Khai thác lại một đường bay truyền thống của Air Mekong, cả Vietjet Air và Jetstar Pacific đều tung chiến lược cạnh tranh về giá với mức chi phí cực thấp.
Đường bay khai thác lại của Air Mekong trở thành đường đua mới của các hãng hàng không giá rẻ trong cuộc chiến giảm giá. Đường bay khai thác lại của Air Mekong trở thành đường đua mới của các hãng hàng không giá rẻ trong cuộc chiến giảm giá.
Chỉ vài ngày sau khi công bố khai thác lại đường bay của Air Mekong từ TP.HCM, Vinh đi Buôn Ma Thuột, hãng hàng không Jetstar Pacific đã tung ra chương trình bán vé giá rẻ chỉ từ 199.000 đồng cho mỗi chặng bay này. Chương trình áp dụng cho các chuyến bay khởi hành từ 26/3 đến 15/5.
Ngay sau khi Jetstar khai thác đường bay ngắn nội địa này, cả Vietjet Air, Vietnam Airlines cũng nhảy vào cuộc đua trên lộ trình này. Nếu như Vietnam Airlines chỉ tăng tần suất chuyến bay thì phía Vietjet Air lại rầm rộ mở chương trình tặng quà, giảm giá vé sốc và xem biểu diễn cồng chiêng.
Theo đó, vé siêu tiết kiệm của Vietjet Air được mở bán trên website dành cho hành trình bay từ ngày 20/5 đến 20/12/2013, với mức giá chỉ bằng một nửa so với phía Jetstar. Ngoài giá vé sốc, những khác hàng chậm chân của hãng có thể mua được vé với giá 399.000 đồng tại các phòng vé hay qua mạng. Không những thế, sự trùng hợp lịch khởi hành cũng cho thấy, Vietjet Air chỉ có chương trình giảm giá vé "khủng" sau khi Jetstar kết thúc 2 tháng khuyến mãi của mình.
Dù cả 3 nhà khai thác đường bay này đều từng khẳng định về nhu cầu của hành khách đối với chặng nội địa ngắn từ TP.HCM, Vinh đi Buôn Mê Thuột, nhưng thực tế Air Mekong dù đã xem đây là một trong những chặng bay truyền thống cũng chỉ phục vụ được một lượng khách khá nhỏ. Theo thông tin trên trang web đang tạm ngừng phục vụ của Air Mekong, với 13 hàng trình bay (trong đó có cả chặng đến Buôn Mê Thuột), mỗi năm, Air Mekong chỉ có vỏn vẹn hơn 800.000 lượt khách.
Trước đó, theo một lãnh đạo cục hàng không, giá vé đối với chuyến bay khai thác trên 90% công suất ghế phải trên 500.000 đồng thì mới đủ bù chi phí. Với các chuyến bay có công suất thấp hơn, giá vé cũng phải tăng lên tương ứng.
Theo đại diện của một hãng hàng không giá rẻ, việc đầu tư vào một đường bay mới tất nhiên phải mang lại hiệu quả, ít nhất cũng là trong những tính toán kế hoạch, nếu cầm chắc lỗ sẽ không có đơn vị nào tiến hành đầu tư khai thác. Vị này cũng khẳng định, mở thêm đường bay nội địa là do chưa có nên cần mở rộng, và đã lên lộ trình chứ không phải chờ Air Mekong ngừng khai thác thì mới tiến hành.
Theo Trần Anh
Zing/Infonet.