Với những bước đi mới, Thạch Bàn kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích trên thị trường gạch ốp lát cao cấp Việt Nam.

ThachBan

Trong lĩnh vực gạch ốp lát, Thạch Bàn được xếp vào nhóm đại thụ với bề dày phát triển gần 60 năm. Là doanh nghiệp khai mở ngành sản xuất granite, từ trước đến nay, doanh nghiệp này vẫn luôn đi đầu về các xu hướng công nghệ trong sản xuất gạch, tuy nhiên, phải đến thời điểm này, người ta mới chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ về nhiều mặt của thương hiệu này.

Tập trung vào trải nghiệm của khách hàng

Tháng 10 vừa qua, nhà máy gạch ốp lát granite Thạch Bàn Bắc Giang với tổng vốn đầu tư 800 tỷ đồng, có quy mô gần 20 ha ở Bắc Giang đã đi vào hoạt động. Công suất của nhà máy dự kiến đạt 16 triệu m2/năm, gấp 10 lần so với nhà máy trước đây. Con số này cho thấy, tham vọng không hề nhỏ của Thạch Bàn trong việc phát triển thị trường thời gian tới. Nhưng, cùng với đó là một loạt những thử thách đặt ra với tập đoàn này. Trao đổi với lãnh đạo của Thạch Bàn, ông Nguyễn Thế Cường – Chủ tịch Tập đoàn Thạch Bàn cho biết, đây là bước chuyển mình đã được chuẩn bị rất kỹ và điều quan trọng là suốt mấy chục năm qua, Thạch Bàn đã tích lũy đủ về mặt chất để có thể chuyển mình mạnh mẽ về mặt lượng. Trong khi đó, người giữ vai trò là người trực tiếp chèo lái Thạch Bàn tại thời điểm này – ông Nguyễn Trọng Kiên – Tổng giám đốc Công ty TNHH Thạch Bàn, đã chuẩn bị cho mình một kế hoạch phát triển dài hạn với nhiều “vũ khí” trong tay.

Một trong những điểm cốt yếu giúp thương hiệu này tự tin sẽ tạo ra bước ngoặt trên thị trường nằm ở chính những sản phẩm cao cấp mà Thạch Bàn đang tung ra thị trường. Nếu như trước kia, Thạch Bàn chỉ được biết đến với các dòng sản phẩm như gạch ngói xây dựng và gạch granite nhân tạo thì nay, gạch ốp tường cao cấp được coi là một trong những sản phẩm chủ lực của thương hiệu này. Cùng với việc khai trương dây chuyền sản xuất mới, Thạch Bàn cũng đã tung ra 16 mẫu gạch ốp tường cao cấp mới. Theo Thạch Bàn, để có được các mẫu thiết kế này, đội ngũ thiết kế và kỹ thuật của Thạch Bàn đã mất hàng năm trời để nghiên cứu về các xu hướng thiết kế không gian sống ở các quốc gia đi đầu về gạch ốp lát như Tây Ban Nha, Italia, đồng thời sáng tạo và điều chỉnh theo văn hóa Á Đông.

Với định hướng phát triển mới, Thạch Bàn không chỉ tham vọng mở rộng thị trường trong nước mà còn tự tin hơn vào việc phát triển thị trường xuất khẩu

Ông Phạm Đức Phú, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thạch Bàn cho biết, các thiết kế gạch ốp cao cấp của Thạch Bàn hướng đến phân khúc gia đình ưa chuộng không gian sống hiện đại và phong cách, trong đó, sử dụng những tông màu sáng, hoa văn đơn giản và lấy cảm hứng từ thiên nhiên; các họa tiết 3D cũng là điểm nhấn chủ đạo. Theo ông Phú, động lực để Thạch Bàn đầu tư vào thiết kế là tập trung vào trải nghiệm của khách hàng. Việc đầu tư mạnh vào khâu thiết kế đã giúp nâng cao tính thẩm mỹ của sản phẩm, bởi trước đây, nhắc đến Thạch Bàn, hầu như mọi người chỉ nghĩ đến yếu tố chất lượng và độ bền sản phẩm theo thời gian.

Tuy nhiên, theo ông Phú, việc đầu tư vào “bề ngoài” là chưa đủ, đằng sau mỗi sản phẩm là rất nhiều nguồn lực đầu tư vào công nghệ. Công nghệ mà ông Phú nói đến chính là công nghệ in kỹ thuật số của Italia (tiên tiến nhất trong ngành sản xuất gạch ốp lát) và công nghệ nung hai lần.

Ông Phú cho biết, nguyên vật liệu cũng được Thạch Bàn đầu tư để tạo sự khác biệt: “Chúng tôi sử dụng một loại men lót đặc biệt có chất lượng tốt giúp sản phẩm của Thạch Bàn không bị thấm ngược trong quá trình sử dụng. Nguyên liệu được sử dụng là loại nguyên liệu tốt tạo xương trắng cho sản phẩm, làm tăng tính thẩm mỹ – một đặc điểm nổi bật mà không phải loại sản phẩm nào trên thị trường cũng có được”.

Bên cạnh đó, Thạch Bàn cũng kỳ vọng tạo ra sức thu hút mạnh mẽ với các dòng sản phẩm được thiết kế theo bộ, nhất quán về mặt ý tưởng, màu sắc và đường nét. Trong mỗi bộ sản phẩm đều có nhiều viên trang trí để khách hàng có nhiều lựa chọn cách phối màu cho gian phòng. Để khách hàng dễ hình dung và ra quyết định, Thạch Bàn sẽ xây dựng nhiều mô phỏng về cách ốp lát phối màu trang trí cho các không gian khác nhau. Với thay đổi này, Thạch Bàn đang xây dựng định vị là một doanh nghiệp cung cấp giải pháp chứ không chỉ đơn thuần là bán sản phẩm như nhiều doanh nghiệp khác.

Giải bài toán thị trường

Với dòng gạch ốp cao cấp, về cơ bản Thạch Bàn đã hoàn thiện đầy đủ các dòng sản phẩm. Nhưng sản phẩm đẹp và chất lượng là một chuyện, còn việc đưa sản phẩm đến được với thị trường lại là một bài toán khác cần thêm lời giải.

Thời gian tới, Thạch Bàn sẽ đầu tư mạnh vào việc mở rộng kênh phân phối đến tất cả các tỉnh thành trong cả nước, với sự điều phối của ba công ty phân phối chính tại ba miền. Hiện tại, Thạch Bàn đang có khoảng 2.000 đại lý trên khắp cả nước, con số này dự kiến sẽ còn tăng lên trong thời gian tới. Ngoài ra, để tăng tính cá nhân hóa và hiệu quả tư vấn, tại showroom chính tại 3 miền có kiến trúc sư và phần mềm 3D giúp khách hàng dựng được gian phòng bằng gạch Thạch Bàn theo thiết kế riêng của họ.

Bên cạnh đó, Thạch Bàn cũng sắp ra mắt một phần mềm thông minh giúp khách hàng tương tác trực tiếp qua website với công ty, tham gia thiết kế không gian sống như họ mong muốn từ các sản phẩm gạch Thạch Bàn. Chia sẻ về bước thay đổi trong giai đoạn này, ông Nguyễn Trọng Kiên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thạch Bàn, cho biết: “Là một trong số ít những doanh nghiệp cung cấp được giải pháp tổng thể cho khách hàng, chúng tôi nỗ lực thay đổi và đầu tư để giúp tối đa hóa lợi ích cho khách hàng”.

Với định hướng phát triển mới, Thạch Bàn không chỉ tham vọng mở rộng thị trường trong nước mà còn tự tin hơn vào việc phát triển thị trường xuất khẩu. Được biết, ngay sau khi được giới thiệu sản phẩm mới, một đối tác Đài Loan đã đặt đơn hàng đầu tiên. Theo ông Kiên, thời gian tới, thị trường trong nước với nhiều dư địa vẫn là địa bàn trọng điểm để Thạch Bàn làm bàn đạp trước khi tiến ra nước ngoài. Trong tương lai, doanh nghiệp này kỳ vọng nâng tỷ trọng xuất khẩu trong tổng sản lượng sản xuất lên 20%. Hiện sản phẩm của công ty đã có mặt tại một số thị trường như: Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia và đang nhắm đến các các thị trường tiềm năng là: Australia, Trung Đông, Mỹ…

Theo đà tăng trưởng của thị trường bất động sản, gạch ốp lát đang được đánh giá là lĩnh vực có rất nhiều cơ hội. Theo dự báo của Bộ Xây dựng, nhu cầu gạch ốp lát tới năm 2020 vào khoảng 570 triệu m2. Tuy nhiên, ngoài sản phẩm được sản xuất trong nước, sự hiện diện của các thương hiệu nhập khẩu, từ phân khúc bình dân (Trung Quốc) đến phân khúc cao cấp (Ý, Tây Ban Nha) đang làm sức cạnh tranh trên thị trường gạch ốp lát ngày càng “nóng”. Trong bối cảnh đó, việc lựa chọn định vị phân khúc trung cao cấp có thể là một định hướng khôn ngoan của Thạch Bàn, để vừa bứt ra khỏi nhóm sản phẩm phổ thông, chạm đến những tiêu chuẩn giá trị cao cấp trong ngành sản xuất gạch, nhưng đồng thời, giữ được mức giá có thể cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.

Nhìn vào những bước đổi mới mạnh mẽ của Thạch Bàn, có nhiều lý do để tin vào bước ngoặt phát triển của thương hiệu này trong thời gian tới.

Thùy Dung
(Theo Doanh Nhân)

Pin It
Ted Levitt

"Sự khác biệt giữa sales và marketing nằm ở chỗ sales bán đi những gì mình có, trong khi marketing thì có những gì khách hàng cần"

User Menu