Vua thép Andrew Carnegie: Thay vì bỏ trứng vào nhiều giỏ, Carnegie khuyến khích: Bỏ hết trứng vào một giỏ, và trông chừng nó!
Doanh nhân được định nghĩa là những người dám chấp nhận rủi ro - đặc biệt rủi ro phá sản. Điều này đặc biệt đúng với các doanh nhân khởi nghiệp, bởi hơn một nửa start up thất bại trong vòng 5 năm đầu tiên.

Với các doanh nghiệp lâu đời, rủi ro vẫn tồn tại trước nguy cơ thất bại của sản phẩm mới, khủng hoảng thương hiệu hay danh tiếng của nhà quản lý. Bất chấp mức độ ra sao, rủi ro vẫn là một vấn đề cần được nhận diện sâu sắc và quản lý hết sức cẩn thận.

Từ những viên gạch đầu tiên của nền kinh tế tư bản, ông vua thép Andrew Carnegie từng chia sẻ quan điểm quản trị rủi ro của mình đầy thú vị, thay vì bỏ trứng vào nhiều giỏ, Carnegie khuyến khích: Bỏ hết trứng vào một giỏ, và trông chừng nó!

quản trị rủi ro

Từ sụp đổ của Lehman Brothers năm 2008 tới thảm họa tràn dầu của BP năm 2010, hàng loạt các sự kiện đầu thế kỷ 21 đã thay đổi về cơ bản quan điểm của các tổ chức đối với rủi ro. Hai trọng tâm được đề cao với rủi ro bây giờ là: Giám sát và quản trị.

Giám sát rủi ro - là cách các nhà quản lý phát hiện, ưu tiên và tập trung xử lý những rủi ro lớn nhất, cũng như đảm bảo quá trình này được duy trì thường xuyên.

Quản trị rủi ro - liên quan tới những quy trình và chiến lược chi tiết để loại trừ hoặc giảm thiểu rủi ro.

Rủi ro sẵn có

Rủi ro là có sẵn trong hầu hết các hoạt động kinh doanh. Ví dụ như các startup phải đối diện với một rủi ro hiển nhiên là sản phẩm mới sẽ không có nhiều khách hàng, và doanh thu có thể không đủ đề bù đắp chi phí. Chưa kể, những rủi ro về đối thủ cạnh tranh ăn cắp ý tưởng, thậm chí còn cải tiến nó hơn. Rủi ro với những doanh nghiệp vay tiền ngân hàng là lãi suất có thể tăng và áp lực lãi vay có thể trở nên quá sức. Với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, một rủi ro không thể bỏ qua là rủi ro về tỷ giá.

Những doanh nghiệp mới có thêm rủi ro khi chỉ có một thị trường duy nhất. Trong khi các doanh nghiệp lớn thường đa dạng hóa hoạt động của mình để giảm thiểu rủi ro thì thành công của các doanh nghiệp nhỏ thường khởi nguồn từ một ý tưởng ban đầu hay tập trung vào một thị trường nhất định. Một sự sụt giảm của một thị trường chính có thể dẫn tới thất bại của cả công ty. Sẽ là cần thiết để các công ty mới nhận thức được về các thay đổi của thị trường và định vị bản thân đủ tốt để thích nghi được trước những thay đổi này.

quản trị rủi ro

Vấn đề chiến lược

Lấy ví dụ về ứng dụng chia sẻ và chỉnh sửa hình ảnh Instagram được bắt đầu bằng một dịch vụ dựa trên khu vực lấy tên là Burbn. Khi phải đối diện với cạnh tranh, công ty chuyển thành dịch vụ chia sẻ hình ảnh. Nếu không nhanh chóng thích nghi với thương trường, am hiểu sâu sắc thị trường để điều chỉnh sản phẩm, Instagram giờ chắc sẽ chỉ là một sản phẩm thuộc về lịch sử.

BP là một ví dụ điển hình khác rằng rủi ro là tiềm ẩn với bất kỳ doanh nghiệp có quy mô nhỏ hay khổng lồ, và hậu quả của nó là điều không lường trước được.

Được xem là “vụ tràn dầu thế kỷ”, sự cố nổ giàn khoan Deepwater Horizon của BP tại Vịnh Mexico năm 2010 đã khiến 11 người thiệt mạng, làm 4,9 triệu thùng dầu tràn ra biển, gây ô nhiễm các bãi biển thuộc 5 bang duyên hải bờ Đông nước Mỹ, trong đó bang Lousiana và Missisippi phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp. BP đã phải chi trả hàng chục tỉ USD để làm sạch và khôi phục vùng biển bị ô nhiễm, đồng thời giải quyết hơn 300.000 đơn khiếu kiện với số tiền đền bù lên đến 11 tỷ USD nhằm khôi phục kinh tế tại vịnh Mexico.

Cục điều tra liên bang sau đó kết luận một loạt các sai sót của BP và các nhà thầu gây ra thảm họa tràn dầu sau cuộc điều tra hơn 17 tháng. Các báo cáo chỉ ra một số sai sót của BP bao gồm của “sơ suất trong khâu phân tích và đánh giá rủi ro” liên quan tới giếng dầu trong những ngày cuối cùng dẫn đến vụ nổ.

nổ giàn khoan

Vụ nổ giàn khoan Deepwater Horizon năm 2010

Tập đoàn lớn nhất nước Anh đã chịu thiệt hại trầm trọng về nhiều mặt: từ khi xảy ra vụ tràn dầu, BP mất giá thị trường khoảng 90 tỷ USD, Fitch Ratings, một hãng đánh giá tín dụng lớn, hạ BP 6 bậc từ AA xuống BBB. Hãng đã phải thu hẹp quy mô sản xuất, bán đi khối tài sản trị giá 30 tỷ USD, tương đương 20% tài sản của mình để có tài chính trang trải cho các khoản phạt, bồi thường, khắc phục hậu quả liên quan đến vụ tai nạn.

Chi phí của BP có thể còn nhiều hơn khi tính hết các khoản bồi thường trong tương lai. Chính phủ Mỹ và Anh không muốn BP bị phá sản, nhưng đã có tin đồn về khả năng BP bị thôn tính.

Nhìn chung, rủi ro là một vấn đề chiến lược. Các chủ doanh nghiệp phải nhận thức và đánh giá được rủi ro và phân tích được hậu quả của các chiến lược quản trị rủi ro khác nhau. Vận may thường ưu ái người dũng cảm và dám chấp nhận rủi ro, đúng!

Nhưng với thực tế kinh doanh biến động khôn lường như hiện tại, thận trọng cũng cần thiết không kém để đảm bảo mọi thứ cuốn theo chiều... định sẵn, chứ không phải chiều gió!

Đàm Linh

Theo Trí Thức Trẻ

Pin It
Groucho Marx

"Trước khi nghe bài diễn văn của ông ta, tôi đã nghĩ lưỡi dao cạo râu của tôi đã cùn rồi ."

User Menu