Chuyển đổi số (digital transformation) về cơ bản là một khái niệm khoa học để biểu đạt việc chuyển đổi một hoặc nhiều hoạt động doanh nghiệp từ cách làm thủ công sang thành một hoạt động ứng dụng số.

Có phải làm chuyển đổi số (digital transformation) theo mô hình các công ty công nghệ (google, microsoft, meta ...) thì mới gọi là chuyển đổi số?

Chuyển đổi số (digital transformation) về cơ bản là một khái niệm khoa học để biểu đạt việc chuyển đổi một hoặc nhiều hoạt động doanh nghiệp từ cách làm thủ công sang thành một hoạt động ứng dụng số.

Cũng giống như bất kỳ ứng dụng công nghệ nào mà doanh nghiệp đã trải qua trong lịch sử phát triển của mình, khi ứng dụng vào các ngành kinh doanh khác nhau, các mô hình kinh doanh khác nhau, qui mô hoạt động khác nhau ... thì nội hàm triển khai và cách làm khác nhau.

Nhưng vấn đề là nhiều chuyên gia vẫn cứ tham chiếu mô hình chuyển đổi số của các công ty công nghệ lớn để đánh giá đúng hay sai. Có người còn cho rằng chuyển đổi số đúng nghĩa là biến doanh nghiệp ấy trở thành giống như một công ty công nghệ.

Điều này là không đúng, mức độ ứng dụng số hóa và quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp tùy vào các yếu tố sau đây:

Ngành nghề kinh doanh.

Doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm số như các công ty công nghệ, thì việc số hóa rõ ràng là thuận lợi hơn các công ty kinh doanh các sản phẩm mà khách hàng thường đòi hỏi phải thấy tận mắt, phải sờ tay vào, thậm chí ngửi mùi, hoặc phải dùng thử sản phẩm rồi mới chịu mua. Điểm khác biệt lớn chính là bản thân sản phẩm, và quá trình chuyển giao sản phẩm.

Mô hình kinh doanh.

Số hóa cũng tùy vào mô hình kinh doanh. Chẳng hạn có mô hình thì việc số hóa mang lại lợi ích kinh tế rõ ràng nhờ tiết kiệm chi phí, cải thiện tốc độ xử lý công việc cũng như là những thuận tiện trong công tác quản lý. Chẳng hạn như kinh doanh tiếp thị và phân phối hàng tiêu dùng nhanh vốn thường có qui mô thị trường rộng lớn và hệ thống phân phối phức tạp.

Trong khi vẫn có những mô hình mà lợi ích và giá trị mà việc chuyển đổi số mang lại cho khách hàng là không lớn, thậm chí có thể làm giảm giá trị. Chẳng hạn như mô hình kinh doanh dựa trên quan hệ, các mô hình kinh doanh mà hiệu quả của nó phụ thuộc vào yếu tố con người (uy tín, trình độ tay nghề, kỹ năng quan hệ...). Có thế ví dụ như dịch vụ kỹ thuật sửa chữa, sáng tạo, nghệ thuật ...

Qui mô doanh nghiệp.

Số hóa cũng tùy vào qui mô của từng doanh nghiệp. Công ty lớn cạnh tranh bằng sản phẩm khác biệt, tiên phong về công nghệ, thì thường dễ tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới hơn. Còn các công ty nhỏ cạnh tranh bằng giá thấp, lợi nhuận chỉ đủ trang trãi hoạt động hàng ngày thì đâu dễ ứng dụng công nghệ mới!

Sự sẵn sàng của doanh nghiệp.

Việc ứng dụng chuyển đổi số như thế nào, mức độ nào, theo lộ trình nào, còn phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng của từng doanh nghiệp. Đó chính là trình độ nhận sự, sự sẵn sàng của nhân sự có chuyên môn, ngân sách đầu tư, mức độ chuẩn hóa qui trình vận hành, nhận thức đúng đắn về những mặt lợi ích, cũng như bất lợi của chuyển đổi số ...

Môi trường kinh doanh.

Và điều quan trọng mà nhiều người bỏ qua, là ứng dụng số hóa còn tùy thuộc vào môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp kinh doanh ở một thị trường quốc gia phát triển, nơi khách hàng đã quen với hoạt động số, nơi có cơ sở hạ tầng số phổ biến với chi phí vừa phải, và các đối thủ trong nghành đều ứng dụng số, thì đương nhiên là doanh nghiệp cần phải ứng dụng số hóa như các doanh nghiệp khác.

Còn nếu anh hoạt động ở vùng cơ sở hạ tầng số kém (chẳng hạn tốc độ truy cập internet chậm, chi phí net cao), hoặc nơi mà sự phổ cập của thiết bị số đối với đối tượng khách hàng mục tiêu là khá thấp, thì doanh nghiệp ấy chắc chắn phải cân nhắc nếu muốn chuyển đổi số.

Tóm lại.

Có một điều tuy đơn giản với các doanh nhân, nhưng đôi khi lại thường "khó hiểu" đối với các chuyên gia công nghệ. Đó là ưu tiên của các doanh nghiệp là làm sao để hoạt động hiệu quả hơn, chứ không phải ứng dụng công nghệ nhiều hơn.

Vậy nên không phải doanh nghiệp nào cũng nên ứng dụng số hóa nhiều, theo kiểu như các công ty công nghệ Âu-Mỹ.

Đỗ Hòa - Tinh Hoa Quản Trị.

Nguồn: Tinhhoaquantri.com

Pin It
Groucho Marx

"Trước khi nghe bài diễn văn của ông ta, tôi đã nghĩ lưỡi dao cạo râu của tôi đã cùn rồi ."

User Menu