Ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài và Việt Nam lựa chọn hình thức mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) để đặt chân vào thị trường, mở rộng ngành nghề kinh doanh hoặc gia tăng lợi thế cạnh tranh. Trong số này, ngoài những doanh nghiệp bán lẻ, hàng tiêu dùng còn có cả một số công ty tư vấn, bởi M&A là một xu thế mới.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài và Việt Nam lựa chọn hình thức mua bán và sáp nhập doanh nghiệp.

ma

Sôi động bán mua

Năm 2015 cùng với sự phát triển khá ổn định của nền kinh tế vĩ mô, nhiều thương vụ M&A lớn về quy mô, quan trọng về mức độ tác động tới thị trường đã diễn ra dồn dập. Xét về độ lớn, có thể coi thương vụ Tập đoàn Thái Lan Berli Jucker (BJC) đàm phán mua lại Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam - sở hữu chuỗi đại siêu thị bán buôn - với tổng giá trị 880 triệu USD, có quy mô lớn nhất. Không dừng lại ở đó, sau khi mua xong Metro Cash & Carry Việt Nam, BJC tuyên bố họ sẽ tiến hành mua tiếp chuỗi siêu thị Big C, thuộc sở hữu của Tập đoàn Casino Group (Pháp). Tập đoàn Thái Lan này cũng đầu tư vốn (không được tiết lộ) nhằm mua lại chuỗi siêu thị Family Mart của Nhật (nay đổi tên thành B’s Mart).

Tháng 7/2015, Tập đoàn Mondelez International chuyên kinh doanh bánh kẹo của Mỹ cũng bỏ ra số vốn 370 triệu USD mua lại 80% cổ phần mảng kinh doanh bánh kẹo của CTCP Tập đoàn Kinh Đô (KDC). Sau khi sáp nhập, công ty mới có tên gọi Mondelez Kinh Đô, sở hữu danh mục các thương hiệu bánh kẹo gồm bánh trung thu và bánh quy Kinh Đô; bánh quy Cosy; bánh bông lan Solite; bánh quy Oreo; sô-cô-la Cadbury... Một lĩnh vực sôi động khác là siêu thị điện máy, với thương vụ Công ty Power Buy thuộc Tập đoàn Central Group (Thái Lan) hoàn tất việc mua lại 49% cổ phần của Công ty đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT - chủ sở hữu Công ty thương mại Nguyễn Kim.

Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, đi tiên phong trong xu thế M&A là Tập đoàn Vingroup, khi họ nhận chuyển nhượng 100% cổ phần tại CTCP bán lẻ và quản lý bất động sản Đại Dương (Ocean Retail) của Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group)... Theo Công ty tư vấn A.T.Kearney (Mỹ), Việt Nam đứng thứ 28 trong danh sách các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất trên thế giới, và đây là lý do giải thích cho câu hỏi tại sao các thương vụ M&A trong lĩnh vực này luôn sôi động.

Theo phân tích của tiến sĩ Trần Vinh Dự, chuyên gia M&A có nhiều kinh nghiệm tư vấn các thương vụ M&A, hoạt động M&A “nóng” lên kéo theo nhu cầu của hàng loạt dịch vụ liên quan đến lĩnh vực này cũng tăng trưởng mạnh mẽ, bao gồm: Tư vấn M&A; khảo sát doanh nghiệp trước M&A (gồm khảo sát về thương mại, tài chính, pháp lý của doanh nghiệp bán...); pháp lý cho giao dịch M&A; định giá phục vụ M&A... Sự dịch chuyển này dẫn tới một tác động khác, đó là việc các công ty tư vấn lớn của nước ngoài đẩy mạnh việc mua lại các công ty tư vấn quy mô vừa và có đội ngũ chuyên gia am hiểu thị trường của Việt Nam.

Doanh nghiệp tư vấn đẩy mạnh M&A

Đầu năm 2016, ngành tư vấn vốn không có nhiều giao dịch M&A như các ngành khác, cũng đã đánh dấu một thương vụ quan trọng khi vào ngày 7/1/2016, Công ty tư vấn chiến lược doanh nghiệp TNK Capital của Việt Nam chính thức gia nhập Công ty Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam). Mặc dù giá trị của thương vụ trên không được tiết lộ, nhưng theo ước tính của một chuyên gia thạo tin trong giới tư vấn chiến lược, rơi vào khoảng 2 - 4 triệu USD.

Thương vụ M&A này quan trọng đối với ngành tư vấn Việt Nam trước hết đến từ thương hiệu EY. Đây là một trong 4 tập đoàn kiểm toán lớn nhất toàn cầu, với doanh thu hơn 28 tỷ USD trong năm 2015, vẫn được biết đến với tên gọi nhóm “Big Four” (4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới). Tại Việt Nam, EY Việt Nam dẫn đầu trong lĩnh vực kiểm toán ngân hàng và là công ty tư vấn quốc tế hàng đầu, với gần 1.000 nhân viên và chuyên gia cao cấp.

Theo ông Trần Đình Cường - Tổng giám đốc EY Việt Nam, một động lực quan trọng thúc đẩy EY Việt Nam mua TNK Capital đến từ xu hướng tái cấu trúc doanh nghiệp đang trên đà tăng, lý do là các doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc trong các trường hợp như: Phát triển quá lớn, vượt xa quy mô ban đầu khiến việc tái cấu trúc là cần thiết nếu không sẽ bị hỗn loạn về sở hữu và quản trị; gặp khó khăn lớn trong kinh doanh buộc phải tái cấu trúc về sở hữu, tổ chức, tài chính, sản phẩm...; tái cơ cấu trước khi kêu gọi đầu tư, IPO, hoặc niêm yết trên sàn chứng khoán trong nước hoặc quốc tế...

Đây cũng là nguyên nhân chung của hầu hết các thương vụ M&A trong lĩnh vực tư vấn, ví dụ như Nexia ACPA (Việt Nam) mua lại Công ty Grant Thornton Vietnam, cả 2 công ty này đều thuộc ngành kiểm toán và tư vấn kế toán. Theo thông tin từ EY Việt Nam, sau thương vụ này các cổ đông sáng lập kiêm giám đốc của TNK Capital sẽ trở thành thành viên ban giám đốc EY Việt Nam và lãnh đạo mảng dịch vụ tư vấn giao dịch.

Có thể nói, xu thế M&A sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong năm nay khi có nhiều tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh đang “xếp hàng” đợi mua lại doanh nghiệp Việt Nam có tiềm năng. Xu thế này không thể đảo ngược và nên nhìn nhận nó ở khía cạnh tích cực, bởi khi Việt Nam tham gia sân chơi toàn cầu TPP, các doanh nghiệp trong nước chỉ có một con đường: Tiến lên hoặc bị loại khỏi cuộc chơi. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam chỉ có cách nỗ lực đổi mới mới có thể trụ vững được.

Song Thanh

Theo Báo Lao Động

Pin It
Daniel Boorstin

"Trở ngại lớn nhất của sự tiến bộ không phải là sự ngu dốt, mà là ảo ảnh của sự hiểu biết."

User Menu