Vì sao Nguyễn Kim bán mình và vì sao central group mua 49% cổ phần của chuỗi bán lẻ điện máy này? Ðó là những câu hỏi lớn khi thông tin về thương vụ này được công bố hồi tuần qua.
Nguyễn Kim đang đứng vị trí số 1 ở thị trường bán lẻ điện máy Việt Nam.
Gần nửa năm trước, thông tin về việc hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim "bán mình" cho khối ngoại đã được giới đầu tư rỉ tai nhau. Tuy nhiên, phải đến bây giờ thì những thông tin về thương vụ mới được hé lộ trong bản báo cáo phân tích về Công ty Robinson Department Store, một đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn bán lẻ Central Group của Thái Lan.
Cụ thể, một thông tin quan trọng được nêu trong báo cáo này là Power Buy, đơn vị hiện do Robinson Department Store nắm 40% cổ phần và là hệ thống điện máy lớn nhất Thái Lan, đã mua lại 49% cổ phần Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ và Giải pháp mới NKT. Và NKT lại đang sở hữu 100% cổ phần của Công ty Cổ phần Thương mại Nguyễn Kim, đơn vị quản lý hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim - một trong 2 chuỗi siêu thị điện máy lớn nhất Việt Nam.
Ẩn số từ giá bán
Để tìm hiểu thông tin liên quan đến thương vụ, NCÐT đã liên lạc với người có trách nhiệm tại Nguyễn Kim. Tuy nhiên vị này cho biết không phụ trách những thông tin này; và nếu muốn biết cụ thể thì hãy liên lạc Central Group.
May mắn là Central Group lại khá cởi mở với báo chí. Bà Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Truyền thông của Central Group Việt Nam xác nhận rằng thương vụ này đã diễn ra và chốt lại từ cách đây 2 tuần. Central Group cũng đã cử đại diện của mình là ông Philippe Broianigo, vốn là Tổng Giám đốc của Central Group Việt Nam, kiêm nhiệm chức Tổng Giám đốc tại Nguyễn Kim.
Từ chối đưa ra thông tin về giá trị thương vụ cũng như đơn vị tư vấn, nhưng theo bà Hồng, lãnh đạo của 2 công ty đều cho rằng thương vụ sẽ giúp tận dụng thế mạnh của đôi bên trong việc phát triển mảng bán lẻ; và việc bán cổ phần này nằm trong kế hoạch kêu gọi đối tác ngoại của Nguyễn Kim giai đoạn 2011 - 2015 đã được chia sẻ với các nhà cung cấp.
Giá trị không được tiết lộ, nhưng theo thông tin từ một tờ báo kinh tế, Nguyễn Kim được định giá 200 triệu USD trong thương vụ này. Như vậy, với việc bán 49%, giá trị thương vụ nằm trong khoảng 100 triệu USD.
Theo ông Trần Vinh Dự, Tổng Giám đốc Công ty TNK Capital, nếu căn cứ vào hệ số giá trên thu nhập P/E của Nguyễn Kim thì giá trị thương vụ này là không đắt mà cũng không rẻ. Bởi với doanh thu 8.438 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế là 352 tỉ đồng thì P/E của Nguyễn Kim là lớn hơn 10.
P/E là tỉ số giữa giá thị trường của cổ phiếu công ty và thu nhập (đo bằng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) mà công ty đó làm ra. Trong đầu tư, P/E càng cao thường đồng nghĩa với việc thị trường đánh giá cao về khả năng làm ra lợi nhuận cho doanh nghiệp, nghĩa là công ty có tiềm năng tăng trưởng tốt.
Tuy nhiên, theo ông Dự, P/E cũng chỉ là một trong trong nhiều phương pháp đo lường để định giá. Yếu tố quan trọng nhất để định giá là căn cứ vào EBITDA. Đây là một chỉ tiêu đánh giá tỉ suất sinh lợi của doanh nghiệp, bằng thu nhập trừ các chi phí, nhưng chưa trừ tiền trả lãi, thuế và khấu hao. "Biết được chỉ số này thì mới biết là Nguyễn Kim bán được giá hay không", ông Dự nhận định.
Những câu chuyện phía sau
Mặc dù việc bán 49% được công bố là hình thức hợp tác, nhưng rõ ràng việc Nguyễn Kim bán một lượng lớn cổ phần cho Central Group trong khi đang đứng vị trí số 1 ở thị trường bán lẻ điện máy Việt Nam đã khiến cho giới kinh doanh đặt ra dấu hỏi về ngành, cũng như tương lai của hệ thống bán lẻ này.
Tuy nhiên, với những người am hiểu mô hình kinh doanh bán lẻ điện máy, việc bán bớt cổ phần của ông chủ Nguyễn Kim lại là một chiến lược khôn ngoan và không mấy bất ngờ.
Nhà kinh doanh bán lẻ hàng điện tử nào cũng hiểu rằng, tỉ suất lợi nhuận của ngành này không cao (khoảng 5%) và giải pháp để tồn tại duy nhất là phải mở rộng quy mô. Nguyễn Kim đã thực hiện rất tốt chiến lược này khi họ mở rộng liên tục hệ thống từ 4 trung tâm (năm 2010) lên 21 trung tâm vào đầu năm 2013; với kết quả kinh doanh rất khả quan và tuyên bố những tham vọng lớn như đạt tốc độ tăng trưởng 50%/năm, năm 2015 sẽ đạt khoảng 30 - 40% thị phần cả nước.
Tuy nhiên, kể từ năm 2013 đến nay, Nguyễn Kim chưa phát triển thêm được cửa hàng bán lẻ nào.
Nỗ lực mở rộng hệ thống của Nguyễn Kim cũng được thực hiện mạnh mẽ vào năm 2012, khi rầm rộ khai trương 5 siêu thị mang tên Thế giới số 24G với mô hình "trải nghiệm trước, mua sắm sau".
Thậm chí, mô hình này còn được Nguyễn Kim dự định phát triển thành chuỗi 100 cửa hàng trên toàn quốc với một chiến lược kinh doanh bài bản trong vài năm tới. Thế nhưng, chỉ sau vài tháng hoạt động không hiệu quả, để tránh thua lỗ, Nguyễn Kim đã buộc phải dọn dẹp mô hình Thế giới số 24G để quay về mảng điện tử gia dụng.
Chiến lược mở rộng bất thành khiến cho lợi nhuận của Nguyễn Kim chững lại. Năm 2011, doanh thu của Nguyễn Kim đạt 6.400 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 320 tỉ đồng và bỏ xa những doanh nghiệp cùng ngành. Tuy nhiên, đến năm 2014, dù doanh thu tăng lên 8.438 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế vẫn chỉ đạt 352 tỉ đồng.
Trong thương vụ của Nguyễn Kim, việc Central Group chấp nhận chỉ mua 49% vốn cũng khiến giới đầu tư không khỏi thắc mắc. Thực tế, từ trước đến nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện các cuộc M&A với doanh nghiệp Việt Nam vẫn thường mua với tỉ lệ chi phối, đặc biệt là với các doanh nghiệp tư nhân để có thể toàn quyền quyết định chiến lược. Trong trường hợp của Nguyễn Kim, nếu muốn nắm quyền quyết định, chắc chắn Central Group phải tăng thêm tỉ lệ sở hữu. Phải chăng trong lĩnh vực điện máy, Central Group chỉ muốn đầu tư chiến lược?
"Với việc đầu tư vào Nguyễn Kim, Central Group chỉ có thể đạt được tiêu chí về doanh số và lợi nhuận, chứ sẽ không đạt được tiêu chí về việc đưa sản phẩm Thái Lan vào bán ở kênh này. Thế nên việc nắm 100% vốn cũng không thay đổi gì nhiều", ông Robert Trần, Tổng Giám đốc khu vực châu Á Tập đoàn Tư vấn chiến lược Robenny (Canada), nhận định.
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư
Không ghi tác giả