Để quảng bá hình ảnh, năm nay bia Sài Gòn đang có ý định chi một triệu USD để mời tay vợt người Serbia Novak Djokovic đến Việt Nam chơi tennis chỉ trong một buổi chiều.
Tại đại hội cổ đông Tổng công ty Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn tại TP HCM, nhiều cổ đông đòi tăng cổ tức và giảm chi phí cho marketing. Bởi lẽ, theo cổ đông, trong thời buổi khó khăn việc đặt ra kế hoạch chi 1.000 tỷ đồng cho hoạt động này là quá lớn, trong khi đó cổ tức cho cổ đông èo uột.
Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hội đồng quản trị lý giải lợi nhuận chưa chia còn nhiều nhưng công ty có dự kiến đầu tư cho dự án ERP và hỗ trợ tài chính cho các công ty con nợ ngân hàng với lãi suất 13,5%. Nếu thỏa thuận được với ngân hàng, các công ty con của Sabeco sẽ giảm được lãi suất từ 13,5% xuống còn khoảng 8%. Ngoài ra, công ty còn có nghĩa vụ đầu tư mới để nâng cao năng suất và chất lượng.
Còn đối với việc đề xuất chi 1.000 tỷ đồng cho marketing theo ông Tuất con số này là bình thường. Bởi lẽ, trong thời buổi cạnh tranh để bán được 1 triệu lít bia khó gấp 5 lần so với trước đây, nên đẩy mạnh marketing là cần thiết.
"Chưa bao giờ thị trường bia khốc liệt như vậy. Nếu năm sau mà Anheuser-Busch InBev (InBev) nhảy vào nữa là hết thị trường nên việc cạnh tranh để bán một triệu lít bia ở Việt Nam cực khó", ông Tuất nói.
Theo ông Tuất, hiện có một số nhà máy bia cũ Sabeco không biết bán cho ai. Nếu không có gì cản trở, có thể 2014, hãng bia InBev sẽ vào thị trường Việt, lúc đó khó có thể biết được điều gì có thể xảy ra.
Để quảng bá hơn nữa thương hiệu bia Sài Gòn với người dân trong nước và thế giới ông Tuấn tiết lộ có thể chi một triệu USD để mời Novak Djokovic chơi tennis một buổi tại sân Lan Anh, TP HCM trong năm nay.
Ngoài ra, tại đại hội ban lãnh đạo Sabeco còn xin cổ đông cho trích lập quỹ khen thưởng để bù đắp thiếu hụt về tiền lương.
"Ở công ty mô hình Nhà nước, người tài cũng khó có thể được thêm lương. Do vậy, việc cho trích thêm tiền ở quỹ khen thưởng là để bù đắp thêm lương giữ chân người tài. Hiện lương Chủ tịch HĐQT công ty ở mức 30 triệu đồng một tháng", ông Tuất chia sẻ.
Cũng tại đại hội ông Tuất cho biết, vì cái tên bia Sài Gòn quen thuộc hơn với Sabeco nên công ty đề xuất Bộ Công thương cho đổi tên thành Tổng công ty Bia Sài Gòn, còn tên Sabeco thời gian tới chỉ còn là dấu ấn hành chính.
Đồng thời, Sabeco sẽ thực hiện nâng tỷ lệ vốn góp tại Công ty cổ phần vận tải và giao nhận Bia Sài Gòn (SBC) hoặc thành lập thêm công ty về vận tải và giao nhận để bảo đảm sự kiểm soát trong lĩnh vực này.
Để thực hiện mục tiêu trong năm nay, Sabeco đẩy mạnh tái cấu trúc Tổng công ty, chú trọng việc quản trị, điều hành mang tính thống nhấ; giảm sở hữu chéo giữa các công ty thành viên trong hệ thống và chuyển về tổng công ty quản lý trực tiếp; chấm dứt sản xuất Bia không thuộc nhãn hiệu bia Sài Gòn của các công ty thành viên.
Ngoài ra, Sabeco tiếp tục khởi công xây dựng mới nhà máy Bia Sài Gòn Ninh Thuận, Vĩnh Long, Sóc Trăng, đến cuối năm 2013 sẽ đi vào hoạt động với công suất tăng thêm 150 triệu lít bia lon.
Theo Báo cáo kết quả kinh doanh của Tổng công ty bia Sài Gòn (Sabeco) 2012, tổng doanh thu hơn 25.600 tỷ đồng, tăng gần 13% so với năm trước.
Đầu năm 2013, Sabeco tiến hành trả cổ tức 22% bằng tiền mặt, khiến lượng tiền mặt giảm đi khoảng 1.400 tỷ đồng. Trong 4 tháng đầu năm 2013, sản lượng tiêu thụ bia Sài Gòn đạt 400 triệu lít, tổng doanh thu đạt 8.285tỷ đồng, đạt 29% kế hoạch năm, tăng 12% so với cùng kỳ.
Hiện phần vốn Nhà nước tại Sabeco chiếm hơn 89% với đại diện là ông Phan Đăng Tuất, bà Phạm Thị Hồng Hạnh, ông Lê Hồng Xanh, ông Bùi Ngọc Hạnh.
Theo Hồng Châu
VnExpress.