Theo Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN), 2 mảng đầu tư chủ yếu của công ty này trong quý II/2013 là đầu tư vào các sản phẩm mới và khai thác mỏ.
Theo đó, Nhà máy Long Thành của Vinacafe đã đi vào hoạt động thử nghiệm và giúp tăng công suất thêm 3.200 triệu tấn.
Ngoài ra, Masan cũng đang đầu tư vào ngành thực phẩm tiện lợi với dự tính ngành mì sẽ tăng thị phần lên khoảng 30% vào cuối năm nay.
Với Công ty nước khoáng Vĩnh Hảo mà Masan vừa mua lại, công ty này cũng sẽ tập trung vào việc tích hợp công ty và tăng cường nền tảng vận hành.
Đối với hoạt động mỏ, Dự án Núi Pháo đã bắt đầu sản xuất ra quặng vonfram, quặng đồng...
Đồng thời, Masan cũng vừa ký được hợp đồng bao tiêu với một nhà sản xuất vonfram quốc tế là H.C,Starck. H.C,Starck cũng vừa thành lập liên doanh với Công ty Khai thác Khoáng sản Núi Pháo để tinh luyện vonfram tại Việt Nam.
Trong tháng 7/2013, JP.Morgan và các công ty liên kết cũng đã tài trợ khoản vay 175 triệu USD cho Công ty Masan Industrial (công ty con của Masan Consumer). Số tiền thu được sẽ được dùng để tái cấp vốn cho khoản vay 108 triệu USD trước đây.
Trong quý II/2013, doanh thu thuần của Masan đạt 2.736 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ; lợi nhuận gộp đạt 1.111 tỷ đồng, tăng 7,1%. Sự gia tăng này chủ yếu do phần đóng góp của Masan Consumer.
Dự kiến, trong 2 quý còn lại của năm, bên cạnh việc vận hành dự án Núi Pháo, Masan sẽ tập trung đầu tư tổng lực vào nhóm ngành hàng tiêu dùng thông qua hình thành Masan Consumer Holding chuyên tâm vào các hoạt động như phát triển ngành hàng cà phê; gia tăng hoạt động ngành hàng thực phẩm tiện lợi với mục tiêu nâng thị phần mì ăn liền từ 20% hiện nay lên 30% tổng thị trường vào cuối năm 2013; đẩy mạnh đầu tư ngành hàng đồ uống với thương hiệu Vĩnh Hảo, bia và tìm thêm cơ hội đẩy mạnh M&A trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, giải khát tại Việt Nam.
Theo Chí Tín - Bảo Giang
Báo Đầu tư.