Từ giá vé tính đơn vị trăm ngàn, các hãng hàng không tiếp tục chạy đua khi đưa ra mức 10.000 đồng, rồi 0 đồng cho một chặng bay. Cụm từ "săn vé máy bay siêu rẻ" bắt đầu quen thuộc từ năm 2010 khi Jetstar Pacific lần đầu tiên tung ra chương trình bán vé máy bay giá 0 đồng.
Khi đó, với chiến lược miễn phí tất cả các loại thuế và phí cho 500 khách hàng vào dịp Tết 2011, toàn bộ số vé trên của Jetstar đã được bán hết chỉ sau một thời gian ngắn, trong khi lượng người truy cập đặt mua cao gấp hàng trăm lần.
Cú sốc vé 0 đồng khi đó của Jetstar được coi là ngòi nổ cho cuộc đua vé giá rẻ tại thị trường Việt Nam, với sự tham gia của các hãng nội địa cũng như nước ngoài, hàng không giá rẻ cũng như truyền thống.
Nhìn lại lịch sử vé giá máy bay giá rẻ tại Việt Nam, Jetstar Pacific là "người" khơi mào, và hiện cũng là hãng có số lượng chương trình bán vé siêu tiết kiệm áp đảo, trên cả chặng bay nội địa lẫn quốc tế.
5 năm trước, vào tháng 5/2008, Jetstar Pacific chính thức tham gia hệ thống hàng không giá rẻ Jetstar toàn cầu, khách hàng Việt Nam mới được tiếp cận với những chiếc vé máy bay giá 100.000 đồng.
Đến tháng 11/2011, với việc Vietjet Air khai thác bay thương mại khi bán vé siêu tiết kiệm chỉ 10.000 đồng, mức giá khuyến mại của các hãng liên tục chạm tới mốc thấp kỷ lục.
Cuối năm 2012, Jetstar đưa ra giá vé tương trưng 1 đồng cho chặng bay nội địa vào dịp cận tết. Chỉ sau đó vài ngày, Vietjet Air tung 2.000 vé giá 0 đồng áp dụng với chặng bay lệch đầu của hãng từ Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Vinh, Hải Phòng, Phú Quốc, Hà Nội đến TP.HCM. Gần đây nhất, khi khai thác đường bay quốc tế đến Bangkok, hãng cũng tung ra một lượng vé giá 0 đồng thông qua tất cả các kênh phân phối.
Vốn là ông lớn của hàng không Việt Nam, khai thác thị trường hàng không truyền thống, Vietnam Airlines cũng không thể đứng ngoài cuộc đua giá rẻ. Mỗi năm, hàng trăm ngàn vé máy bay giảm giá tới 50% được Vietnam Airlines bán ra, với cả các hành trình quốc tế và nội địa.
Lợi thế vốn có của các hãng hàng không giá rẻ dường như cũng khó địch lại với "anh cả" đang nắm giữ tới 70% thị phần vận chuyển, với hàng loạt doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đi kèm, và chỉ bán vé với giá chưa đến 200.000 đồng, chưa bằng một nửa mức giá hòa vốn tối thiểu (500.000 đồng/vé).
Cùng với cuộc cạnh tranh với các hãng nội địa, việc hàng loạt hãng bay giá rẻ quốc tế cũng đổ bộ vào Việt Nam khiến áp lực ngày càng đè nặng lên vai của các doanh nghiệp trong nước. Thực tế, trong khi các hãng bay nội thường tung ra chương trình vé rẻ trong các dịp đặc biệt hay mở cửa đường bay, thì việc đang có ít nhất 4 hãng hàng không giá rẻ của khu vực khai thác các chuyến bay đến và đi từ sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang khiến miếng bánh của các doanh nghiệp trong nước thu hẹp đáng kể.
Thống kê cho thấy, từ đầu tháng 4 đến nay, có tới hơn 20 chương trình khuyến mại vé máy bay giá siêu rẻ của các hãng bay trong và ngoài nước. Trong đó, Vietnam Airlines bán vé chỉ từ 333.000 đồng/chặng nội địa và 199.000 đồng/chặng quốc tế, AirAsia, TigerAir, Vietjet Air tung vé 0 đồng, trong khi Jetstar có chương trình "Miễn phí người cùng bay" và vé giá rẻ 199.000 đồng chặng nội địa từ Sài Gòn đi Hải Phòng.
Theo đại diện của một hãng hàng không giá rẻ, các doanh nghiệp không thể mong có lợi nhuận từ những chương trình bán vé giá siêu rẻ, nhưng vẫn phải tung ra các đợt bán vé kiểu này để kích cầu, tạo thương hiệu và tăng lượng khách có thói quen đi lại bằng đường hàng không.
Thế nhưng, trận chiến vé máy bay giá rẻ dường như không mang lại hiệu quả cho các hãng hàng không trong dài hạn, khi Vietnam Airlines ngậm ngùi với tỷ lệ chỉ có tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt 0,01% với luợng vận chuyển giảm sút, Vietjet Air chỉ khai thác 1 triệu lượt khách trong năm 2012, và Jetstar nối dài chuỗi ngày thua lỗ với mức lũy kế lên tới 2.476 tỷ đồng.
Theo Hạ Minh
Zing/Infonet