Nửa cuối tháng 10/2013, tại miền Bắc, ba doanh nghiệp điện máy lớn là Pico, Media Mart và Trần Anh liên tục khai trương siêu thị mới.
Mạo hiểm ôm thị trường chờ thời
Nửa cuối tháng 10/2013, tại miền Bắc, ba doanh nghiệp điện máy lớn là Pico, Media Mart và Trần Anh liên tục khai trương siêu thị mới. Trong khi Pico mở siêu thị thứ 6 tại Giảng Võ (Hà Nội), thì Media Mart mở siêu thị thứ 7 tại đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) và bắt đầu tấn công vào thị trường Hải Phòng với siêu thị thứ 8, còn Trần Anh mở siêu thị thứ 9 tại quận Hoàng Mai (Hà Nội).
Trong cuộc đua này, Trần Anh là doanh nghiệp mở nhiều siêu thị nhất năm 2013. Trước đó, quý 2, Trần Anh đã mở thêm ba siêu thị mới tại Phạm Văn Đồng (Từ Liêm), Trần Phú (Hà Đông) và Cát Linh (Ba Đình). Đến quý 3, Trần Anh lại mở thêm địa điểm mới tại Royal City (Thanh Xuân).
Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Trần Xuân Kiên - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh - không giấu giếm tham vọng khi cho biết: Trần Anh Hoàng Mai sẽ góp phần để Trần Anh hiện thực hóa kế hoạch chiếm lĩnh thị phần miền Bắc. Hiện nay, doanh nghiệp này đang chuẩn bị khai trương siêu thị thứ 10 tại khu đô thị Time City (Hoàng Mai) vào tháng 12 để hoàn thành mục tiêu có 10 siêu thị tại Hà Nội vào cuối năm 2013 nhằm tạo cơ sở phát triển ra các tỉnh, thành phố lớn ở miền Bắc trước khi Nam tiến.
Cũng với tham vọng không hề nhỏ, ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc maketing của Media Mart - cho biết, việc Media Mart tiến xuống Hải Phòng nằm trong chiến lược mở rộng thị trường và mở thêm nhiều siêu thị mới trên toàn quốc. Bởi theo Media Mart, dù mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nhưng chưa có nhà bán lẻ nào chiếm quá 10% thị phần điện máy ở thời điểm hiện tại. Vì thế, cơ hội vẫn đang rộng mở cho các doanh nghiệp vươn lên chiếm lĩnh thị phần.
Coi chừng sập tiệm
Không thể phủ nhận mức tăng trưởng 17,9% mà thị trường công nghệ - điện tử có được trong quý 3 là dấu hiệu cho thấy thị trường có sự phục hồi nhất định với sự đóng góp không nhỏ từ sự tăng trưởng của smartphone và tablet. Nhưng cũng không khó để nhận thấy việc mở thêm nhiều siêu thị mới không hẳn vì doanh nghiệp thừa vốn, tài chính dư dả hay nhu cầu tăng cao mà do... phải cố chạy theo đối thủ.
Theo lý giải của lãnh đạo một doanh nghiệp điện máy lớn tại Hà Nội, nếu đối thủ mở siêu thị ở khu vực đông dân cư, sức mua lớn mà không mở theo sẽ dẫn đến nguy cơ bị mất thị phần. Bởi khi một trung tâm mua sắm nào đó tạo được thói quen cho người dùng, siêu thị mới mở rất khó thay đổi thói quen đó.
Một số chuyên gia kinh tế cũng có chung quan điểm này. Ông Phạm Hoàng Long - Giám đốc điều hành Royal Business School, người có kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ - cho rằng thị trường bán lẻ công nghệ - điện máy đã chật hẹp nhưng đang xuất hiện nhiều con "cá mập" sẵn sàng cắn xé nhau.
Từ những nhận định trên có thể thấy nhiều doanh nghiệp kinh doanh điện máy đang mạo hiểm ôm thị trường để chờ thời. Dù rằng theo số liệu của công ty khảo sát thị trường GFK và AC Nielsen, doanh số ngành bán lẻ điện máy hiện chỉ đạt 1,2-1,3 tỷ USD/năm, chiếm 40% tổng nhu cầu tiêu thụ 4 tỷ USD/năm của thị trường điện máy Việt Nam. Như vậy, 60% thị phần còn lại đang trở thành mục tiêu mà các nhà bán lẻ điện máy hướng tới.
Nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, "sức mua đang rơi, doanh số sụt giảm từng ngày... mà chưa biết cách nào để vực dậy" như than phiền của ông Đinh Anh Huân - Tổng giám đốc Dienmay.com, quyết định tham gia cuộc chiến "một mất, một còn" này đang đặt các doanh nghiệp điện máy vào tình thế hiểm nghèo.
Những cái "đột tử" của WonderBuy (tháng 6/2011) với khoản lỗ 52 tỷ đồng sau chưa đầy một năm hoạt động; Best Carings và Thế giới số 24G (thuộc Nguyễn Kim) đóng cửa cuối năm 2012; Home One lần lượt đóng cửa ba siêu thị ở TP.HCM... vào đầu tháng 9/2013 là tấm gương tày liếp khiến những ông lớn đang cố gắng bám trụ không thể xem nhẹ.
Trong tình trạng sức mua yếu kém trong năm, các nhà bán lẻ coi dịp mua sắm cuối năm là "cơ hội vàng" do sức mua có thể tăng lên 40% so với thời điểm bình quân trong năm. Vì thế, đây có thể là canh bạc lớn mà lãnh đạo các doanh nghiệp kinh doanh điện máy không thể không chơi để khẳng định vị thế và sức mạnh trong cuộc đua đầy cam go này.
Hiện nay, các doanh nghiệp điện máy đang âm thầm chuẩn bị hàng hóa. Giám đốc kinh doanh cùng giám đốc các ngành hàng đang cùng lúc giải rất nhiều bài toán cho mùa làm ăn quan trọng này như: phải nhập bao nhiêu hàng, mặt hàng nào sẽ bán chạy, "đối thủ" sẽ tung chiêu gì, tất toán công nợ ra sao, triển khai các chương trình khuyến mại với những mặt hàng nào và mức khuyến mại là bao nhiêu... Tất cả đều đang được giữ bí mật.
Bởi chỉ cần một tính toán sai lầm hoặc để lộ chiêu trong cuộc chiến khốc liệt này, thị trường sẽ chứng kiến thêm nhiều ông lớn phải dời bỏ cuộc chơi khi giấc mộng ôm thị trường điện máy vẫn còn dang dở.
Theo Sống Mới.