Hãng Royal Dutch Shell đã được hội đồng cổ đông thông qua quyết định mua lại tập đoàn BG và đây sẽ là vụ sáp nhập lớn nhất trong ngành dầu khí khi giá dầu thế giới đang giảm xuống mức thấp nhất kể từ sau khủng hoảng kinh tế 2008. Theo đó, có 83% cổ đông của Shell đồng ý thương vụ sáp nhập này, qua đó cho thấy niềm tin của nhà đầu tư cũng như các giám đốc rằng hãng có thể vượt qua được thời kỳ khó khăn hiện nay nếu hợp tác với BG.

Thương vụ này đã được công bố từ tháng 4/2015 khi giá dầu giảm sâu, khiến nhiều cổ đông lo ngại rằng số tiền Shell bỏ ra là quá nhiều so với giá trị thực.

shell copy

Tuy vậy, CEO Ben Van Beurnden của Shell cho biết vụ sáp nhập này sẽ thúc đẩy doanh thu của công ty cũng như cổ tức trả cho cổ đông. Hơn nữa, việc BG tăng cường sản xuất dầu có thể hỗ trợ cho tình hình suy giảm sản lượng của Shell.

Các cổ đông của BG sẽ bỏ phiếu vào ngày 28/1 và nhiều khả năng thương vụ này có thể hoàn thành trước thời hạn cuối là vào giữa tháng 2/2015.

Vụ sáp nhập này sẽ biến Shell trở thành tập đoàn tư nhân kinh doanh khí tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới cũng như giúp hãng tiếp cận được với các mỏ dầu nước sâu tại Brazil.

Thúc đẩy khả năng phục hồi

Theo nhiều chuyên gia, thương vụ này sẽ hỗ trợ cả 2 tập đoàn khi họ có thể cắt giảm chi phí và phối hợp kinh doanh trong nhiều mảng. Điều này sẽ giúp 2 công ty đứng vững trước tình hình giá dầu xuống thấp cũng như đảm bảo mức cổ tức cho cổ đông.

Giá dầu Brent quốc tế đã giảm gần 50% xuống 32 USD/thùng kể từ khi thương vụ này được công bố vào năm ngoái.

Trước tình hình đó, Shell dự đoán giá dầu sẽ còn ở mức thấp trong thời gian dài. Điều này đồng nghĩa thương vụ sáp nhập trên sẽ cần thời gian lâu hơn để có thể hoàn toàn sinh lời.

Chiến lược dài hạn

Bằng cách mua lại BG, tập đoàn Shell sẽ hạ thấp đáng kể chi phí sản xuất dầu, tăng cường sản lượng và tiếp cận được những nguồn tài nguyên năng lượng mới. Hơn nữa, việc giá dầu thấp hiện nay khiến chi phí cho cuộc sáp nhập này không thể đẩy lên quá cao và quá trình đàm phán cũng thuận lợi hơn.

Giám đốc tài chính Simon Henry của Shell cho rằng thương vụ này sẽ thúc đẩy doanh thu của cả 2 công ty ở bất cứ mức giá năng lượng nào trên thị trường.

Trước thông tin trên, cổ phiếu của cả BG và Shell đều tăng trên thị trường chứng khoán.

Trong cuộc bỏ phiếu, có khoảng 17% cổ đông chống lại quyết định trên do lo ngại doanh thu của hãng sẽ bị ảnh hưởng nếu giá dầu tiếp tục giảm sâu.

Kể từ khi công bố thương vụ vào tháng 4/2015, CEO Van Beurnden đã liên tục trấn an cổ đông rằng vụ sáp nhập này là một chiến lược hiệu quả trong dài hạn và nhu cầu dầu khí tăng lên sẽ thúc đẩy giá năng lượng tăng trở lại.

Hãng Shell cũng tuyên bố sẽ giữ nguyên mức cổ tức trả cho cổ đông trong năm nay.

Hoàng Nam

Theo Trí Thức Trẻ/Bloomberg

Pin It
Arthur Schopenhauer - Triết gia Đức

"Người ta nhìn thấy một thế giới hạn hẹp bởi chính cái tầm nhìn hạn hẹp của mình."

User Menu