ là một cơ sở tốt để các nhà hoạch định chính sách, các hiệp hội ngành hàng cũng như doanh nghiệp đưa ra những giải pháp để nắm bắt cơ hội, đón đầu con sóng lớn này.
* Đâu là những điểm nổi bật trong báo cáo mà ông muốn chia sẻ với độc giả Brands Vietnam?
Thứ nhất, về tiềm năng từ xuất khẩu trực tuyến, hay còn gọi là “bán lẻ B2C xuyên biên giới”: Doanh thu bán lẻ hàng hoá xuyên biên giới (B2C) của Việt Nam ước tính tăng trưởng trên 20% mỗi năm, dự kiến sẽ tăng từ 3,3 tỉ USD (2021) lên đến 11,1 tỉ USD vào năm 2026. Nếu xem ngành “TMĐT B2C” là một danh mục xuất khẩu thì đây sẽ là ngành thuộc top 5 lĩnh vực xuất khẩu lớn nhất tại Việt Nam trong 5 năm tới.
Thứ hai, về mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp với xuất khẩu trực tuyến: 88% doanh nghiệp được khảo sát tại Việt Nam nhận định TMĐT rất quan trọng trong hoạt động xuất khẩu của họ, đồng thời nhận định doanh số bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới sẽ cao hơn doanh số bán lẻ online trong nước.
Thứ ba, về rào cản mà doanh nghiệp Việt đối diện, 80% doanh nghiệp cho rằng họ thiếu thông tin về các quy định liên quan của thị trường nước ngoài. 85% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng họ gặp rào cản về năng lực cạnh tranh trong khu vực và trên toàn cầu. Bên cạnh đó, 81% doanh nghiệp thừa nhận rằng họ chưa được chuẩn bị để đáp ứng được sở thích và tâm lý của người tiêu dùng nước ngoài. Nhìn thấy những điều này để khoanh vùng & chọn lựa các trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các thách thức, từ đó tự tin tiến ra thị trường quốc tế với đầy đủ nguồn lực & năng lực.
Ngoài ra, 2 điểm cuối cùng tôi muốn chia sẻ thêm không nằm trong báo cáo lần này mà có trong Báo cáo Tổng kết hoạt động năm 2021 của Amazon dành cho các doanh nghiệp vừa & nhỏ Việt Nam để doanh nghiệp, nhà sản xuất & chủ thương hiệu Việt nhìn thấy cơ hội của mình ở các sân chơi lớn toàn cầu như Amazon.
Điểm thứ tư, năm 2021, đã có gần 7,2 triệu sản phẩm Made in Vietnam do các nhà bán Việt đã đến tay khách hàng toàn cầu của Amazon, doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp Việt trên Amazon tăng 48%, dù 2021 là một năm chịu ảnh hưởng nặng nề vì COVID-19. Điều này cho thấy sức bật lớn của xuất khẩu trực tuyến Việt Nam.
Nhiều mặt hàng Made-in-Vietnam đã xây dựng thương hiệu toàn cầu thành công vớí Amazon
Điểm thứ năm, top 5 sản phẩm bán chạy của doanh nghiệp Việt Nam trên Amazon bao gồm: Đồ gia dụng, Dụng cụ nhà bếp, Tiện ích gia đình, Sản phẩm dệt may và Sản phẩm chăm sóc sức khoẻ & cá nhân. Danh mục này cho thấy sức cạnh tranh của sản phẩm Việt trải rộng trên nhiều ngành hàng, mở ra cơ hội & góc nhìn cho những ai đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh với những sản phẩm của mình.
* Đối tác bán hàng của Amazon Global Selling là doanh nghiệp lớn hay các doanh nghiệp vừa và nhỏ?
Hiện tại có hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia kinh doanh trên nền tảng Amazon. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giai đoạn khởi động. Tôi tin là tiềm năng xuất khẩu qua TMĐT tại Việt Nam sẽ mở ra một “đại lộ mới” cho doanh nghiệp Việt hướng ra thị trường quốc tế trong những năm tiếp theo.
Các đối tác hiện tại của Amazon khá đa dạng. Cụ thể, chúng tôi đang hợp tác với các doanh nghiệp lớn như Trung Nguyên, Biti’s, gốm sứ Minh Long; các doanh nghiệp sản xuất như Royal Helmet, Lafoco, LiveSpo hay cả những thương hiệu startup như Rong Nho Trường Thọ, Thiệp 3D handmade HMG. Thực tế, khả năng sản xuất đa dạng sản phẩm, năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam đã cho thấy sự sẵn sàng để ra mắt cửa hàng trên Amazon, mở rộng khả năng tăng doanh số và doanh thu.
Amazon đồng hành cùng thương hiệu Royal Helmet mở rộng cơ hội xuất khẩu thông qua thương mại điện tử
* Amazon Global Selling Vietnam đã tiếp cận & hỗ trợ các doanh nghiệp Việt như thế nào để họ mạnh dạn bước vào “đại lộ” thương mại điện tử xuyên biên giới?
Amazon Global Selling thành lập tại Việt Nam từ cuối năm 2019.
2019, 2020 và 2021 là giai đoạn nền móng: Amazon Global Selling tập trung xây dựng đội ngũ trong nước, thiết kế các khoá đào tạo, cung cấp kiến thức, công cụ, và hướng dẫn chi tiết phương thức kinh doanh trên Amazon, giới thiệu đến các đối tác bán hàng Việt Nam kênh giao tiếp và mạng lưới giao hàng kết nối khách hàng xuyên biên giới. Đây cũng là giai đoạn Amazon Global Selling đặt nền móng hợp tác với các cơ quan chính phủ và hiệp hội ngành nghề, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nắm bắt được cơ hội chuyển đổi thông qua thương mại điện tử và thương mại điện tử xuyên biên giới.
Năm 2022 trở đi được kỳ vọng là giai đoạn phát triển và tăng trưởng: Tăng cường nhận thức và đẩy mạnh thương mại điện tử xuyên biên giới, tăng doanh thu xuất khẩu qua thương mại điện tử cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng số lượng doanh nghiệp hợp tác bán hàng trên Amazon và đưa các sản phẩm “Made in Vietnam” vươn xa trên thị trường quốc tế.
Chương trình đào tạo, cung cấp thông tin hữu ích và chuyên sâu cho tất cả các nhà bán hàng Việt Nam bứt phá doanh thu, mở rộng thị trường.
Liên tiếp trong 3 năm qua, dù dịch bệnh, chúng tôi vẫn nỗ lực tổ chức Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới thường niên quy mô lớn để giới thiệu mô hình thương mại mới & kết nối doanh nghiệp Việt với cơ hội kinh doanh đầy tiềm năng này. Chúng tôi ra mắt Trung tâm nhà bán hàng, Trung tâm hỗ trợ khách hàng & Học viện Nhà bán hàng bằng ngôn ngữ tiếng Việt để cung cấp kiến thức, công cụ, nguồn lực cần thiết cho các đối tác tìm hiểu & tiếp cận với TMĐT xuyên biên giới. Gần đây nhất, vào ngày 8/6/2022, chúng tôi ký kết biên bản ghi nhớ với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (iDEA) thuộc Bộ Công Thương, cùng triển khai sáng kiến “Thương mại điện tử Xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá”. Sáng kiến đặt mục tiêu hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam trong 5 năm tới, từ đó nâng cao năng lực và mở ra cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp địa phương thông qua TMĐT.
* Cảm ơn ông vì những chia sẻ trên!
Nguồn Amazon