17466 44-46 KD KaoSieuLuc T Quy 09e0b

Sau gần chục cuộc hẹn không thành, cuối cùng tôi cũng may mắn gặp ông trong một hoạt động do con gái ông tổ chức.

Cuộc nói chuyện liên tục bị gián đoạn bởi những vị khách của buổi tiệc, những người không muốn bỏ lỡ cơ hội gặp vua bánh Kao Siêu Lực, ông chủ của tiệm bánh kẹo Á Châu.

Khởi đầu từ công ty bánh kẹo tư nhân Đức Phát, sau khi chia tách năm 2007, với 12 cửa hàng và 2 triệu USD từ tiền bán thương hiệu, ông Lực quyết định khởi đầu lại "nghề tủ" với thương hiệu bánh ABC. Trong lúc Đức Phát đầu tư vào ngành nước, trà, bất động sản thì ông Lực vẫn miệt mài với bánh.

Làm bánh tốt nhờ rành máy

Có lần đến tham quan nhà máy ABC, các ông chủ một tập đoàn bánh ở Đài Loan đặc biệt quan tâm tới máy cuốn bánh của ông Lực. Khi biết ông chính là người chế tạo ra máy, họ rất ngạc nhiên và đặt mua 5 dàn máy cuộn bánh. Ông chia sẻ: "Biết đâu mai mốt tôi lại kinh doanh cả máy làm bánh".

Nói như vậy vì trước khi trở thành thợ làm bánh, ông Lực vốn là thợ máy. Những chiếc máy mới nhập về có ưu khuyết điểm gì ông đều biết rõ. Bất chấp những khuyết điểm của máy, ông đều tự mình sửa chữa. Bắt đầu từ việc sửa chữa những khuyết điểm nhỏ, máy chạy chậm khiến quá trình nhào bột bị dính tay, ông cũng tự mình cải tiến.

Sau đó ông tự mình chế tạo ra những chiếc máy tiết kiệm chi phí. Nhận thấy tỉ lệ bột trộn với 58% nước còn lãng phí, ông nghiên cứu rồi chế tạo ra chiếc máy thử nghiệm. Cũng với tỉ lệ bột đó, nhưng chiếc máy của ông sử dụng 61% nước, nhờ đó tỉ lệ bánh cho ra tăng thêm 3%. Như vậy, chi phí tiết kiệm được trong 1 năm khoảng 100.000 USD. Nhờ vậy mà ABC không phải tăng giá bán.

Là Chủ tịch Hiệp hội bánh thế giới, ông Lực mang kinh nghiệm của mình chia sẻ với bạn bè nước ngoài và nhiều người ngỏ ý muốn mua. Họ đánh giá chiếc máy do ông chế tạo chạy nhanh hơn, sử dụng nước nhiều hơn, nhỏ gọn và cách cuốn bánh chắc chắn. Đến nay, sau 2 năm, ông đã bán hơn 10 giàn máy sang Philippines, Singapore, Đài Loan. Ông cho biết giá bán chỉ vài ngàn USD/chiếc.

Cho đến nay, trong xưởng sản xuất bánh của ông có 30% máy do ông tự sáng chế. "Với những chiếc máy này, tôi tiết kiệm được khoản tiền rất lớn", ông chia sẻ.

Góp vốn thay vì thuê mặt bằng

Ông Lực cho biết chiến lược của ABC khá rõ ràng: không liên kết, không đầu tư mở rộng trong thời điểm này vì chi phí thuê mặt bằng, nhân công quá cao. Thông thường chi phí mở một cửa hàng khoảng 100-200 triệu đồng.

Hiện tại 65% mặt bằng ABC là của Công ty. Chi phí mặt bằng khá cao nên ông Lực cho biết, sắp tới ABC sẽ liên kết với những đối tác có mặt bằng để mở cửa hàng theo tỉ lệ 40-60 thay vì thuê. ABC sẽ góp 40% thông qua cung cấp bánh, cửa hàng bán xong mới trả tiền. Lợi nhuận sẽ chia theo tỉ lệ vốn góp. Ông Lực cho rằng, mô hình liên kết này phù hợp với ABC trong giai đoạn hiện nay.

Ông Lực chỉ muốn dừng lại ở mức hợp tác đó. Ông không muốn liên doanh góp vốn với bên ngoài vì dự tính sẽ để lại công ty cho các con của mình. Hơn nữa, ông cũng muốn chủ động trong việc ra các quyết định kinh doanh. "Nếu hợp tác với các quỹ, muốn đầu tư thêm máy cũng phải xin ý kiến, hàng tháng phải cố gắng kinh doanh có lợi nhuận, như vậy sẽ mất tự do và mất quyền kiểm soát", ông nói.

Gia công bánh

Thay vì liên doanh, ABC chọn hướng gia công cho các công ty thức ăn nhanh nước ngoài. Qua giới thiệu của các hiệp hội và các doanh nghiệp nước ngoài, ngay sau khi đặt chân vào Việt Nam, các thương hiệu như KFC, Lotteria, Jollibee, Burger King... đều liên kết với ABC để ABC cung cấp Hamburger và sandwich. "Các doanh nghiệp này đến gặp tôi, hỏi tôi có biết làm loại bánh này không. Nói đến bánh nào tôi đều gật đầu rồi cho thợ làm thử, sau đó nhận gia công độc quyền", ông kể.

Để làm bánh cho các đối tác này, ông Lực phải đầu tư dây chuyền sản xuất riêng và tuân thủ theo điều kiện của từng đối tác.

Thị phần gia công của ABC tăng trưởng liên tục. Nếu 10 năm trước chỉ chiếm 2% thị trường gia công bánh thì nay đã là 25%. Trung bình một ngày ABC cung cấp cho các đối tác 30.000-40.000 cái hamburger. "Con số này sẽ còn tăng trong thời gian tới, khi một số đối tác fast food mới chuẩn bị vào Việt Nam", ông nói.

Ông cho biết 2 nhà máy của ABC hiện nay không kịp sản xuất, vì vậy ABC đã đầu tư 4 triệu USD để xây dựng nhà máy vào cuối năm nay, trong đó 2 triệu đầu tư xây dựng nhà xưởng và 2 triệu USD cho máy móc. Nhà máy này sẽ có công suất 6.000 bánh/giờ, chủ yếu là thiết bị sản xuất tự động đến 80%, phục vụ cho trong nước và xuất khẩu.

Hiện ABC có 5 cửa hàng bán lẻ tại Campuchia, sắp tới sẽ nâng lên thành 10 cửa hàng. Bắt đầu từ cửa hàng thứ 11, ABC sẽ mở tại các tỉnh thành ở Campuchia thay vì ở thành phố lớn. Ngoài thị trường này, Công ty còn xuất bánh sang Nhật, Anh và Úc. "Chỉ tính riêng thị trường Nhật, Công ty đã xuất 4 container/tháng", ông Lực nói.

Theo Nhịp cầu đầu tư.

Pin It
David Packard

"Nguyên tắc đầu tiên trong quản lý: động lực phát triển sản phẩm mới không phải là công nghệ, không phải là tiền, mà là trí tưởng tượng của con người."

User Menu