Giai đoạn 2004-2009, tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) của các sản phẩm sữa được Euromoniter đánh giá theo thứ tự như sau:
Đầu tiên là sữa bột công thức (20,8%), kế đến là sữa nước (15,2%) và cuối cùng là sữa đậu nành ( 24,2%).
Đến giai đoạn 2009 - 2014, sữa đậu nành đang được dự báo có CAGR đạt 7,7%, vượt qua sữa bột (6,9%) và sữa nước (7,5%).
Nội lấn ngoại
Sau thời gian vắng bóng trên thị trường nước giải khát Việt Nam, Tribeco Bình Dương (công ty 100% vốn nước ngoài do Tập đoàn Uni-President sở hữu) đã ra mắt sản phẩm chủ lực "một thời" của "TRI" (sau khi được chuyển giao từ Tribeco Sài Gòn từ tháng 9/2012) là sữa đậu nành Trisoy với diện mạo (đóng lon) hoàn toàn mới.
Cùng với sự trở lại của Tribeco, thị trường sữa đậu nành gần như đã đủ mặt các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số nhà phân phối các sản phẩm sữa, Trisoy của Tribeco chưa thực sự tạo được sức hút với lần trở lại này dù từng được "mệnh danh" là "sản phẩm chủ lực của TP.HCM".
Cụ thể, một đại diện Công ty CP Thương mại - Dịch vụ Quận 3, thành viên Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA), cũng cho biết, sau khi không làm nhà phân phối sữa đậu nành của Vinamilk, mới đây họ đã chuyển sang làm nhà phân phối cho Vinasoy. Theo đại diện này, dù hiện nay Tribeco đã có sữa đậu nành đóng lon, nhưng thế mạnh của Tribeco vẫn ở phân khúc bình dân.
Trong khi đó, ngoài Soya Number One (Tân Hiệp Phát), hai "ông lớn" là Công ty Sữa đậu nành Việt Nam - Vinasoy (thuộc Công ty CP Đường Quảng Ngãi - QNS) với hai sản phẩm Fami (dành cho gia đình), Vinasoy dành cho giới nữ và Công ty CP sữa Việt Nam - Vinamilk với sản phẩm GoldSoy và Vfresh liên tục "vươn vòi" thâu tóm đến hơn 90% trị trường ở phân khúc này, phủ sóng đầy khắp từ các siêu thị lớn nhỏ tại 6 thành phố lớn là TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, Hải Phòng.
Trong đó, Vinasoy đã chiếm hơn 78% (miền Bắc chiếm 47% thị phần), với mức doanh thu năm 2012 đạt gần 1.900 tỷ đồng và năm 2013 ước tính đạt 2.440 tỷ đồng. Cuối tháng 7/2013, Vinasoy đã khánh thành nhà máy sản xuất sữa đậu nành thứ 2 tại Bắc Ninh có tổng vốn đầu tư 650 tỷ đồng (với công suất 1 tỷ hộp/năm).
Tăng gấp công suất thiết kế của cụm nhà máy này đến 180 triệu lít/năm. Trong đó, nhà máy thứ nhất đã đi vào hoạt động vào từ tháng 5/2013 với công suất 90 triệu lít/năm.
Theo ông Ngô Văn Tụ, Giám đốc Điều hành Vinasoy, hai nhà máy Vinasoy sẽ tiêu thụ khoảng 15.000 tấn đậu nành/năm, tạo đầu ra cho gần 10.000ha đậu nành và hàng ngàn tấn bã đậu nành dùng cho sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm.
Song, nếu so với tổng sản lượng đậu nành Việt Nam ngày càng tăng, cụ thể năm 2012 đạt 175.300 tấn, năm 2013 dự kiến đạt 270.000 tấn và năm 2014 dự kiến đạt 300.000 tấn, thì đây vẫn còn là con số quá nhỏ. Điều này hoàn toàn có thể đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các DN sản xuất liên tục.
Ai có thể chiếm "ngôi vương"?
Ở phân khúc sữa đậu nành, Vinasoy đang được đánh giá là doanh nghiệp dẫn đầu ngành với mức tăng trưởng vượt bậc, bình quân 40%/năm trong vòng 10 năm trở lại đây. Theo đó, xét trên tổng thể năng lực sản xuất, xem ra Vinamilk mới có đủ thế mạnh để đối đầu với Vinasoy.
Tuy nhiên, trong chiến lược phát triển dài hạn, Vinamilk lại chưa đặt nặng việc phát triển sản phẩm sữa đậu nành, mà chỉ xem đây mà một trong số những sản phẩm nước giải khát có lợi cho sức khỏe cùng loại như trà xanh, nước ép trái cây... cần được phát triển hơn nữa. Theo đó, họ chủ yếu tập trung vào sản xuất sữa với 4 ngành hàng chủ lực là sữa nước, sữa đặc, sữa bột và sữa chua.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Hồ Tiến Sỹ, Giám đốc Thương hiệu Công ty Lantabrand, nhận định: "Vinasoy đang dẫn đầu ngành về năng lực sản xuất cũng như sản phẩm sữa đậu nành. Và với xu hướng xã hội đang chuyển dần sang những thức uống có lợi cho sức khỏe, thì sữa đậu nành được xem như thức uống giống sữa, có giá thành rẻ hơn sữa là một lợi thế. Trong tương lai, sản phẩm này vẫn còn tiềm năng phát triển rất lớn. Hiện nay, không chỉ Việt Nam hay Trung Quốc mà ở những nước phương Tây, sữa đậu nành đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn vì nó có lợi cho sức khỏe".
Tuy nhiên, đứng ở góc độ nhà tư vấn thương hiệu cho nhiều DN trong ngành sữa, ông Sỹ cho biết thêm, khi nói đến sữa đậu nành, phải rạch ròi giữa hai phân khúc, gồm sản phẩm dùng tại chỗ (sữa đậu nành đóng chai) có thể mạnh tại những quán nước giải khát, căn tin, cửa hàng ăn uống, trong khi sản phẩm trong hộp giấy, định vị tốt hơn cho sức khỏe chủ yếu bán ở các siêu thị và cả tiệm tạp hóa. Nếu thống kê rõ thì cả hai phân khúc đều có lượng lớn khách hàng.
"Trước nay, Tribeco vốn đã có thế mạnh là sản phẩm đóng chai, do đó, khi trở lại thị trường kèm theo một sản phẩm mới là sữa đậu nành đóng lon, chắc hẳn họ cũng có một lượng khách hàng nhất định. Tuy nhiên, vấn đề của Tribeco là cách tiếp cận thị trường và định vị khách hàng", ông Sỹ nói.
Theo ĐỖ PHƯƠNG
Doanh nhân Sài Gòn.