Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia lại dùng hình ảnh này để giải thích chuyện từ bỏ thủy điện tại Việt Nam để dành nguồn lực cho những dự án sinh lời lớn hơn tại Lào.
Kế hoạch tái cấu trúc tập đoàn vừa được lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, Mã CK: HAG) công bố đầu tuần qua với chi tiết đáng chú ý là việc bán lại 6 dự án thủy điện đang hoạt động hoặc trong giai đoạn đầu tư tại Việt Nam. Việc chuyển nhượng này đã mang lại cho tập đoàn khoảng 2.000 tỷ đồng.
Chia sẻ với VnExpress.net, Chủ tịch HAGL - Đoàn Nguyên Đức cho biết: "Tôi bán 6 dự án thủy điện tại Việt Nam nhằm phục vụ cho những mục tiêu lớn hơn của tập đoàn trong tương lai". Ông chia sẻ có thể sắp tới HAGL sẽ tiếp tục xem xét bán tiếp hoặc giữ lại các dự án thủy điện tùy theo điều kiện kinh doanh.
Quyết định bán một loạt nhà máy tại Việt Nam của Hoàng Anh Gia Lai không khỏi khiến nhà đầu tư bất ngờ. Từ khi bén duyên với lĩnh vực này từ năm 2008, thủy điện luôn là một trong những ngành chiến lược được bầu Đức quan tâm. Trong báo cáo thường niên 2012, tập đoàn này cũng kỳ vọng mục tiêu dài hạn là xây dựng các nhà máy thủy điện với tổng công suất 700mW tại Việt Nam và Lào.
Ngay tại lễ công bố kế hoạch của HAGL, một nhà đầu tư (cho biết là chuyên gia nghiên cứu thủy điện) đã đặt ra một bài toán cụ thể. Theo đó, một nhà máy cỡ vừa với công suất thiết kế 100mW, đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng, có thể sản sinh 390 triệu kWh đơn vị điện trong một năm, khả năng hoạt động khoảng 44% công suất thiết kế.
Với giá điện hiện hành của Việt Nam, vòng đời 40 - 80 năm và khấu hao trong khoảng 20 năm thì tính trung bình với kế hoạch 700 mW của bầu Đức, HAGL có thể thu về 3.000 - 4.000 tỷ đồng doanh thu. Con số này chưa bao gồm yếu tố lạm phát làm tăng giá điện. Trường hợp tập đoàn giải quyết tốt các vấn đề kỹ thuật và vốn vay, khả năng lỗ dự án thủy điện rất thấp.
Với bài toán thuận lợi trên, nhà đầu tư này cùng nhiều ý kiến khác thắc mắc về việc tại sao bầu Đức lại "buông" thủy điện tại Việt Nam. Bởi lẽ, trước đó cũng đã có không ít doanh nghiệp đang vượt bão khủng hoảng nhờ nguồn thu từ thủy điện, điển hình là Quốc Cường Gia Lai trong giai đoạn bất động sản đóng băng. Hoặc như trường hợp của Tập đoàn Đức Long Gia Lai cũng đang cố gắng thực hiện dự án thủy điện 6A Đồng Nai dù vấp phải nhiều khó khăn và phản đối.
Trả lời về vấn đề này, bầu Đức cho rằng các dự án thủy điện trong nước vẫn mang lại nguồn thu ổn định cho tập đoàn nhưng đứng trước những cơ hội đầu tư có thể mang về lợi nhuận lớn hơn, HAGL sẵn sàng tái cấu trúc lại ngành này. "Tôi bán những dự án thủy điện trong nước nhưng vẫn giữ lại và tiếp tục xây dựng thủy điện tại Lào vì lợi nhuận ở đây hấp dẫn hơn. Giá bán điện tại Lào cao hơn 40% giá bán tại Việt Nam", ông nói.
Người giàu thứ hai sàn chứng khoán Việt Nam công bố, số tiền hơn 2.000 tỷ đồng thu từ việc bán những dự án này sẽ tái đầu tư vào những dự án khác có hiệu quả sử dụng vốn cao hơn. Việc tái cấu trúc mang lại một tin tích cực nữa là tập đoàn đã giảm được số dư nợ vay hơn 1.800 tỷ đồng.
"Có thể với những doanh nghiệp khác, doanh thu và lợi nhuận từ thủy điện rất hấp dẫn nhưng với vị thế của HAGL hiện nay, chúng tôi vươn mình ra khu vực và tiếp cận được nhiều cơ hội tốt hơn nên buông con tép để bắt con tôm là bình thường", bầu Đức cho hay.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Trịnh Xuân Sơn – Giám đốc Chiến lược Thị trường, Công ty Chứng khoán MB cho rằng việc tái cơ cấu một lĩnh vực, dù đang làm ăn không đến nỗi nào, đối với một doanh nghiệp lớn không phải là chuyện hiếm.
"HAGL cũng gặp phải một số khó khăn trong thời gian qua. Lại thêm bất động sản – lĩnh vực 'ngốn' rất nhiều vốn – đang bị tồn đọng nên phải giải quyết bài toán thanh khoản. Doanh nghiệp có thể vẫn tạo ra lãi, rất giàu nhưng thực sự tiền mặt lại khó khăn. Đấy là lý do vì sao bắt buộc phải tái cơ cấu, tạo ra dòng tiền mới duy trì những dự án có khả năng sinh lợi nhuận đột biến trong tương lai như cao su ở Lào, Campuchia hay bất động sản ở Myanmar. Thời điểm nay, những gì có thể bán mà ra được tiền ngay với giá trị lớn thì chỉ có thể là thủy điện", ông Sơn chia sẻ.
Theo Tường Vi - Vũ Lê
VnExpress.