Chỉ cần một chút lơ là hoặc không vượt lên chính mình, các công ty chứng khoán sẽ bị tụt lại phía sau trong cuộc chiến giành thị phần.
Kẻ mạnh "át vía"
Trong bảng xếp hạng thị phần môi giới quý III/2013 tại HOSE, VPBS và FPTS lần lượt giữ 3,96% và 3,94% xếp ở vị trí thứ 9 và thứ 10. Nhìn lại bảng xếp hạng thị phần của vài năm trước, chỉ cần hơn 3% là có thể lọt vào top 10, và số lượng các công ty trong top 10 chiếm từ 3% thị phần trở lên có thể lên tới 4-5 công ty, còn bây giờ thì chỉ có 2.
Trong khi đó, thị phần của HSC từ 12,57% trong quý II đã tăng lên thành 14,14% trong quý III/2013. Những số liệu này chỉ ra rằng, các công ty chứng khoán lớn tiếp tục "nuốt" thị phần của các công ty chứng khoán nhỏ. Thị phần giờ đây phân chia rõ ràng và có thể nói là chênh lệch hơn rất nhiều chứ không cân bằng như trước nữa.
Năm công ty chứng khoán dẫn đầu thị phần đã chiếm gần một nửa số thị phần giao dịch hiện nay. Còn nhóm 10 công ty có thị phần dẫn đầu đã chiếm gần 80% giao dịch của thị trường. Chi tiết của bảng xếp hạng cũng cho thấy nhiều điểm thú vị.
Những năm trước, Công ty Maybank KimEng (MBKE) thường xuyên nằm trong Top 5 của HOSE, nhưng từ đầu năm 2013 đến nay không còn hiện diện trong nhóm này nữa. Nhìn vào thị phần của MBKE trong 3 quý vừa rồi, có thể thấy Công ty vẫn duy trì được con số ổn định vào tầm 4,7% thị phần.
MBKE ổn định, nhưng các đối thủ khác lại bứt phá, nên đã có sự thay đổi về xếp hạng. Rồng Việt (VDSC) vẫn còn nằm trong top 10 vào quý II nhưng quý III đã không còn hiện diện, thay thế vào đó là CTS (VietinBankSC). CTS không phải là cái tên xa lạ, trái lại còn rất quen thuộc với những ai đã có thâm niên đầu tư từ giai đoạn 2006-2007.
CTS có ngân hàng mẹ hậu thuẫn, có "truyền thống" và cũng có tiềm lực nên việc vào top 10 cũng không lấy gì làm bất ngờ. BVSC (Chứng khoán Bảo Việt) cũng là một cái tên lẫy lừng, nhưng giờ đây không còn thấy hiện diện trong bảng xếp hạng thị phần môi giới chứng khoán.
Chiến lược thị phần
Tại đại hội cổ đông của một công ty chứng khoán lớn, khi nhận được câu hỏi về việc thua kém về mặt thị phần so với đối thủ, vị chủ tịch HĐQT đã trả lời rằng, dù đánh giá cao đối thủ, nhưng thị phần không phải là mục tiêu duy nhất mà công ty theo đuổi. Để giữ vững, gia tăng thị phần trong giai đoạn hiện nay có thể nói là một sức ép cực lớn cho các công ty chứng khoán.
Đôi khi để đạt được thành quả, còn có cả sự đánh đổi. Trong lịch sử, điều này đã được minh chứng bởi một loạt những công ty chứng khoán cấp margin vô tội vạ, lỏng lẻo trong quản trị rủi ro và giờ đây rơi vào trạng thái "thở oxy".
Vậy nên, có những công ty chứng khoán khi thấy thị phần của mình "đã đủ" trong một thời điểm nào đó, có thể họ sẽ tạm dừng để thực thi những chiến lược khác kiểu như nâng cấp hệ thống giao dịch, hoặc nâng cao chất lượng dịch vụ...
Càng ngày, cuộc chiến thị phần càng đòi hỏi sự toàn diện của các đối thủ. Nếu như trước đây chủ yếu là tỷ lệ cho vay margin càng cao càng tốt, thì dần dần đến cạnh tranh lãi suất margin, rồi đến thời gian thanh toán, và đi sâu vào cả từng loại cổ phiếu margin.
Nhưng ngoài ra, còn có cả những cuộc cạnh tranh ở các lĩnh vực khác, chẳng hạn như về công nghệ. Các công ty chứng khoán phải nâng cấp phần mềm giao dịch sao cho tốc độ xử lý càng nhanh, càng đem lại nhiều tiện ích cho khách hàng.
Khi hệ thống giao dịch ngày càng được nâng cấp theo hướng chuyên sâu, tích hợp nhiều chức năng mới thì người sử dụng cũng phải tốn nhiều thời gian hơn để thích nghi.
Chính vì vậy, nếu các công ty chứng khoán khác không có điểm gì hấp dẫn một cách đặc biệt, thì nhà đầu tư khi quen với một hệ thống sẽ ngại thay đổi. Những công ty chứng khoán nào không chịu thay đổi công nghệ, các hệ thống giao dịch chỉ ở mức độ "đơn sơ" sẽ bị thất thế.
Riêng lĩnh vực tư vấn, các công ty chứng khoán cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề, có khi là mâu thuẫn lợi ích giữa khách hàng. Tư vấn hiệu quả, khách có lãi mới mua thêm, mà như vậy thì công ty chứng khoán mới thu được phí.
Nhưng tư vấn trong giai đoạn thị trường khó khăn không phải dễ dàng, đòi hỏi đội ngũ phân tích, rồi nhân viên môi giới cũng phải tìm kiếm thông tin vất vả. Chưa kể, dưới áp lực doanh số, không loại trừ những trường hợp tư vấn vô thưởng vô phạt, cốt sao cho khách hàng giao dịch để thu được phí.
Trong một cuộc chiến với rất nhiều sức ép, chỉ cần sơ hở ở một điểm nào đó, công ty chứng khoán sẽ phải trả giá. Nhưng nếu liên tục đầu tư, giả sử kết quả không được như ý, thì sức ép từ chính các công ty chứng khoán cũng vô cùng lớn. Vậy nên, công ty có thị phần lớn, bằng mọi giá phải mở rộng, còn nếu không "vận động" sẽ rất dễ bị tụt hậu.
Theo MINH TRIỆU
Doanh nhân sài Gòn.