Vài năm nay xuất hiện ngày càng nhiều hiện tượng doanh nghiệp (DN) nước ngoài mua lại toàn bộ hoặc một phần cổ phần của DN trong nước. Việc nhà đầu tư Thái Lan mua lại hệ thống siêu thị Metro và 49% cổ phần của Nguyễn Kim là những trường hợp tiêu biểu mới diễn ra.

thâu tóm doanh nghiệp trong nướcThuận mua, vừa bán

Đây là một thực tế nhưng hiện có những cách hiểu, đánh giá, thậm chí là lo ngại từ xã hội. Việc mua bán, thâu tóm DN, vốn đã diễn ra từ lâu trên thế giới, nay bắt đầu rộ lên tại Việt Nam. Trong các thương vụ này, bên mua và bán đều đạt được mục đích và hoàn toàn mang ý nghĩa thương mại thuần túy.

Phân tích về hiện tượng DN Thái Lan đang đẩy mạnh việc mua lại DN Việt Nam, các chuyên gia đã chỉ ra một số lý do. Đó là, các DN Thái Lan đều tập trung thâu tóm những DN Việt đang trên đà phát triển, tức là đã định hình được thương hiệu, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Như vậy, chủ đầu tư sẽ tiết kiệm được thời gian, có thể tham gia vào quản lý một đơn vị đang hoạt động ổn định và tận dụng được hình ảnh đã quen thuộc trên thị trường. Mặt khác, việc đại gia Thái Lan quyết tâm mua DN Việt còn vì sự hấp dẫn của một thị trường hơn 90 triệu người tiêu dùng, với cơ cấu dân số trẻ cũng như đang có tốc độ tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực.

Dăm năm gần đây, ngày càng nhiều DN Thái Lan, chủ yếu thuộc lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng hoặc phân phối, bán lẻ đã chủ động tổ chức hội chợ hàng Thái Lan hằng năm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Theo các chuyên gia, đó là sự tập dượt một cách chu đáo, là bước thăm dò thị hiếu và sức mua của người Việt đồng thời đón lõng thời cơ khi cả hai nước đều sẽ tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN trong năm 2015 này. Khi đó, hàng hóa và dịch vụ sẽ tự do lưu chuyển giữa các quốc gia thành viên, thị trường sẽ mở rộng và thật sự trở thành "sân chơi" chung cho DN các nước.
Đặc biệt, thuế suất hàng hóa nhập khẩu sẽ nhanh chóng được xóa bỏ, tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng cho tất thảy DN trong khu vực. Như vậy, việc nhà đầu tư và hàng hóa Thái Lan đang và sẽ thâm nhập thị trường trong nước là một thực tế không thể tránh khỏi.

Không nên lo ngại

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết, không nên quá lo ngại hay có tâm lý như là bị tổn thất trước thực trạng DN ngoại mua DN nội. Đó chỉ là một hoạt động bình thường trong nền kinh tế mở, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập khu vực và quốc tế với tốc độ ngày càng sâu rộng.
Theo đó, việc mở cửa thị trường là điều kiện tiên quyết và là thực tế để các đối tác nhìn vào, đánh giá việc thực hiện cam kết của Việt Nam. Ngoài ra, việc mua bán DN sẽ thúc đẩy sự hình thành những nhân tố mới, năng động, với trình độ và khả năng cạnh tranh tốt hơn.
Trong khi đó, DN rút khỏi thị trường cũng sẽ có cơ hội thu hồi vốn và một phần lãi để tìm cách gia nhập thị trường ở lĩnh vực khác. Cũng nhờ vậy, thị trường sẽ được tái cơ cấu và người tiêu dùng có điều kiện được hưởng lợi hơn, thông qua sự cạnh tranh giữa các DN về chất lượng, giá cả và dịch vụ chăm sóc khách hàng. Ngoài ra, sau khi DN ngoại mua lại DN nội thì vẫn sử dụng cơ sở vật chất cũ, nhất là họ sẽ tiếp tục hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; từ đó duy trì việc làm, thu nhập cho đội ngũ nhân công và đóng góp nguồn thu ngân sách.

Về phía DN nội, phần lớn đơn vị đồng ý bán một phần hay toàn bộ cho DN ngoại dường như cũng đã xác định rõ tình hình, có sự chuẩn bị cũng như có mục đích rõ ràng. Trong đó, phần lớn chủ DN có xu hướng rút khỏi thị trường bán lẻ, chuyển hướng sang lĩnh vực khác ít sức ép hơn hoặc sử dụng vốn để mở rộng hợp tác. Đây là quyết định của mỗi đơn vị cụ thể, xét trong hoàn cảnh cụ thể và càng không bao giờ có mẫu số chung cho tất cả DN…

Hồng Sơn

Theo Báo Hà Nội Mới

Pin It
Robert Heller (chủ bút Mỹ)

"Quản lý hiệu quả luôn luôn hàm nghĩa hỏi đúng câu cần hỏi".

User Menu