Google hiện đang thống trị thị trường tìm kiếm qua mạng với thị phần lên tới gần 67%. Bing đứng ở vị trí thứ 2 với thị phần chỉ khoảng 18%.
Nhưng Google đang đối mặt với rất nhiều thử thách mới và tình thế hoàn toàn có thể thay đổi.
Cho tới giờ, phần lớn người dùng vẫn lựa chọn gõ từ khóa tìm kiếm vào ô tìm kiếm. Google đã dạy chúng ta cách sử dụng các cụm từ khóa này một cách hoàn hảo, theo đó chúng ta nên sắp xếp các cụm từ theo mức độ quan trọng của chúng, thay vì theo thứ tự ngôn ngữ tự nhiên.
Trong tương lai, điều này rất có thể sẽ thay đổi. Cả Google, Facebook và Apple đều đang tạo ra các công cụ cho phép chúng ta tìm kiếm theo cách mà chúng ta hỏi những câu hỏi thường nhật hàng ngày, kể cả khi sử dụng các từ khóa không rõ ràng và khá trừu tượng (so với ngôn ngữ tìm kiếm thông thường) như "Tối nay đi ăn chỗ nào ngon?", vốn hiện thời đang đưa ra các kết quả khá vô nghĩa trên Internet.
Tiếng Anh của Google là "tiếng Anh của người tiền sử"
Larry Kim, người sáng lập Wordstream và cũng là một chuyên gia về tìm kiếm qua mạng, đã mô tả về Google với Business Insider như sau:
"Mọi người đã quen với việc tìm Google trên máy vi tính bằng những từ khóa "lạ lùng" và "vỡ vụn". Ví dụ, nhằm tìm ra kết quả tốt nhất, chúng ta phải đưa ra những cụm từ khóa dài và rắc rối như "hướng đi bãi biển cát đen tốt nhất Hawaii", nếu như họ đang tìm bãi biển Punaluu nổi tiếng tại Hawaii. Tôi gọi thứ tiếng này là "tiếng Anh của người tiền sử", vì nếu bạn đọc cụm từ khóa này lên nghe, chúng nghe rất không tự nhiên và giống như là ngôn ngữ của người sống trong hang động vậy. Tôi ước tính có 20% lệnh tìm kiếm trên Google được kích hoạt bằng thứ tiếng tiền sử này".
Facebook vừa đưa ra tính năng Đồ thị Tìm kiếm (Graph Search) cho tất cả các người dùng tại Hoa Kỳ, và rất có thể sẽ ra mắt tính năng này cho người dùng toàn cầu. Nếu bạn đã từng tìm kiếm trên Facebook, bạn sẽ hiểu đây là một tác vụ khá phức tạp.
Những lệnh tìm kiếm sử dụng từ khóa thường đưa ra kết quả không thỏa mãn. Trái ngược lại, sử dụng Graph Search sẽ giúp bạn tìm ra các bộ phim ưa thích của bạn bè, và kết quả có thể khá thú vị: bạn bè của bạn có thể thích Grown Ups nhiều hơn cả Casablanca.
Sự khác biệt giữa Graph Search và tìm kiếm bằng từ khóa trên Google là trên Facebook, thực tế là bạn đang đi tìm câu trả lời cho một thứ bạn hoàn toàn không biết có tồn tại hay không, ví dụ như cửa hàng đồ ăn Ấn Độ mà bạn bè bạn ưa thích. Do đó, chúng được gọi là tìm kiếm "ẩn dụ", "trừu tượng".
Trái lại, trên Google, bạn đi tìm một thứ mà bạn biết là có tồn tại, ví dụ như "chính phủ Mỹ đóng cửa".
Đòn đáp trả của Google: Chim ruồi
Google dĩ nhiên sẽ không chịu ngồi im và tụt hậu. Thuật toán tìm kiếm mới có tên gọi "Chim ruồi" ("Hummingbird") của Google vừa ra mắt được vài tuần lễ có khả năng xử lý các lệnh tìm kiếm dạng hội thoại như "Làm thế nào để thắt cà vạt?".
Google cho biết Hummingbird là sự thay đổi đáng kể nhất đối với sản phẩm chủ lực của mình tính từ 2001.
Larry Page, CEO Google
Với người thường, sự thay đổi này là không rõ rệt và mang quá nhiều tính kỹ thuật. Rất ít người dùng phổ thông sẽ để ý tới cụm từ "thay đổi bộ máy tìm kiếm để trở nên dễ sử dụng hơn" của Google.
Người dùng đang chuyển từ Google lên Facebook
Hiện tại, số tiền mà người dùng đang chi trả bên trong Facebook đang nhiều hơn bên trong Google, theo số liệu của comScore. Đế chế tìm kiếm của Google có giá 60 tỉ USD; Facebook cũng là một đế chế tỉ đô nhưng không dựa trên bộ máy tìm kiếm.
Nếu Facebook quyết định tạo ra một bộ máy tìm kiếm có chất lượng cao để thay thế cho Google và "dạy" cho chúng ta cách sử dụng tìm kiếm hội thoại thay vì tìm kiếm bằng từ khóa, rất có thể thị trường tìm kiếm sẽ chứng kiến một bước ngoặt lớn về doanh thu, và Google sẽ bị phế ngôi.
Ông Kim cho biết:
"Khi tính tới tìm kiếm di động (vốn chiếm gần một nửa tổng số lệnh tìm kiếm), ngày càng có nhiều câu lệnh tìm kiếm được thực hiện bằng giọng nói, và là những con người hiện đại, chúng ta sẽ không muốn nói "tiếng Anh tiền sử'. Do đó, khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên trở nên rất quan trọng cho việc tăng mức độ chính xác trong sử dụng tiếng Anh".
Siri - Đối thủ tiềm năng của Google
Nếu bạn dùng iPhone, bạn sẽ tự hỏi vì sao Apple quyết tâm phát triển Siri, một trợ lý ảo cho tới giờ vẫn là chưa thực sự hữu dụng trong nhiều trường hợp sử dụng. Một trong những lý do cho quyết tâm của Apple là do Quả táo biết tương lai của ngành điện toán là điện toán di động, và nói chuyện với điện thoại của bạn vẫn là dễ dàng hơn nhiều so với việc gõ câu lệnh tìm kiếm.
Nếu Siri được cải thiện đủ nhiều để các câu lệnh tìm kiếm kích hoạt bằng ngôn ngữ nói trở nên thực sự hữu dụng, người dùng iPhone sẽ chuyển hàng loạt sang tìm kiếm bằng Siri thay vì gõ từ khóa trên Google.
Đó là một bước tiến lớn, mang đậm tính phỏng đoán, nhưng lịch sử cho thấy Apple rõ ràng không hề sợ phải tiến hành những bước nhảy vọt mạo hiểm.
Siri hiện thời đang dùng Bing để tìm kiếm, và Microsoft cũng có hợp đồng thỏa thuận để sử dụng Bing làm bộ máy tìm kiếm cho Facebook. Apple có đủ sức mạnh để cung cấp cho Siri bất kì bộ máy tìm kiếm nào.
Quả táo đã chuyển từ Google sang Bing trên iOS 7, phiên bản hệ điều hành mới nhất. Liên minh giữa Apple và Microsoft chắc hẳn sẽ không mấy êm đẹp, nhưng đây là một đòn đau cho Google.
Google Glass và Siri
Google cũng có trợ lý ảo của riêng mình trên Android, và thực tế Google Now còn hữu dụng hơn cả Siri. Google hi vọng sẽ giữ chân tất cả các người dùng Android trên bộ máy tìm kiếm của Google, đặc biệt là khi Hummingbird đã ra mắt tính năng tìm kiếm hội thoại.
Mặt khác, Google đang phát triển Glass, một thiết bị kích hoạt bằng giọng nói được hi vọng sẽ sớm trở nên phổ biến. Tính năng kích hoạt bằng giọng nói sẽ là chìa khóa tới thành công của Google Glass.
Cả 3 ông lớn công nghệ đều đang đón chờ một ngày chúng ta "nói" với thiết bị di động của mình, thay vì phải gõ phím. Bởi vậy, cuộc đua để trở thành công ty đầu tiên có thể hoàn thiện tính năng tìm kiếm "trừu tượng" đang ngày càng trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.
Theo VIỆT DŨNG (Theo Business Insider)/VNREVIEW.