Đã đặt chân đến 63 tỉnh thành tại các trung tâm thành phố, mới đây lại công bố dự tính niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán trong năm 2014, bước đi tiếp theo của Thế Giới Di Động - nhà bán lẻ điện thoại hàng đầu trên thị trường Việt Nam - sẽ như thế nào?

Trả lời VnEconomy, ông Trần Kinh Doanh, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động nói:

2013 có thể coi là một năm khá thành công, khi chúng tôi đã làm được rất nhiều việc. Công ty đã đạt doanh thu 7.822 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2012 và thu về lợi nhuận là 250 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2012.

Công ty cũng đã đầu tư mạnh cho mảng dịch vụ online, nâng cấp phiên bản máy tính và điện thoại di động cho trang thegioididong.com, đạt khoảng 10 triệu lượt truy cập mỗi tháng, doanh thu đến từ mảng kinh doanh online chiếm khoảng 5%.

Năm 2013, Thế Giới Di Động cũng đã bán ra thị trường được 2,5 triệu chiếc điện thoại di động, chiếm khoảng 20% tổng thị trường trên toàn quốc...

Còn những điều mà các ông chưa làm được trong năm qua?

Thị trường laptop năm 2013 không tăng trưởng và kết quả kinh doanh của Thế Giới Di Động với mảng sản phẩm này cũng đứng yên. Trong khi đó, điện thoại và tất cả các sản phẩm khác đều tăng.

Nhìn lại, chúng tôi thấy mảng kinh doanh laptop chưa được công ty triển khai mạnh mẽ và chưa tạo ra sức hút tốt nhất cho khách hàng đến mua sắm.

Mảng phụ kiện kèm theo cho điện thoại như bao da, ốp lưng... nhu cầu rất lớn, nhưng năng lực phục vụ cho khách hàng còn hạn chế, đây cũng là cơ hội mà chúng tôi chưa làm tốt.

Và thứ ba là thị phần tại Hà Nội. Trên toàn quốc, Thế Giới Di Đông chiếm khoảng 20%, một số vùng cao hơn như Tp.HCM là 25-30%, có nơi lên tới 40%, nhưng tại thủ đô Hà Nội, một thị trường cả doanh số và sức mua rất lớn nhưng khả năng phục vụ của công ty còn rất thấp.

Năm 2014, chúng tôi sẽ đẩy mạnh năng lực để gia tăng thị phần tại đây.

"Lên sàn" không phải để huy động vốn

Có thể vào đầu quý 2/2014, Thế Giới Di Động sẽ "lên sàn". Tuy nhiên, 2014 vẫn là năm được nhìn nhận còn nhiều khó khăn và thị trường chứng khoán chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc. Vì sao các ông đề ra mục tiêu này?

Chúng tôi đã thông qua kế hoạch và nhất định sẽ lên sàn. Các kế hoạch chuẩn bị cho việc lên sàn đã và đang đi đúng tiến độ, không có gì thay đổi.

Cách đây mấy năm, Thế Giới Di Động có các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư, và công ty phải cam kết trong lộ trình bao nhiêu năm thì phải lên sàn để họ thoát vốn và có lời. Họ lời khủng khiếp đấy.

Đã cam kết thì mình phải làm thôi.

Nhưng với bối cảnh trên thì việc thực hiện cam kết này cũng là thử thách lớn đấy chứ...

Theo suy nghĩ của tôi, nếu thực sự là công ty của công chúng thì phải hết sức rõ ràng, minh bạch trong mọi lời nói, công việc của mình. Thách thức lớn nhất khi lên sàn là việc đó. Làm sao mọi hoạt động của mình phải rõ ràng, minh bạch.

Với Thế Giới Di Động, công ty cũng hướng tới cách thức vận động như vậy, vì thế, rõ ràng việc lên sàn thách thức nhưng lại là cơ hội cho doanh nghiệp tiếp tục củng cố, lựa chọn cho hướng đi vận hành kinh doanh đã chọn.

Các công ty lên sàn chứng khoán với mục tiêu chính là để huy động vốn, cần vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh, công ty của các ông chắc cũng không nằm ngoài quỹ đạo này?

Cũng không ít doanh nghiệp lên sàn là để bán một phần cổ phần để có thêm nguồn lực vốn, mở rộng kinh doanh và đây là một trong những mục tiêu cốt lõi.

Nhưng Thế Giới Di Động "lên sàn", nhu cầu về vốn không phải là cái bức bách. Yếu tố vốn không phải là nhu cầu lớn của chúng tôi.

Hiện Thế Giới Di Động có hai nhà đầu tư nước ngoài là Mekong Enterprise Fund II (MEF II) và công ty CDH Electric Bee Limited. Tôi được biết, có thể quỹ Mekong sẽ rút một phần vốn và bán cho ai đó. Còn quỹ CDH thì họ mới vào và nhìn thấy tiềm năng nên có khả năng không thoái vốn.

Tiến về nông thôn

Năm 2013, tốc độ tăng trưởng thị trường công nghệ đang giảm và dự kiến sẽ còn kéo dài tới 2014. Điều này có thể ảnh hưởng thế nào đến việc kinh doanh của các ông?

Theo dự báo được hãng nghiên cứu thị trường JFK cập nhật vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10/2013 thì tốc độ tăng trưởng của điện thoại di động 2013 là khoảng 15%, trong khi đó mức tăng trưởng trung bình các năm trước là 20%.

Tuy nhiên, mức tăng 2013 là trên giá trị chứ không tăng trên sản lượng, thậm chí sản lượng còn giảm đi. Tăng do sự dịch chuyển từ điện thoại thông thường lên điện thoại smartphone.

Nhìn toàn cảnh, sức mua năm 2013 có giảm đi so với 2012 nhưng đồng tiền lại nhiều hơn. Năm 2014 tôi nghĩ cũng vậy, vì việc cung ứng sản phẩm ra thị trường của ngành sản xuất thiết bị di động vẫn năng động, mạnh mẽ, liên tục đưa ra những cái mới, thú vị hơn, vẫn tiếp tục tăng trưởng cao hàng năm.

Có một thực tế, cứ 10 chiếc điện thoại bán ra ở Việt Nam thì các đơn vị bán lẻ theo mô hình hiện đại như Thế Giới Di Động, như FPT... chỉ đang phục vụ được 5 cái, 5 cái còn lại vẫn rơi vào các shop bán theo mô hình truyền thống. Thêm nữa, các mô hình bán lẻ hiện đại chỉ đang hiện diện ở các thành phố, thành thị lớn, ví dụ như chỉ có thành phố Nam Định, còn về đến huyện Hải Hậu chẳng hạn thì lại trống trơn.

Tiến về nông thôn, nhưng khách hàng vẫn nhận được dịch vụ bán lẻ chẳng thua kém gì các cửa hiệu của hãng ở thành phố lớn là bài toán mà Thế Giới Di Động đang đặt ra. Nếu chúng tôi làm được thì có cơ hội gia tăng được thị phần hơn 20% nữa.

Đó là một thách đố lớn mà chúng tôi sẽ cố gắng tìm ra lời giải trong năm 2014.

Tuy nhiên, sức mua cũng như túi tiền của các miền quê, vùng nông thôn là tương đối hạn hẹp, thưa ông?

Thế Giới Di Động dự tính sẽ mở cỡ 700 - 1.000 siêu thị ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ở tầm đó gọi là mới đủ phục vụ được cho khách hàng nông thôn.

Chúng tôi đã có các buổi khảo sát nghiêm túc ở các vùng nông thôn trong miền Nam, đã tìm hiểu các shop bán lẻ bán gì, sắp đặt cửa hàng ra sao, phục vụ khách hàng thế nào... Và qua đó, chúng tôi nhận thấy có thể đưa sản phẩm đến với khách hàng ở miền quê, vùng sâu, vùng xa.

Trong nhìn nhận của Thế Giới Di Động, có một cơ hội để công ty có thể mang sản phẩm có giá trị sử dụng tốt tới tay người dùng nông thôn nhưng lại nằm trong khả năng thanh toán của họ.

Đi vào vùng nông thôn vẫn hiện ra các mẫu điện thoại Nokia, điện thoại phổ thông rất nhiều... và cảm nhận của chúng tôi là các sản phẩm điện thoại smartphone với màn hình 4 inch, giá ở tầm 30-40 USD, các nhà sản xuất hoàn toàn có thể cung cấp.

Giá bán lẻ smartphone đến tay người dùng ở vùng nông thôn có thể nằm ở vùng 1,5-2 triệu. Với giá như vậy thì khả năng thanh toán của khách hàng nông thôn là hoàn toàn có.

Chiến lược tiến về nông thôn đã được các ông lên lộ trình như thế nào?

Điều quan trọng là chúng tôi quyết tâm làm và đặt mục tiêu này là một trong những trọng tâm lớn cho năm 2014. Còn có làm được và thành công hay không thì phải làm đã thì mới nói được.

Năm 2014, có thể chúng tôi sẽ tập trung làm từ 50-100 cửa hàng tại khu vực gần gần với Sài Gòn, như tỉnh Long An, Tây Ninh hay Bình Dương, và ở những tỉnh đó chúng tôi sẽ phủ đầy hết các thị trấn nông thôn.

Sau đó chúng tôi quan sát vận hành, tinh chỉnh, tìm ra cách thức nào đó mà khách hàng cảm thấy tốt nhất đối với họ và phù hợp nhất với công ty. Khi công việc đó hoàn tất thì bước còn lại là mang đi nhân rộng thôi.

2014 sẽ là năm thử nghiệm để chúng tôi tìm ra công thức tốt nhất tiến vào vùng nông thôn. Với năng lực mở rộng mà Thế Giới Di Động đã thực hiện tại 63 tỉnh thành trong một năm rưỡi, thì với 1.000 siêu thị ở vùng quê chúng tôi có thể làm trong vòng 1,5 - 2 năm.

Theo VnEconomy.

Pin It
Vinnie Jones

"Thắng không phải lúc nào cũng thực sự quan trọng miễn sao là bạn thắng."

User Menu