Department Store là một trong những mô hình thông minh, khá tiện dụng. Parkson đóng cửa lỗi không do mô hình kinh doanh, mà do sức mua của thị trường Việt Nam vẫn còn co cụm. Người Việt gần đây luôn được xếp hạng “tiết kiệm” nhất thế giới…

Parkson1
Ảnh minh họa. Nguồn: Zing.

Là người tiên phong đặt chân vào thị trường Việt Nam từ năm 2005 bằng việc khai trương Parkson Saigon Tourist Plaza tại quận trung tâm TPHCM, Parkson từng được đánh giá là “tay chơi” lớn nhất tại Việt Nam trong những năm đầu tiên gia nhập thị trường.

Mô hình Department Stores

Để hiểu hơn mô hình kinh doanh của Parkson, cần phải phân định rõ, Trung tâm thương mại cao cấp của Parkson đang hoạt động tại Việt Nam và các quốc gia châu Á là một dạng của department stores (tạm gọi là siêu thị bán lẻ hàng hiệu), khác hoàn toàn với shopping mall và Complex (phức hợp mua sắm) như các TTTM của Vincom; và càng khác xa những Super Market (siêu thị thông thường) như Co-op Mart, Big C, Metro, Fivimart hay Citimart...

Dưới đây là cách phân biệt giữa Supermarket và department store:

Parkson2

Còn các shopping mall hay complex (phức hợp mua sắm) sẽ bao gồm: supermarket (siêu thị - nơi bán hàng tiêu dùng phổ thông); department store hay plaza (siêu thị hàng hiệu); khu ẩm thực; khu giải trí (games); khu sức khỏe (gym, spa)…

Với lĩnh vực kinh doanh chủ lực là bán lẻ, Parkson là một hình mẫu khá thành công nhờ xác lập lợi thế tuyệt đối về định vị "thương hiệu bán lẻ cao cấp chuyên nghiệp".

Về nguyên tắc, một không gian "department store" như Parkson được chia làm nhiều ô khác nhau và cho thuê theo từng nhãn hàng. Mỗi nhãn hàng thuê mặt bằng và chịu trách nhiệm kinh doanh "sản phẩm đúng nhãn". Điều này cũng làm rõ sự khác biệt rất quan trọng giữa một "department store" và một "trung tâm bách hóa" hay "chợ truyền thống".

Những kinh nghiệm trong gần 3 thập kỷ qua giúp Parkson gây dựng thành công uy tín trong chuỗi cung ứng với mạng lưới nhà cung cấp, kinh nghiệm kinh doanh với các thương hiệu hàng đầu thế giới, "nuốt chửng" dễ dàng các mô hình tương tự ở địa phương, và vươn lên trở thành nhà bán lẻ cao cấp chuyên nghiệp hàng đầu ở châu Á.

Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay, những con số trong báo cáo tài chính của Parkson đang ngày càng xấu đi. Parkson Việt Nam lại chính là thị trường suy giảm mạnh nhất.

Từ năm 2010, Parkson Việt Nam đã bắt đầu chật vật cạnh tranh với hàng loạt đối thủ mới, cả nội cả ngoại, cả cùng mô hình lẫn khác mô hình. Đó là sự có mặt của các đại gia bán lẻ ngoại đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, và Thái Lan như Lotte, Aeon, Robinsons (cùng mô hình Department Store) hay những tên tuổi như Vincom, Crescent Mall với mô hình Shopping Mall (Trung tâm mua sắm) quy mô lớn.

Parkson3

Kết quả kinh doanh lao dốc, Parkson Hà Nội phải đóng cửa trung tâm thương mại đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 1/2015, Parkson Keangnam Hanoi Landmark (Hà Nội).

Tháng 5/2016, Parkson tiếp tục đóng cửa Parkson Paragon (TPHCM).

Chỉ 6 tháng sau khi đóng cửa Parkson Paragon, người Việt tiếp tục được nghe thông báo về việc đóng cửa Parkson Viet Tower tại phố Thái Hà – Hà Nội trong tháng 12/216.

Trước thời điểm đóng cửa Parkson Keangnam ở Hà Nội hồi đầu năm 2015, đại diện Parkson, thời điểm đó là CEO Toh Peng Koon (đã nghỉ hưu), lí giải: nguyên nhân kinh doanh sụt giảm của tập đoàn này là bởi doanh số quá thấp ở Việt Nam và Malaysia. Đặc biệt, Việt Nam là nơi chứng kiến mức suy giảm trầm trọng nhất của Parkson. "Khoản lỗ chủ yếu là do chi phí từ việc xây dựng các cửa hàng mới. Tuy nhiên, việc đầu tư là cần thiết để xây dựng hệ thống của tập đoàn mạnh mẽ hơn", ông Toh Peng Koon cho hay.

Khi đó, Parkson vẫn nhận định thị trường Indonesia và Myanmar vẫn tăng trưởng. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, ngay cả 2 thị trường Indonesia và Myanmar, Parkson đều đang chịu lỗ.

"Mô hình không có lỗi"

Nhìn nhận về việc Parkson liên tiếp đóng cửa 3 trung tâm thương mại, ông Trần Như Trung – nguyên Phó Giám đốc Savills Hà Nội – cho biết: Mô hình không có lỗi!

“Mô hình này khá phổ biến, mà trong đó, một đơn vị quản và các đại lý (Retailers) kinh doanh. Đây là một trong những mô hình khá tiện dụng, thông minh”.

“Tôi cho rằng mô hình này có thể đóng chỗ này, và mở chỗ khác, và mô hình này vẫn sẽ tiếp tục nhân rộng. Bởi đó là hình thức có một đầu mối quản lý và các Retailers ở dưới hoạt động có độ độc lập cao. Nó khác với hình thức bán lẻ một người phải cai quản tất”, ông Trung nói.

Parkson4
Ông Trần Như Trung – nguyên Phó Giám đốc Savills Hà Nội.

Ông Trung cho rằng, lý do chính của việc đóng cửa các trung tâm thương mại là do sức mua của thị trường Việt Nam.

“Đến giờ phút này, mức chi tiêu cho hàng hóa mang tính chất xa xỉ của người Việt vẫn đang ở đà bảo thủ. Trong các phân khúc thị trường, phân khúc nhà ở đang phục hồi một cách khá ấn tượng sau một thời gian suy thoái. Nhưng với lĩnh vực bán lẻ, tôi đánh giá vẫn đang ở dạng co cụm”, nguyên Giám đốc Savills Hà Nội nhận định.

Chi tiêu tiêu dùng suy yếu ở Việt Nam là một vấn đề nan giải đè nặng lên hoạt động kinh doanh của Parkson mà ông Alfred Cheng - Giám đốc điều hành Parkson Group – từng thừa nhận trên Reuters từ năm 2012.

Người Việt có mức chi tiêu quá thấp cũng là một trong những lý do người phát ngôn của Parkson - Toh Peng Koon – CEO của Parkson Retail Asia vào tháng 1/2015 (nay đã nghỉ hưu) – giãi bày khi được hỏi về nguyên nhân đóng cửa trung tâm thương mại đầu tiên của đơn vị này tại Việt Nam.

Trong khi đối tượng của Parkson là tầng lớp trung – cao cấp, thì người Việt thời gian gần đây luôn được Nielsen xếp hạng “tiết kiệm” nhất thế giới.

“Việc đi mua sắm hàng hiệu là thú vui. Nhưng bức tranh của thị trường đến giờ phút này, với sức mua của thị trường, tôi không nhìn thấy điều này. Sức mua của thị trường hiện nay vẫn ở mức người ta đang cố chắt chiu từng đồng tiền của mình”, ông Trần Như Trung nhận xét.

“Hy vọng trong thời gian tới, khi sức mua của thị trường lớn lên thì mô hình này sẽ lại được nhân rộng, chứ việc đóng cửa một trung tâm thương mại không phải lỗi của mô hình nào cả”.

Hiện tượng sức mua thị trường suy yếu không chỉ có ở thị trường bán lẻ Việt Nam. Ông Trung cho biết, đây là sự suy giảm chung của thị trường. Ngay tại Singapore, cả công suất thuê lẫn giá thuê mặt bằng bán lẻ cũng suy giảm.

Bảo Bảo
(Theo Trí Thức Trẻ / Cafebiz)

Pin It
Nguyên tắc tấn công số 3:

"Mặt trận tấn công nên càng nhỏ càng tốt"

User Menu