Tùy từng ngành, từng lĩnh vực mà các doanh nghiệp áp dụng những chiến lược mua bán, sáp nhập (M&A) khác nhau, song thực tế cho thấy, việc chọn hướng thâu tóm nhiều lần đem lại kết quả rất khả quan.
Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương (HVG) không chỉ là một trường hợp điển hình trong việc chủ động lựa chọn việc mua bán, sáp nhập (M&A), mà là công ty đi thâu tóm nhiều lần, với kết quả được đánh giá là thành công hơn so với thâu tóm một lần.
Minh chứng, năm 2003, Hùng Vương được thành lập với số vốn ban đầu 32 tỷ đồng, với mục tiêu là chế biến thủy sản.
Đến năm 2013, Hùng Vương đã thực hiện hàng loạt vụ mua lại như: Thâu tóm Hùng Vương miền Tây, Công ty Thủy sản An Giang (AGF) và Việt Thắng để nâng số vốn đầu tư lên đến 792 tỷ đồng.
Đồng thời, Hùng Vương thực hiện hàng loạt thương vụ M&A khác để hoàn thiện cả quy trình hoạt động theo chuỗi giá trị, từ nuôi trồng, chế biến và phân phối thủy sản nhắm đến mực tiêu trở thành công ty hàng đầu về lĩnh vực này.
Theo ông Volker Becker, Giám đốc dự án Ngân hàng đầu tư của Viet Capital Securities (VCS), có thể HVG không tạo ra lợi nhuận cho các cổ đông so với các công ty chỉ chỉ thâu tóm 1 lần.
Tuy nhiên, cách HVG đánh từng mẻ cá nhỏ đã vượt mặt những công ty khác nhắm đến mẻ cá lớn. Các mẻ cá của HVG thực hiện chủ yếu thuộc doanh nghiệp tư nhân.
Tương tự, thời gian qua, Masan thông qua công ty con của mình là Masan Consumer đã thực hiện nhiều thương vụ M&A đình đám, cả với các nhà đầu tư nước ngoài, lẫn các doanh nghiệp trong nước, như Công ty Vinacafe Biên Hòa, Công ty Thức ăn chăn nuôi Việt - Pháp (Proconco) và Công ty Nước khoáng Vĩnh Hảo, Công ty Bia Phú Yên. Có thể thấy, chiến lược HVG đang áp dụng là M&A theo cả chiều dọc và chiều ngang để giúp HVG gia tăng cả về quy mô và giá trị.
Trong khi đó, Masan chủ trương phát triển theo chiều ngang để khuếch trương quy mô trong ngành hàng thực phẩm, đồ uống nhằm tạo danh tiếng, huy động vốn ngoại.
Bằng chứng là, bắt đầu từ khoản đầu tư 9 triệu USD của Công ty Quản lý quỹ Mekong Capital vào Masan Food (năm 2009), sau đó, Masan Group liên tục nhận được các khoản đầu tư khác, như Pacific Group (TPG) mua trái phiếu chuyển đổi 70 triệu USD, House Food mua 20 triệu USD cổ phần, IFC mua trái phiếu chuyển đổi 40 triệu USD, Goldman Sachs mua trái phiếu chuyển đổi 30 triệu USD, KKR đầu tư 359 triệu USD.
Theo nhận định của ông Volker Becker, hiện các công ty có chiến lược đi thâu tóm đang tập trung mục tiêu vào những doanh nghiệp cùng ngành, lĩnh vực để tăng trưởng và phát triển theo chiều ngang, đồng thời phát triển theo chiều dọc chuỗi giá trị; hoặc thâu tóm khác ngành, lĩnh vực để phát triển nhóm công ty đa dạng.
Liên quan vấn đề này, ông Robert Trần, CEO Tập đoàn Tư vấn chiến lược Robenny châu Á - Mỹ cho rằng, tùy từng ngành, lĩnh vực mà áp dụng những chiến lược trên.
Chẳng hạn, với ngành hàng tiêu dùng, có thể thâu tóm nhiều lần để tạo ra lợi nhuận nhờ tận dụng được toàn bộ quy trình sản xuất, hệ thống phân phối, thương hiệu. Song trong ngành dịch vụ du lịch thì không thể thâu tóm nhiều công ty du lịch, mà cần phát triển nhóm công ty đa dạng, mỗi công ty làm một phân khúc khách hàng riêng biệt, để tránh kiểu "gà nhà đá nhau".
Theo Vũ Anh - Thanh Tân
Báo Đầu tư.