"Quảng bá trong im lặng," đó là một chiến lược tiếp thị ít được đề xuất bởi các chuyên gia, và có rất ít khả năng thành công đối với các công ty nói chung.
iPhone 6 và iWatch, 2 sản phẩm sắp ra mắt của Apple.
Thế nhưng, Apple lại là một ngoại lệ. Đối với sự kiện đang rất được mong đợi được tổ chức vào ngày 9/9 này tại trung tâm nghệ thuật biểu diễn ở Thung lũng Silicon, Apple càng đưa ra ít thông tin thì dư luận lại càng "nóng ruột."
Kể từ sau sự ra đi của người đồng sáng lập huyền thoại Steve Jobs gần 3 năm về trước, công ty đã tiết lộ rất ít về những dự kiến ra mắt của sản phẩm được coi là bước tiến lớn tiếp theo của mình.
Để chuẩn bị cho sự kiện sắp tới, những lời mời đã được gửi tới một nhóm người dùng nhất định, với nội dung chỉ vọn vẹn có ngày diễn ra sự kiện, và dòng chữ "Ước gì chúng tôi có thể tiết lộ nhiều hơn."
Apple được coi là bậc thầy của phong cách tiếp thị độc đáo: bằng cách im lặng, Apple còn nhận được nhiều sự chú ý của dư luận hơn hầu hết những công ty đã đổ tiền vào các chiến dịch tiếp thị đình đám.
Chừng nào Apple vẫn còn tung ra những thiết bị được coi là không thể thiếu đối với người dùng, thì chừng đó im lặng và chọn lọc vẫn là những vũ khí mạnh trong chiến lược marketing của hãng, theo đánh giá của các chuyên gia.
"Hãng sở hữu một thứ văn hóa bí mật, khơi gợi nhiều sự tò mò và suy đoán về những gì họ đang làm," nhà phân tích Ross Rubin đến từ Reticle Research cho biết. "Hơn nữa, có một sự kỳ vọng rằng sản phẩm mà họ sắp giới thiệu sẽ thay đổi hoàn toàn cục diện thị trường. Apple rất giỏi bởi họ luôn làm tốt hơn mong đợi, kể từ thời chiếc máy tính Apple II đến giờ."
Chiến lược cho phép các tin đồn nâng cao kỳ vọng của người dùng gây ra cho Apple áp lực phải liên tục khiến cho thế giới ngạc nhiên vì các sản phẩm của mình. Nếu không làm được điều ấy, sự kiện do Apple tổ chức có nguy cơ trở thành một sự thất vọng.
Tuy nhiên, Apple luôn có cách để tiếp cận "hậu trường" nhằm làm dịu đi những suy đoán thiếu thực tế về sản phẩm của họ.
Hãng thậm chí còn được đánh giá là cởi mở hơn một chút sau sự ra đi vào tháng 5 của Katie Cotton, cựu giám đốc PR của hãng, người đã quản lý rất chặt chẽ hình ảnh quý giá của công ty trong suốt thời gian làm việc tại đây.
Trong hai tuần vừa qua, Apple đã nhanh chóng lên tiếng sau khi những bức ảnh khỏa thân của nhiều nhân vật nổi tiếng đã rơi vào tay các hacker thông qua tài khoản iCloud, và cũng đã có phản hồi kịp thời trước một báo cáo quan trọng về một trong số những nhà cung cấp của hãng này ở Trung Quốc.
Quá khứ yếu thế của Apple
Một số người cho rằng khuynh hướng giữ bí mật của Apple bắt nguồn từ năm 1997 khi Jobs trở lại vị trí lãnh đạo công ty trong bối cảnh Apple đang trên đà phá sản.
Hai kỹ sư lâu năm của Apple đã từng chia sẻ với AFP rằng kỹ thuật tiếp thị này xuất phát từ Phật giáo Thiền tông được nghiên cứu bởi Jobs, và từ quan điểm cho rằng các phương tiện truyền thông sẽ tự động nhận thấy nhu cầu lấp đầy khoảng trống về thông tin được tạo ra khi công ty giữ im lặng.
Các thiết bị mới của Apple luôn được săn đón
Lý do khiến Apple phát triển mạnh mẽ trong khi vẫn tách biệt với giới truyền thông nằm ở sự tập trung nguồn lực vào một số sản phẩm nhất định, đồng thời kiểm soát mọi thứ xung quanh các sản phẩm này, từ phần cứng tới phần mềm, từ hệ điều hành tới các nội dung đa phương tiện.
Apple thậm chí còn bắt đầu sản xuất chip dành riêng cho các thiết bị di động của hãng.
Không những thế, hãng còn không ngại đưa ra những thay đổi mạnh mẽ, như việc từ bỏ phần bàn phím của điện thoại thông minh mà thay vào đó là màn hình cảm ứng toàn bộ, theo đánh giá của Rubin. "Ngược lại với nhiều công ty khác, Apple không sợ phải rời bỏ quá khứ và bỏ lại những di sản công nghệ phía sau," nhà phân tích này cho biết.
Đối với việc tiếp cận các thị trường mới, Apple tính toán rất cẩn thận. Khoảng thời gian giữa mỗi lần ra mắt sản phẩm lớn của hãng đều rơi vào khoảng 5 năm hoặc lâu hơn. "Có rất nhiều kỳ vọng và trông đợi, bởi Apple không thường cho ra những thể loại sản phẩm mới," Rubin cho biết. "Họ dành nhiều thời gian chuẩn bị để hoàn thiện sản phẩm ngay từ lần đầu xuất hiện."
Chiến lược được hỗ trợ bởi các sản phẩm
iPhone là một trong số những sản phẩm lớn của Apple, và hiện đang là chú gà đẻ trứng vàng của hãng này.
Lợi nhuận của Apple đã tăng mạnh trong quý 2 năm nay , do nhu cầu ngày một cao đối với các sản phẩm iPhone, đặc biệt là ở Trung Quốc. Apple cho biết đã bán được 35,2 triệu chiếc iPhone trong quý 2/2014, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong cuộc họp với các nhà phân tích tài chính, giám đốc điều hành Tim Cook cho biết hãng sẽ cho ra mắt những sản phẩm và dịch vụ mới "tuyệt hảo," nhưng cũng không đưa ra chi tiết cụ thể nào như thường lệ.
"Chừng nào họ vẫn còn đưa ra các sản phẩm chất lượng, thì chừng đó họ vẫn sẽ không thể thất bại," nhà phân tích Rob Enderle thuộc Enderle Group, Thung lũng Silicon cho biết.
Những tin đồn lan tràn về các sản phẩm sẽ được Apple hé lộ trong sự kiện ngày 9/9 này rất đa dạng: một chiếc iPhone màn hình lớn theo xu hướng phablet, hoặc cũng có thể là một chiếc iWatch tận dụng những tính năng vốn có của iPhone hay iPad.
Không chỉ vậy, những suy đoán và mong đợi còn được đẩy cao hơn nữa, bởi địa điểm tổ chức sự kiện lần này chính là trung tâm nghệ thuật ở gần trụ sở Apple mà 30 năm về trước, Steve Jobs đã giới thiệu với thế giới chiếc máy tính Macintosh huyền thoại.
Theo My Nguyễn
Vietnam+