food court fc634Đi cùng với việc ra đời các trung tâm thương mại (TTTM), siêu thị ở các thành phố lớn là việc hình thành các food court (khu ẩm thực trong các TTTM).

Các nhà kinh doanh ẩm thực cho biết kinh doanh trong food court có lợi thế hơn so với thuê mặt bằng bên ngoài.

Tận dụng lợi thế

Trái ngược với các tầng lầu kinh doanh mặt hàng thời trang chỉ có lèo tèo vài người khách tham quan, khu vực ẩm thực ở tầng 4 TTTM Parkson Saigontourist (quận 1, TPHCM) luôn tấp nập thực khách. Vào những ngày cuối tuần hoặc ngày lễ, thực khách đến đây rất khó tìm được chỗ cho một nhóm ngồi chung. Tình hình tương tự cũng diễn ra ở các khu ẩm thực của các TTTM khác như Parkson Flemington, Parkson Hùng Vương, Diamond Plaza, NowZone, Lotte Mart...

Theo một chủ doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực tại Parkson Saigontourist, kinh tế khó khăn dường như không tác động nhiều đến các food court. Các TTTM với ưu thế tiện nghi, vẻ sang trọng có sức lôi kéo nhiều thương hiệu ẩm thực vào kinh doanh cũng như nhiều thực khách đến thưởng thức các món ăn. Xu hướng này đang góp phần nhanh chóng tạo nên những thương hiệu ẩm thực Việt Nam.

Tại TPHCM, hệ thống quán Bún bò Huế 3A3 vừa khai trương thêm bếp ăn thứ tám trong các TTTM, trong khi vẫn chỉ có ba quán ngoài mặt đường Ngô Đức Kế, Đặng Trần Côn (quận 1) và Mỹ Phúc (Phú Mỹ Hưng, quận 7). Ông Phạm Ngọc Kỳ, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thương mại Bún bò Huế 3A3, cho biết kinh doanh trong food court có nhiều điểm thuận lợi: giới trẻ đến TTTM tham quan, mua sắm, vui chơi ngày càng đông; vốn đầu tư ban đầu dễ chịu nhờ tận dụng cơ sở vật chất của TTTM; giá mặt bằng cho thuê dù cao nhưng yên tâm trong suốt thời gian cam kết... Ngoài ra, so với thuê mặt bằng bên ngoài các nhà quản lý food court có sự quan tâm, chia sẻ với khách thuê trong những thời điểm vắng khách thông qua các chính sách giảm phí điện, nước...

Tương tự, bà Nguyễn Thiên Hương, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Quốc tế K&H, đơn vị nhượng quyền thương hiệu bánh Auntie Anne's ở Việt Nam, cho rằng hiện nay, đông đảo người tiêu dùng đến các TTTM không chỉ vì mục đính mua sắm mà còn nhằm đáp ứng nhu cầu ăn uống. Kinh doanh trong food court, theo bà Hương, có thể tiết giảm chi phí thuê nhân sự ở một số khâu như bảo vệ, giữ xe... "Những TTTM trong các cao ốc văn phòng hoặc khu chung cư cao cấp còn đem đến một lượng khách lớn, đầy tiềm năng cho bất cứ nhà kinh doanh ẩm thực nào", bà nói.

Là một trong những doanh nghiệp đang sở hữu nhiều cửa hàng thức ăn nhanh ở Việt Nam, Lotteria Việt Nam cho biết đang tiếp tục đẩy mạnh mở rộng chuỗi cửa hàng của mình và việc vào các trung tâm mua sắm hiện đại đang được nhà kinh doanh thức ăn nhanh đến từ xứ Kim Chi này đặc biệt quan tâm. Theo ông Trương Hàm Liêm, Trưởng phòng tiếp thị của Công ty TNHH Lotteria Việt Nam, các TTTM hiện đại không chỉ là nơi bán hàng, nhiều dịch vụ giải trí tiện ích khác đang thu hút được nhiều đối tượng khách hàng thuộc nhiều thế hệ trong một gia đình cùng đến sử dụng các dịch vụ. Lĩnh vực ẩm thực không thể bỏ qua lượng khách này.

Một điểm lợi thế nữa là các thương hiệu ẩm thực trong foof court có môi trường cộng hưởng để cùng phát triển. Nơi đây tạo cơ hội khách hàng cho ngay cả những món ăn mà thoạt đầu khách không có ý định ăn, và cơ hội gia tăng khách hàng thường xuyên cho những sản phẩm có sức hấp dẫn sau khi được khách hàng dùng thử.

Hiệu quả hơn

Theo các nhà kinh doanh, thực khách đến food court phần đông là giới nhân viên văn phòng và những người trẻ tuổi. Họ đến vì sự tiện lợi, có nhiều món ăn để lựa chọn, giá cả tuy có cao nhưng cũng chấp nhận được, quan trọng hơn là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Vào các buổi trưa, giới nhân viên văn phòng ăn uống khá đông, trong khi các ngày cuối tuần, đây lại là nơi gặp gỡ của các nhóm bạn và gia đình.

Ông Trương Hàm Liên cho biết một khảo sát hồi năm ngoái của Lotteria Việt Nam cho thấy việc kinh doanh của công ty ở các food court hiệu quả hơn so với tự đầu tư bên ngoài.

Chủ đầu tư khu ẩm thực Food Creative tại lầu 4 tòa nhà Bitexco-nơi có chi phí mặt bằng cho thuê khá cao so với các TTTM khác ở TPHCM, cho biết ngay hai tháng đầu tiên khi đưa khu ẩm thực vào kinh doanh, đã có ba trong số 17 cửa hàng thuê báo có lãi. Trong đó phải kể đến Cơm tấm Mộc. Nhiều người cho rằng việc Cơm tấm Mộc có lợi nhuận ngay tháng đầu tiên là nhờ khách hàng là nhân viên văn phòng làm việc ngay trong tòa nhà này đông hơn nhiều so với khách đến tham quan, mua sắm hay xem phim.

Một số cửa hàng có kinh nghiệm làm ăn ở các food court cho rằng nếu nhà điều hành tốt thì thời gian hoàn vốn và bắt đầu có lãi của các nhà hàng, quán ăn là sau năm tháng, trong khi đầu tư ở bên ngoài thì cần thời gian lâu hơn, thậm chí là phải sau một năm.

"Góp mặt" trong food court có đủ các thương hiệu ẩm thực từ bình dân đến cao cấp, từ món Tây đến món ta, từ các loại thức ăn nhanh đến các món chế biến cầu kỳ; có đủ cà phê, nước giải khác, kem lạnh... Thông thường, mỗi food court có hàng chục quầy hàng kinh doanh, mỗi quầy cũng có hàng chục, thậm chí hàng trăm món ăn.

Mỗi nhà quản lý food court có cách tính phí cho thuê mặt bằng khác nhau, nhưng tựu trung có hai cách: (i) thu 20-25% trên doanh số của khách thuê (trong trường hợp doanh số quá thấp thì quy định mức phí tối thiểu); (ii) tính phí trên diện tích mặt bằng cho thuê.

Dù vậy, kinh doanh trong các khu food court cũng có nhược điểm. Các chủ cửa hàng ẩm thực không biết ai là khách quen của thương hiệu ẩm thực nào. Họ cũng khó tiếp cận khách hàng để nhận những phản hồi về chất lượng món ăn cũng như dịch vụ; không thể trực tiếp xử lý những sự cố bất trắc xảy ra với mình vì tất cả đều do nhà quản lý khu ẩm thực điều hành và xử lý.

Ông Phan Văn Tý, Trưởng phòng bán lẻ của Công ty Tư vấn bất động sản Savills Việt Nam, cho biết trong những năm gần đây, mô hình food court phát triển khá nhanh tại Việt Nam. Trong khi tình hình cho thuê mặt bằng trong các TTTM nhìn chung vẫn khó khăn thì riêng mặt bằng cho thuê trong khu ẩm thực lại được đánh giá tốt. Xuất phát từ nhu cầu càng tăng của khách hàng về những địa điểm ăn uống hợp vệ sinh, có nhiều sự lựa chọn, các nhà kinh doanh ẩm thực trong và ngoài nước đang gia nhập nhiều hơn vào các food court, tạo nên nhu cầu cao về mặt bằng kinh doanh nhóm hàng này. "Cùng với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội, sự phát triển của mô hình food court là phù hợp và tất yếu", Ông Tý nhận định.

Cũng theo Ông Phan Văn Tý, hiện có TTTM mở food court, nhưng cũng có TTTM mở khu ẩm thực dưới dạng cho thuê mặt bằng trên diện tích mét vuông (không có khu vực chung cho thực khách mà mỗi nhà hàng, quán ăn tự lo chỗ, tự phục vụ khách của mình. Cả hai mô hình này đều có những điểm thuận lợi riêng. Mô hình food court với sự đa dạng về thực đơn, dễ dàng tiếp cận, giá thích hợp cho nhiều đối tượng nên luôn thu hút được số đông khách hàng. Mô hình nhà hàng độc lập trong khu ăn uống tập trung thì hướng đến sự phục vụ tận tình, riêng biệt của mỗi nhà hàng, thực đơn và chất lượng món săn cũng được chú trọng hơn nên phù hợp với đối tượng khách hàng có thu nhập khá, quan tâm nhiều hơn đến chất lượng món ăn cũng như cung cách phục vụ và sự riêng tư khi thưởng thức món ăn. Và để phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng thì một khu ăn uống tập trung có thể kết hợp cả hai mô hình trên.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn.

Pin It
Ruud Gullit

"Người thủ môn là người thủ môn bởi vì anh ta không biết chơi bóng đá."

User Menu