Không dừng lại với thị trường 60 triệu dân Thái, doanh nghiệp Thái Lan hiện đang muốn mở rộng sang thị trường Việt Nam để hiện thực hoá tham vọng của mình.
Hơn 3 tháng trước, Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, người giàu thứ 3 tại Thái Lan, đã mua lại hệ thống bán lẻ Metro Cash & Carry Việt Nam. Tuần qua, Wall Street Journal lại đưa tin, ThaiBev, một công ty khác của vị tỉ phú này, đang muốn trở thành cổ đông chiến lược của Tổng Công ty Bia rượu nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Trước thương vụ thâu tóm Metro Việt Nam, Tập đoàn BJC của ông chủ này đã nhảy vào mua lại cổ phần của đối tác Nhật trong liên doanh Family Mart tại Việt Nam và sau đó đổi tên thành B'mart.
Tương tự, trong khoảng thời gian trên, F&N Dairy Investment, một công ty thực phẩm có trụ sở tại Singapore do Thai Beverage (một công ty khác cũng thuộc quyền kiểm soát của ông Charoen) chi phối, cũng đã mua lại hơn 10% cổ phần của Công ty Cổ phần Sữa Vinamilk. Không xuất hiện trước truyền thông, nhưng với những vụ đầu tư liên tục, dường như vị tỉ phú này đang muốn chuyển trọng tâm chiến lược kinh doanh sang thị trường Việt Nam.
"Mảnh ghép" bán buôn giúp hệ thống của BJC tại Việt Nam hoàn thiện
Tuy nhiên, doanh nhân Charoen không phải là trường hợp đơn lẻ. Hàng loạt doanh nghiệp Thái khác như SCG, Central Group, C.P. đã và đang âm thầm mở rộng hoặc tiến vào thị trường Việt Nam, bằng cách này hoặc cách khác.
Tiềm năng thị trường Việt
"Nhiều doanh nghiệp Thái đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Hiện chúng tôi có một vài thương vụ đang trong quá trình đàm phán và có thể kết thúc trong thời gian ngắn sắp tới", ông Nguyễn Nam Sơn, Giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư Vietnam Capital Partners, cho biết.
Vietnam Capital Partners từng tư vấn thành công nhiều vụ M&A của các doanh nghiệp Thái Lan tại thị trường Việt Nam. Điển hình nhất chính là thương vụ Công ty The Nawaplastic Industries mua lại 20% cổ phần của Nhựa Bình Minh và 23% cổ phần Công ty Nhựa Tiền Phong vào năm 2012.
Trong khi đóng vai trò là một nhà tư vấn chiến lược kinh doanh và từng có dịp tiếp xúc với rất nhiều doanh nhân Thái Lan, ông Robert Trần, Tổng Giám đốc khu vực châu Á của Tập đoàn Tư vấn chiến lược Robeny (Canada), cho biết khủng hoảng kinh tế cũng như chính trị trong nhiều năm gần đây đã khiến nhiều doanh nghiệp Thái Lan muốn mở rộng ra nước ngoài để tăng thị phần, bù đắp sự thiếu hụt từ thị trường nội địa. Để thực hiện chiến lược này, họ nhắm đến những nước gần nhất và Việt Nam là một trong số đó.
Một số tài sản lớn của tỷ phú Charoen tại Việt Nam trước khi thâu tóm Metro
"Cách đây 3 năm trong những cuộc nói chuyện với các doanh nhân người Thái, tôi đã thấy rằng, thị trường họ nhìn thấy không phải chỉ dừng ở 60 triệu dân Thái, mà phải cộng thêm 90 triệu dân của Việt Nam", ông Robert Trần kể lại.
Theo ông Robert, chiến lược này của các doanh nhân Thái cũng không có gì khó hiểu. Bởi nhận xét một cách công bằng, văn hóa Thái có những nét tương đồng, nhưng hàng hóa của họ lại tốt hơn hàng Việt Nam. Do đó, thị trường rộng lớn tại Việt Nam là điều mà người Thái hoàn toàn có thể "nắm bắt".
Thực tế, không phải chỉ đến thời điểm này người Thái mới đầu tư vào Việt Nam. Một số tập đoàn lớn của Thái đã xem Việt Nam như một thị trường lớn của họ và đã đầu tư vào rất sớm, có thể tính từ năm 1993.
Tập đoàn Charoen Pokphand (C.P.) đã bắt đầu đầu tư vào Việt Nam từ năm 1993, với nhà máy sản xuất thức ăn gia súc đầu tiên tại tỉnh Đồng Nai. Đến nay, C.P. Vietnam Corp. đang dẫn đầu thị trường cung cấp thức ăn gia súc tại Việt Nam với 18% thị phần. Ngoài ra, hiện C.P cũng chiếm hơn 30% nguồn cung cấp trứng gà và 5% thị phần thịt heo trong cả nước.
Một số tập đoàn lớn của Thái đã xem Việt Nam như một thị trường lớn của họ và đã đầu tư vào rất sớm, có thể tính từ năm 1993.
Tuy nhiên, trong một thời gian dài sau đó, đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam không có dự án nào đáng kể. Đến năm 2012, các công ty Thái mới tăng đầu tư bằng việc nâng cao số lượng và cả giá trị của các thương vụ M&A.
Việc tăng đầu tư vào Việt Nam thời gian gần đây, theo ông Robert Trần, là sự chuẩn bị của người Thái cho việc Việt Nam gia nhập TPP. Ngoài ra, cuối năm 2015 là thời điểm mà Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC) với một thị trường chung lên đến 600 triệu người với sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động, có thể sẽ đi vào hoạt động.
Hồi tháng 7, trong buổi giao thương tại Hà Nội, bà Busaba Butrat, Tham tán Thương mại Sứ quán Thái Lan, nhận xét thị trường Việt Nam đang rất thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại nước này do lợi thế dân số trẻ và có khả năng chi tiêu dùng ngay. Hàng hóa Thái Lan cũng được ưa chuộng tại Việt Nam và cơ hội ngày càng rộng mở khi năm 2015, nhiều hàng hóa nhập khẩu sẽ được miễn thuế.
Từ chiến lược "xương sống"
Đây cũng là lý do có thể giải thích vì sao những vụ đầu tư của doanh nghiệp Thái gần đây đều liên quan đến phân phối.
Ngoài những cuộc "xâm lược" quen thuộc như tỉ phú Charoen mua lại Metro hay chuỗi cửa hàng Family Mart; Trung tâm Bách hóa Robins, thành viên của Tập đoàn bán lẻ Central cũng sẽ khai trương tại TP.HCM; C.P. Việt Nam cũng đã lên kế hoạch hoàn thành hơn 10.000 điểm bán lẻ và cửa hàng trên cả nước với nhiều sản phẩm cạnh tranh với các doanh nghiệp nội địa. Đến nay, C.P. mới đầu tư được 400 cửa hàng bán lẻ mang thương hiệu C.P. Fresh Mart, C.P. Kiosk...
Tại sao họ lại chọn đầu tư vào mảng phân phối trong thời điểm này? Theo ông Robert Trần, đây là một chiến lược cho thấy người Thái nhìn rất rộng và sâu về kinh doanh. Bởi với nền tảng phân phối mạnh, thì những sản phẩm của người Thái sẽ được hưởng lợi.
"Một khi đã làm chủ được kênh phân phối, nếu không thành công với sản phẩm này thì họ có thể làm sản phẩm khác. Đó là chưa nói đến tài sản họ có được là lượng khách hàng, kênh phân phối và bất động sản", ông Robert phân tích.
Phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam mới đây sau khi thực hiện thành công thương vụ Metro Cash & Carry Việt Nam, ông Aswin Techajareonvikul, Giám đốc Điều hành của BJC, nhận định sau khi mua lại Metro, "BJC sẽ có một hệ thống phân phối hàng hóa rộng khắp. Và đây là con đường để họ đưa hàng Việt Nam vào hệ thống của mình, cũng như đưa hàng Thái Lan tới người tiêu dùng Việt Nam".
Trước đó, sau khi cho ra đời hệ thống cửa hàng B's mart, BJC đã tăng số lượng hàng Thái chiếm tới 70% tại hệ thống siêu thị này.
Không chỉ có người Thái, gần đây nhiều nhà bán lẻ của Nhật hay Hàn Quốc cũng đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực bán lẻ. Có thể kể đến như Lotte của Hàn Quốc hay Aeon của Nhật. Và một điểm chung là các nhà bán lẻ này ưu tiên sản phẩm từ quốc gia của họ.
Thực ra, hàng Thái ở Việt Nam từ trước đến nay rất được ưa chuộng. Tuy nhiên điểm yếu của họ là chưa được phổ biến trong các cửa hàng bán lẻ. Chiến lược tiếp cận người tiêu dùng của sản phẩm Thái cũng không nổi bật, so sánh với các sản phẩm đến từ Hàn Quốc hay Nhật thông qua các trào lưu văn hóa.
"Một khi đã làm chủ được kênh phân phối, nếu không thành công với sản phẩm này thì họ có thể làm sản phẩm khác."
Một cách tiếp cận người tiêu dùng và thị trường phổ biến của người Thái là tổ chức các buổi hội chợ hay triển lãm. Cụ thể, hàng năm Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Thương mại Thái Lan - Văn phòng Thương vụ Thái tại TP.HCM đã tổ chức các Tuần lễ Thái Lan liên tục trong suốt 13 năm qua. Thậm chí, gần đây Cung Văn hóa Lao động cũng thường xuyên trở thành điểm bán hàng do các doanh nghiệp nhập khẩu hàng Thái tổ chức.
Đến chuỗi giá trị khép kín
Không chỉ muốn nắm "xương sống" của thị trường, quan sát chiến lược của các doanh nghiệp Thái đầu tư vào Việt Nam còn cho thấy, họ xác định chiến lược đầu tư bài bản và thường đầu tư theo chuỗi giá trị khép kín, thay vì các ngành đơn lẻ.
C.P. bắt đầu từ lĩnh vực sản xuất thức ăn gia súc, sau đó đã dần khép kín quy trình sản xuất khi bổ sung thêm khâu chế biến thực phẩm và phân phối. Hay như SCG, một tập đoàn vật liệu xây dựng với giá trị tài sản của SCG tại Việt Nam đã xấp xỉ 1 tỉ USD. Mặc dù đã bao gồm 19 lĩnh vực trong ngành, nhưng chiến lược của tập đoàn này vẫn là tiếp tục M&A những lĩnh vực mắt xích mới trong chuỗi sản xuất và cung ứng của họ.
Năm 2012, thông qua The Nawaplastic Industries, SCG trở thành cổ đông lớn của Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong. Năm 2013, SCG đã có một thương vụ lớn khi mua lại 85% cổ phần của Tập đoàn Prime với giá 280 triệu USD.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn năm 2013, ông Kan Trakulhoon, Chủ tịch Tập đoàn SCG, cho biết SCG sẵn sàng M&A nhiều hơn nữa đặc biệt là ngành xi măng và vật liệu xây dựng. SCG cũng không ngại khi chia sẻ họ mong muốn tăng tỉ lệ sở hữu tại hai công ty nhựa lên 49%. Trong đó Nhựa Bình Minh đã có 20% cổ phần của The Nawaplastic Industries, công ty thành viên của SCG
Hay như, việc công bố muốn trở thành đối tác của Sabeco gần đây của ThaiBev dường như cũng nằm trong chiến lược ban đầu của ông Charoen Sirivadhanabhakdi.
Năm 2010, BJC đã chính thức vào Việt Nam khi trở thành đối tác của Sabeco trong Công ty Bao bì Thủy tinh Malaya Việt Nam (Sabeco nắm 30% cổ phần trong Malaya Việt Nam tại thời điểm đó).
Năm 2011, cùng với Tập đoàn Ball (một trong những nhà sản xuất vỏ lon lớn nhất thế giới), BJC tiếp tục đầu tư mạnh vào lĩnh vực sản xuất lon nhôm phục vụ thị trường nước ngọt, bia với một nhà máy tại VSIP II Bình Dương có công suất thiết kế 750 triệu lon/năm.
Rõ ràng, với việc là nhà cung ứng bao bì thủy tinh hằng năm cho Sabeco, Charoen Sirivadhanabhakdi chắc chắn biết được tiềm năng của Sabeco thực sự là như thế nào.
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn
Không ghi tác giả