Để thu về 500 USD, Việt Nam phải xuất khẩu 2 tấn dầu thô, Sony cần bán một chiếc TV 5 kg, Intel bán một con chíp 0,1 gr, còn Microsoft chỉ cần bán một bản quyền phần mềm nặng 0 gr.

Rõ ràng, một sản phẩm càng chứa đựng nhiều chất xám thì lại càng giá trị. Tuy nhiên, những ngành mang tiếng là "sáng tạo" tại Việt Nam lại chưa đem về được hiệu quả như mong đợi. Có thể thấy rõ điều này ở lĩnh vực truyền thông tiếp thị.

Truyền thông tiếp thị, một ngành mà khả năng sáng tạo là yếu tố sống còn, mới chỉ chiếm trên dưới 1% GDP của Việt Nam. Thực tế, việc đầu tư cho truyền thông tiếp thị ở trong nước còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Trong khi một số doanh nghiệp nội địa vẫn còn xem truyền thông tiếp thị như là gánh nặng chi phí, thì các tập đoàn đa quốc gia luôn nhìn nhận đây là khoản đầu tư cần ưu tiên.

Công ty Unilever sắp kỷ niệm cột mốc 20 năm hoạt động tại Việt Nam với việc trở thành đơn vị trẻ tuổi nhất trong tập đoàn Unilever toàn cầu bước chân vào "Nhóm 1 tỉ Euro". Đóng góp không nhỏ vào thành công này là sự đầu tư mạnh tay và xuyên suốt của Unilever cho quảng cáo ngay từ những ngày đầu. Đây cũng là công thức thành công chung không chỉ từ những đại gia nước ngoài khác như Coca Cola, Pepsi hay Samsung, mà của cả những doanh nghiệp lớn trong nước như Vinamilk, Masan hay Tân Hiệp Phát.

Tuy đóng vai trò tối quan trọng đối với doanh nghiệp, nhưng phần lớn các sản phẩm truyền thông tiếp thị do người Việt thực hiện vẫn chưa được đánh giá cao. "Chuẩn mực ý tưởng sáng tạo tại Việt Nam vẫn còn tụt hậu khá xa so với các chuẩn mực trên thế giới", Todd McCracken, Tổng Giám đốc Sáng tạo Ogilvy & Mather, từng đoạt hơn 200 giải thưởng truyền thông quốc tế, nhận định.

Những con số thống kê từ Spikes Asia (Liên hoan Quảng cáo Sáng tạo châu Á) cũng cho thấy nhận xét trên là không quá lời. Trong năm 2013, Việt Nam chỉ gửi dự thi Spikes Asia vỏn vẹn 50 bài. Trong khi đó, con số này của Philippines là 265, Thái Lan là 263, còn Indonesia và Malaysia cũng lần lượt gửi 170 và 154 bài dự thi.

Bàn về vấn đề nâng cao chuẩn mực sáng tạo, Giám đốc Sáng tạo Bạc Cầm Tiến của Ogilvy Việt Nam tin rằng việc chủ động tham gia các liên hoan truyền thông quảng cáo danh giá như Spikes Asia, Digital Asia Festival (Liên hoan Kỹ thuật Số châu Á) hay Asian Marketing Effectiveness and Strategies (Liên hoan Hiệu quả và Chiến lược Tiếp thị châu Á) chính là cơ hội tốt để các công ty truyền thông trong nước học hỏi và góp phần phát triển ngành quảng cáo Việt Nam.

Hiển nhiên, tham gia ở đây không có nghĩa là "dự thi cho vui". Ông Bob Cohen, Giám đốc Sáng tạo Cấp cao của JWT Việt Nam chia sẻ rằng điều quan trọng nhất là các công ty quảng cáo phải đặt tiêu chí "làm để mang đi tranh tài quốc tế" khi thực hiện các dự án. Với loạt poster trong chiến dịch quảng bá cho sản phẩm thuốc trị cảm cúm Decolgen, JWT Việt Nam từng đoạt giải đồng tại Spikes Asia và giải đồng ở hạng mục Quảng cáo ngoài trời tại Liên hoan Quảng cáo Quốc tế Cannes Lion năm 2011.

Đầu tháng 12.2013, cộng đồng các doanh nghiệp truyền thông quảng cáo vừa nhận được tin vui khi Trung tâm Đào tạo Kỹ năng Truyền thông Tiếp thị AiiM được chỉ định trở thành đại diện chính thức cho Spikes Asia, Digital Asia Festival và Asian Marketing Effectiveness and Strategies tại Việt Nam. Rõ ràng từ thời điểm này, đưa sản phẩm tham gia tranh giải tại những liên hoan quảng cáo truyền thông có uy tín đã không còn quá xa vời đối với các công ty trong nước.

"Thật ra chi phí tham gia dự thi các liên hoan quảng cáo là không lớn đối với một công ty truyền thông, điều quan trọng là chúng ta phải trân trọng và dành riêng ngân sách cho việc này vì người hưởng lợi không ai khác chính là bản thân mình", ông David Smail, Chủ tịch kiêm Giám đốc Sáng tạo Cấp cao của BBDO Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm.

Theo Nhịp cầu đầu tư.

Pin It
C. V. Ramanan

"Không thể có một cách làm đúng cho một hành động sai."

User Menu